Lạ lùng bàng Côn Đảo

(PLO) - Bàng là loại cây thân thuộc và bắn bó với đời sống của mọi người dân. Trên khắp dải đất hình chữ S, nơi đâu cũng thấy bóng dáng của những tán bàng. Nhưng ở một nơi, cây bàng đã trở thành biểu tượng, thể hiện cho sức mạnh của vùng đất này, bàng được ví như chứng nhân lịch sử trong một thời kỳ đau thương và bi hùng của dân tộc. Đó là bàng Côn Đảo.
Nếu ai từng đến Hà Nội vào buổi chiều thu để chiêm ngưỡng những hàng cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ thì khi đặt chân đến Côn Đảo hẳn sẽ rất ngạc nhiên bởi những điều kỳ thú về cây bàng nơi chốn biển khơi. 
Trên đường từ sân bay Côn Đảo về khách sạn, giọng em hướng dẫn viên thánh thót bên tai: “Ở Côn Đảo, các anh chị sẽ gặp rất nhiều cây cổ thụ. Côn Đảo cũng có món ăn đặc sản được chế biến từ quả của loại cây này mà bất cứ du khách nào từng đến đây đều muốn mua về làm quà cho đất liền. Đó là em đang nói đến cây bàng ở đảo”. 
Nghe em nói, tôi cứ bán tín bán nghi và cũng không giấu được sự hồi hộp và háo hức. Ngó ra ngoài ô cửa kính của chiếc xe khách đang lao vun vút qua những rặng hoa rừng vươn ra ven đường, tôi đưa mắt để kiểm chứng lời em vừa giới thiệu. Và kìa, ngay sát mép sóng, một vệt xanh thẩm bắt đầu mở rộng ra và chạy dài theo sự uốn lượn của cung đường- đó là những tán bàng đầu tiên tôi nhìn thấy khi đặt chân đến vùng đất linh thiêng của Tổ quốc.
Bàng ở Côn Đảo hiện diện khắp nơi, như thể mỗi cây bàng cũng là một “nhân khẩu” của đảo này: bàng trong sân trường học, bàng trước cổng và lẫn trong vườn nhà, bàng bên vệ đường, trên lưng chừng núi….nhưng những cây bàng cổ thụ chỉ có nhiều nhất trong khuôn viên các trại tù. Và, ở Côn Đảo, có những con đường chỉ duy nhất có sự hiện diện của những cây bàng cổ thụ mà nhiều người vẫn quen gọi đó là “con đường bàng”. Rồi đường Tôn Đức Thắng chạy dọc theo bờ biển, qua Cầu tàu 914 (nơi 914 tù nhân chính trị đã hy sinh khi xây dựng cầu tàu này) cũng rất nhiều “cụ” bàng có tuổi đời vài trăm năm mọc thành hàng thẳng tắp, ngạo nghễ với đất trời.
Không giống trong đất liền, bàng ở Côn Đảo có rất nhiều sự lạ. Lá bàng thẫm màu hơn và dày hơn, da của bàng cũng sần sùi hơn. Hầu hết trên thân những cây bàng cổ thụ ở đây đều nổi u, nổi cục, có những “khối u” to bằng viên đá tảng mà các cựu tù chính trị đã xây nên cầu tàu 914. Nhiều người giải thích, có lẽ ở môi trường khí hậu khắc nghiệt, cộng với độ mặn của nước biển nên da bàng mới trở nên kỳ dị như vậy. 
Nhưng tôi lại nghĩ khác, những u cục kia phải chăng là những dòng máu bàng đã ứa ra khi phải chịu đựng và chứng kiến biết bao đau thương dưới chế độ nhà tù hà khắc của Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; những khối căm hờn cứ lớn dần, tích tụ mãi cho đến hôm nay mà đâu dễ nguôi ngoai.
