Làm ăn phải lụy… lục bình

Thời gian gần đây, hàng trăm hộ dân sống dọc theo con sông Cái Lớn nối các xã Long Bình, Long Trị, Long Trị A và một phần thị trấn Long Mỹ (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) rất mệt mỏi do khắp tuyến sông dài khoảng 5 km lục bình mọc dày đặc, bao phủ khắp mặt sông khiến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân bằng đường thủy gặp vô vàn khó khăn.

 Thời gian gần đây, hàng trăm hộ dân sống dọc theo con sông Cái Lớn nối các xã Long Bình, Long Trị, Long Trị A và một phần thị trấn Long Mỹ (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) rất mệt mỏi do khắp tuyến sông dài khoảng 5km lục bình mọc dày đặc, bao phủ khắp mặt sông khiến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân bằng đường thủy gặp vô vàn khó khăn.  

Một người dân đang cố gắng bơi xuồng thoát ra khỏi đoạn sông dày đặc lục bình trên sông Cái Lớn. Ảnh: Hà Vy

Ánh tắc đường thủy

Anh Đào Thanh Tòng, chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng tại khu vực này cho biết, do bị lục bình cản trở nên việc vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy giao cho khách hàng diễn ra rất chậm chạp, mất khá nhiều thời gian, tốn kém nhiều chi phí vận chuyển. “Có nhiều người đi đường nói vui rằng người dân ở đô thị thì bị ách tắc giao thông còn người dân ở nông thôn thì bị ách tắc bởi lục bình”, anh Tòng nói.

Theo anh Tòng, hiện chỉ các loại ghe vận tải lớn mới đủ sức “trườn” qua tuyến sông dày đặc lục bình này. Trong khi đó, nhiều người dân than phiền việc nhiều thương lái khi đến tận vườn thu mua lúa, trái cây của người dân họ vịn vào cớ đi lại khó khăn nên ép giá nông dân. Một số người dân địa phương cũng cho biết trước đây người dân còn tận dụng nước sông để tắm giặt nhưng từ khi lục bình xuất hiện dày đặc thì nguồn nước bị ô nhiễm nên ít ai còn sử dụng nước sông.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Long Trị A, xác nhận hiện có khoảng 5km đoạn sông Cái Lớn nối 3 xã Long Bình, Long Trị, Long Trị A và một phần thị trấn Long Mỹ dày đặc lục bình, gây bất lợi trong việc đi lại bằng đường thủy của người dân. Theo ông Hùng, nguyên nhân chính khiến lục bình sinh sổi nảy nở nhiều như hiện nay là do trước đây khi múc thêm con kênh xáng nối từ xã Long Bình đến huyện Long Mỹ thì nước ở khu vực sông Cái Lớn chảy yếu lại.

Thêm vào đó, trước đây  do thiếu nguyên liệu lục bình tự nhiên làm nghề đan lát nên nhiều hộ dân sống dọc tuyến kênh tự khoanh vùng trên sông để nuôi lục bình. Cá biệt có hộ dân trồng lục bình lấn ra tới giữa sông khiến lòng sông ngày càng bị thu hẹp. Không những thế, một số chủ đò ngang do không hoạt động được vì lục bình che phủ đã tự thông dòng bằng cách dùng cây rào ngang khiến lục bình bị bị ùn ứ, không thể trôi đi được.

Ông Hùng cũng cho hay, mới đây Ban An toàn giao thông huyện Long Mỹ kết hợp chính quyền các địa phương cùng với người dân huy động phương tiện vớt lục bình trên sông. Tuy nhiên, do lục bình quá dày đặc không thể vớt được hết nên chính quyền đã xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo huyện tiến hành phun xịt thuốc diệt cỏ để diệt lục bình.

“Hiện các xã đã tiến hành phun xịt thuốc đợt 1, chờ đến lục bình héo sẽ tiếp tục phun đợt hai để giải quyết triệt để”, ông Hùng thông tin thêm. Trước đó, gần 10 cơ sở sấy lúa trong khu vực cũng triển khai phun thuốc diệt lục bình để mở lối cho người dân đưa ghe chở lúa vào lò sấy.

Không nên diệt lục bình bằng thuốc

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, hiện tại bên cạnh việc trục vớt lục bình, các xã cũng đã tiến hành vận động, tuyên truyền các hộ dân nuôi lục bình ký cam kết chỉ được nuôi tính từ bờ ra sông từ 5-7m, để đảm bảo lòng sông rộng từ 20-25m giúp tàu thuyền qua lại thuận tiện.

Theo các nhà khoa học, cách tốt nhất là huy động người dân tham gia trụt vớt lục bình đưa lên bờ, không nên dùng thuốc diệt lục bình vì sẽ ảnh hưởng đến môi trường nước. Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, nguyên cố vấn kỹ thuật quốc gia dự án “Bèo lục bình” do Chính phủ Luxembourg tài trợ cho Hậu Giang từ tháng 4/2007 đến tháng 3/2010 cho rằng, thay vì bỏ tiền mua thuốc diệt lục bình như hiện nay thì chính quyền nên đầu tư để trả tiền cho các hộ dân tham gia vớt lục bình lên bờ phơi khô rồi tìm nguồn tiêu thụ. Bởi theo ông Quỳnh, lục bình khi phơi khô có thể dùng làm phân bón và chất phủ rất tốt.

“Hiện không ít nhà trồng cây cao su công nghiệp rất cần lượng lục bình khô để phủ gốc để hạn chế việc bốc hơi và tưới nước. Vấn đề là chính quyền nên chủ động tìm đầu ra cho lục bình. Đây là giải pháp kinh tế, tạo được công ăn việc làm cho người dân và không gây ô nhiễm môi trường”, ông Quỳnh nói.

Ông Quỳnh cũng cho biết, hiện tại người dân ở Hậu Giang vẫn duy trì rất tốt việc trồng lục bình để phục vụ nghề đan lát, tuy nhiên do người dân chỉ sử dụng một phần thân dài, các phần còn lại của lục bình thường bị vứt bỏ dưới sông nên xảy ra ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh.

Hà Vy

Đọc thêm