Lâm Đồng: Công sức mấy chục năm khai phá, làm đường bỗng chốc bị phủ nhận

(PLO) - Chưa tâm phục, khẩu phục với phán quyết của tòa, ông Lê Nguyên Vỹ (ngụ Phường 3, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), đã có đơn gửi TAND Cấp cao tại TP.HCM kháng cáo toàn bộ Bản án số 35/2017/HC-ST ngày 31/10/2017 của TAND tỉnh Lâm Đồng.
Ảnh con đường từ nhà ông Vỹ ra đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn được một người hàng xóm chụp lại năm 2011, khi mua bán nhà - đất
Ảnh con đường từ nhà ông Vỹ ra đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn được một người hàng xóm chụp lại năm 2011, khi mua bán nhà - đất

Có mặt từ thời Pháp

Trong đơn gửi đến ngành chức năng và các cơ quan báo chí, ông Lê Nguyên Vỹ trình bày, ông ngoại ông là Lê Hữu Kính, di cư từ Hà Tĩnh vào Đà Lạt từ những năm 1947, làm đầu bếp cho các viên chức người Pháp, rồi làm đầu bếp ở Dinh 2 từ trước năm 1960. 

Trước năm 1975, ông Kính ở tại khu biệt thự số 10, 12 đường Trần Hưng Đạo. Sau 1975, chính quyền trưng dụng làm trụ sở làm việc của Sở Nông Nghiệp (nay là Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh Lâm Đồng) nên cấp cho ông một phần dãy nhà liên kề tại số 01/2 đường 3 tháng 4. 

Lúc đầu, các hộ dân sống trong khu nhà này đi ngang qua khuôn viên Sở Nông nghiệp ra đường Trần Hưng Đạo nên hộ khẩu gia đình có địa chỉ 12/1 đường Trần Hưng Đạo. Sau đó, Sở Nông Nghiệp không cho đi ngang qua nữa, các hộ gia đình phải chuyển sang đi ra hẻm đường 3 tháng 4.

Ông Vỹ cho biết, thời điểm đó, ông ngoại ông đã khai phá và sử dụng phần đất khoảng 1.500m2 phía dưới đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn để trồng trọt rau quả, khoai sắn... Ngoài ra, ông Kính còn mở một lối đi ngang qua phần đất vườn mà mình đã khai hoang, lên đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn. Sau này, gia đình ông Vỹ đã nhiều lần tôn tạo lại con đường để đi lại. Bản đồ địa chính năm 1996 cũng thể hiện rõ lối đi này. 

Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Lâm Đồng
Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Lâm Đồng

Ngày 05/11/1999, phần đất vườn khai hoang được UBND TP. Đà Lạt cấp “sổ đỏ” cho bà Lê Thuỵ Kiểm (con gái ông Kính, mẹ ông Vỹ), với diện tích 530m2, thuộc thửa đất số 58, tờ bản đồ số 12, Phường 3, TP. Đà Lạt. Diện tích đất vườn còn lại chưa được cấp “sổ đỏ”, gia đình ông Vỹ vẫn sử dụng ổn định để trồng hồng, cà phê, cây ăn trái...

Chiếm đất, phá đường còn... lu loa tố cáo (?)

Năm 2010, ông Kính đau yếu phải đưa về TP. Hồ Chí Minh để chữa bệnh rồi qua đời trong năm đó. Sang năm 2011, bà Lê Thụy Kiểm cũng phát bệnh nặng, vợ chồng ông Vỹ phải đưa về TP. Hồ Chí Minh để chữa trị nhưng cũng không qua khỏi. Năm 2012, vợ ông Vỹ mang thai, năm 2013 sinh em bé tại TP. Hồ Chí Minh...

“Dồn dập nhiều biến cố khiến gia đình tôi chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh chứ ít khi có mặt ở TP. Đà Lạt. Lợi dụng điều này, Công ty Địa ốc Ý Thu, ở sát bên cạnh khu đất vườn của gia đình tôi đã cho người lấn đất, đào phá lối đi bằng bê tông, nhổ các cột mốc ranh giới, làm thay đổi hiện trạng khu đất. Khi phát hiện, tôi đã làm đơn gửi đến các cấp chính quyền nhờ can thiệp, song mọi việc không được giải quyết thoả đáng”, ông Vỹ kể lại sự việc trong uất ức.

Sau đó ông Vỹ xin chuyển mục đích sử dụng khu đất để làm nhà ở và rào bao bảo vệ. Ngày 08/10/2014, UBND TP. Đà Lạt ban hành Quyết định số 2907/QĐ-UBND, cho phép chuyển mục đích sử dụng 300m2, thuộc thửa đất số 58, tờ bản đồ số 12, Phường 3, TP. Đà Lạt, từ đất nông nghiệp sang đất ở.

Điều bất ngờ là sau khi biết ông Vỹ chuyển mục đích sử dụng đất, tiến hành rào bao lại phần đất hợp pháp của mình, thì lại xuất hiện đơn tố cáo cho rằng, việc chuyển mục đích này không đúng do không có lối đi (?).

Nội dung bản án cho rằng ông Vỹ không cung cấp được chứng cứ khiếu nại khi biết đất bị chiếm, đường bị phá huỷ và khẳng định có đường nhưng chỉ là đường phụ
Nội dung bản án cho rằng ông Vỹ không cung cấp được chứng cứ khiếu nại khi biết đất bị chiếm, đường bị phá huỷ và khẳng định có đường nhưng chỉ là đường phụ

Dù trên thực tế nhiều người công nhận; trên nhiều cứ liệu đều thể hiện khu đất có đường vào, thế nhưng, ngày 17/5/2016, UBND TP. Đà Lạt vẫn ra Quyết định số 1427/QĐ-UBND, thu hồi quyết định cho phép gia đình ông Vỹ được chuyển mục đích sử dụng đất, mà chính cơ quan này đã ban hành trước đó gần 02 năm; với lý do: “Việc thiết lập hoạ đồ lô đất chuyển mục đích sử dụng không đúng hiện trạng thực tế của lô đất và không đúng quy định”(?!).