Gắn bó và che chở cho những cư dân trên đảo, dáng của bàng cũng vững chãi và hiên ngang tựa bức tường thành vững chắc để che chắn những cơn sóng cuồng nộ của biển cả và những trận gió táp, mưa sa. Kể cũng lạ, chưa ở đâu bàng lại có nhiều thế đứng như bàng Côn Đảo. Có những cây cao vài chục mét, thẳng tắp, sừng sững vươn lên trời như mũi chông; có cây chỉ cao chưa đầy mươi mét nhưng gốc của nó đến vài người ôm cũng chưa khít vòng tay và tán lá thì vươn xa rợp cả một vùng đất rộng, đường kính ước chừng hơn trăm mét. Từ xa nhìn lại, cây bàng như một chiếc ô khổng lồ, xanh thắm.
Chúng tôi đến Côn Đảo vào dịp cả nước đang diễn ra lễ tri ân các anh hùng liệt sĩ, đó vào cuối tháng 7 dương lịch – mùa trái bàng đang chín. Lần đầu tiên đứng trước bạt ngàn những cây bàng cổ thụ, tôi lại chợt nhớ bài tập đọc về cây bàng đã từng học hồi Tiểu học: mùa đông cây vươn dài những cành khẳng khiu, trụi lá; xuân sang, cành trên cành dưới chi chít những lộc non xanh mơn mởn; hè về, tán lá xanh um; thu đến, từng chùm quả chính vàng trong kẽ lá… 
Lãnh đạo Báo Pháp luật Việt Nam tặng sách và học bổng
cho thầy, trò Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc
Không tuân theo quy luật này, bàng ở Côn Đảo hội tụ cả 4 mùa trong một mùa. Này nhé, bên cạnh những cây đang cho những chùm quả vàng ruộm thì vẫn có những cây thả xuống từng chùm hoa trắng li ti. Rồi có những cây khoác trên mình hai sắc thái của mùa Đông và Xuân rõ rệt: những tán lá phía dưới là một màu xanh nõn của lộc non vừa nhú, nhưng phía trên là những cành “ trụi lá”- những cành cây gầy guộc như những cánh tay của các cựu tù chính trị trước đây đang giơ lên đấu tranh, đòi công lý.
Chị Võ Thị Sáu cũng từng bị giam giữ nơi đây, một ngày trước khi ra pháp trường, chị đã xin cai ngục cho ra sân chừng vài phút để ngắm màu xanh thân thuộc của đất trời quê hương. Không rõ chị đã đứng dưới tán bàng nào để cảm nhận niềm tự do và hạnh phúc của một dân tộc sẽ có ngày vùng lên giành độc lập, nhưng khi đi dưới những tán bàng trong các Trại tù Phú Sơn và Phú Hải…, mọi người vẫn như thấy nụ cười của chị đang ở đâu đây- rất gần và thân quen.  
Bàng không chỉ chắn gió, chắn sóng và làm đẹp cho vùng đất nhiều gian lao  mà còn ban tặng cho cư dân trên đảo một món ăn mang đậm vị ngọt bùi, thơm thảo. Khi trái bàng chính rộ và rụng xuống, người dân sẽ nhặt về phơi chừng bốn, năm nắng để vỏ se lại, sau đó dùng dao bổ đôi hạt bàng để lấy phần nhân bên trong, nhân của hạt bàng có màu vàng nâu óng ả và nhọn như hình hạt trám, tuy nhiên nó chỉ nhỉnh hơn hạt đậu đen một chút. Nhân hạt bàng  được rang khô rồi tẩm với đường hoặc muối để trở thành món ăn quen thuộc của cư dân trên đảo và cũng là món quà đặc sản mà vùng đảo này gửi về đất liền. 
Đến Côn Đảo, hầu như không một du khách nào lại đành lòng từ chối món mứt hạt bàng. Không  vì đây là món quà ngon, lạ mà mỗi người như muốn mang về cho người thân của mình một chút, dù chỉ một chút thôi-  vị mặn mòi của nắng gió, của những vất vả và cả những ân tình của người dân Côn Đảo- đó là những nét đẹp, những đổi thay mà Côn Đảo hôm nay đang từng ngày, từng giờ vươn lên để bắt nhịp với đất liền.
Côn Đảo- Hà Nội
Tháng 7-11/2013

Đọc thêm