Chứng cứ quan trọng bị toà... xem nhẹ

Cho rằng Quyết định số 1427/QĐ-UBND ngày 17/5/2016 của UBND TP. Đà Lạt là thiếu cơ sở, “tiền hậu bất nhất”, ông Lê Nguyên Vỹ đã làm đơn khởi kiện quyết định này ra toà hành chính. Ngày 31/10/2017, TAND tỉnh Lâm Đồng đưa vụ án ra xét xử.

TAND tỉnh Lâm Đồng công nhận: Qua hồ sơ vụ án và các bằng chứng ông Vỹ cung cấp “có thể hiện con đường đi bằng bê tông đi từ nhà 01/2 đường 3 tháng 4 qua phần diện tích đất của Đài truyền hình đi ra đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn”, nhưng lại cho rằng: “Con đường này chỉ rộng 0,5m và chỉ là lối đi phụ của gia đình ra đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn”(?).

Giải thích về điều này, ông Vỹ cho biết, khi ông ngoại ông mới mở thì con đường rộng khoảng 01m, sau đó, gia đình ông nhiều lần tôn tạo, mở rộng và đến năm 2011 thì làm thành đường bê tông, rộng hơn 1m để tiện việc đi lại bằng xe gắn máy. Đây trở thành lối đi chính của gia đình ông vì nhà ông đang ở là căn cuối cùng của dãy nhà tập thể, nếu đi ngược sang đường 3 tháng 4 sẽ xa hơn và đi qua một số nhà khác rất bất tiện. Thậm chí có lúc đường này vào mùa mưa bị sụt lún không thể đi lại được. 

“Đường đi ra đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn là đường chính của gia đình tôi chứ không thể nói là đó đường phụ được”, ông Vỹ nói. 

Bên cạnh đó, TAND tỉnh Lâm Đồng lại cho rằng, ông Vỹ không cung cấp được các tài liệu chứng minh việc đã khiếu nại khi con đường bị phá huỷ. 

Tuy nhiên, theo hồ sơ vụ việc, ngay sau khi biết đất vườn bị lấn chiếm, lối đi bị phá huỷ, ngày 16/6/2013, ông Vỹ đã có đơn báo cáo và ngày 19/12/2013, có Đơn khiếu nại gửi ngành chức năng, đề nghị giải quyết và sau đó là rất nhiều đơn khiếu nại, tố cáo về vụ việc. Điều này thể hiện ở hàng loạt văn bản chỉ đạo, biên bản làm việc liên quan đến vụ việc... của UBND tỉnh Lâm Đồng, TP. Đà Lạt, Phường 3, Phường 10...

Chưa kể, trong trong Biên bản xem xét, thẩm định tại chổ, do cán bộ TAND tỉnh Lâm Đồng lập ngày 07/9/2017, cán bộ Địa chính, cán bộ Thanh tra TP. Đà Lạt đều khẳng định, trước đây có con đường đi từ thửa đất 58 (của ông Vỹ) qua thửa đất 105 (do bà Phan Thị Cúc chiếm đất rừng cảnh quan bán lại cho ông Dương Tấn Minh) để ra đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn.

Biên bản của UBND phường 10 làm việc sau khi nhận được đơn khiếu nại việc bị lấn chiếm đất vườn, huỷ hoại lối đi
Biên bản của UBND phường 10 làm việc sau khi nhận được đơn khiếu nại việc bị lấn chiếm đất vườn, huỷ hoại lối đi

Thậm chí, trong Giấy chuyển nhượng đất vườn được lập ngày 28/8/2013 giữa bà Cúc và ông Minh cũng thể hiện rõ: “Trong khuôn viên đất có một phần đất dư, nếu có ai tranh chấp thì mới trả lại đất”. 

Điều này chứng tỏ, bà Cúc, ông Minh đã cố ý lấn chiếm đất vườn của gia đình ông Vỹ. Và khi phát sinh tranh chấp, trong biên bản cắm mốc của ngành chức năng, bà Cúc, ông Minh đều cam kết, nếu gia đình ông Vỹ chứng minh được nguồn gốc đất, thì sẽ trả lại.

Đến đây có thể thấy, có rnhiều bằng chứng, chứng cứ thể hiện, từ thửa đất 58 có con đường đi qua thửa 105 để đi ra đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn, thế nhưng, TAND tỉnh Lâm Đồng lại bác đơn khởi kiện của ông Vỹ đề nghị huỷ Quyết định 1427/QĐ-UBND ngày 17/5/2016 của UBND TP. Đà Lạt.

Trước việc TAND tỉnh Lâm Đồng đã bỏ lọt nhiều chứng cứ quan trọng để ban hành Bản án sơ thẩm số 35/2017/HC-ST ngày 31/10/2017 chưa “thấu tình, đạt lý”, ông Lê Nguyên Vỹ đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án. 

Mới đây, TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã có thông báo về việc thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm. Dư luận tại địa phương đang mong đợi vụ việc sẽ được xem xét lại một cách đầy đủ, toàn diện, công tâm và sẽ có một bản án phúc thẩm thấu tình, đạt lý.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Đọc thêm