Đất ổn định, bỗng nhiên bị kiện
Ông Hoa Tiến Dũng trình bày, năm 1993 gia đình ông được UBND huyện Đơn Dương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) 237m2, thuộc thửa 512, tờ bản đồ số 13, xã Ka Đô. Năm 1999, vợ chồng ông được UBND huyện Đơn Dương cấp thêm GCN 4.502m2 thuộc thửa 75, tờ bản đồ số 13, xã Ka Đô. Nguồn gốc đất là do gia đình mua từ năm 1980, khi đó đất đã có ranh giới rõ ràng, không có tranh chấp.
Năm 1994, gia đình ông Vũ Hoàng Phong nhận chuyển nhượng của bà Nguyễn Thị Thu lô đất thửa 76 (tách ra từ thửa 75) với diện tích được ghi nhận 459m2 liền kề với các thửa đất số 512 và 75 của gia đình ông. Đến năm 2000, gia đình ông Phong mới được cấp GCN. Thời điểm gia đình ông Phong nhận chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất số 76 đã có hàng rào ranh giới và khi kê khai để cấp GCN cũng trên ranh giới hiện trạng và thực tế các bức tường rào ngăn cách các thửa đất số 512, 75 và 76 đã tồn tại từ lâu, bà con chòm xóm ai cũng biết.
Gần đây, ông Phong khởi kiện ông Dũng ra TAND huyện Đơn Dương cho rằng bị ông Dũng lấn chiếm đất của gia đình ông và phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào ngày 27/5/2015. Ông Dũng cho biết, tại phiên tòa, HĐXX chỉ căn cứ vào biên bản đo đạc định giá tài sản ngày 27/1/2015 mà lờ đi toàn bộ lời khai của người làm chứng, các chứng cứ có lợi cho gia đình ông để tuyên buộc gia đình ông phải cắt 59m2 các thửa 75 và 512 của gia đình ông giao cho nguyên đơn.
“Tôi đã kháng cáo mong tìm lại công lý ở cấp xử cao hơn. Nào ngờ, HĐXX phúc thẩm đã không triệu tập những người làm chứng để làm rõ những tình tiết phản ánh đúng sự thật khách quan và vội vã tuyên bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm”- ông Dũng nói.
Phớt lờ chứng cứ quan trọng?
Bà Trịnh Thị Hạnh (vợ ông Dũng) cho biết, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Đơn Dương đã đo đạc lại thửa đất của gia đình bà lúc nào, vợ chồng bà không hề hay, không được ký vào biên bản đo đạc. “Họ nói đất của tôi thừa 59m2 là do lấn chiếm đất của gia đình ông Phong, trong khi ông Phong được cấp sổ đỏ sau nhà tôi cả chục năm trời. Trước khi ông Phong được cấp sổ đỏ, thửa đất số 76 của gia đình ông ấy nhận chuyển nhượng đã có tường rào xây quanh bao bọc thì bảo gia đình tôi lấn chiếm bằng cách nào?” - bà Hạnh nói.
Theo ông Dũng sở dĩ có chuyện Phòng TN&MT huyện Đơn Dương “kết luận” gia đình ông thừa đất so với GCN là do sau khi được cấp sổ đỏ năm 1999, cha mẹ ông có cho thêm gia đình ông một phần đất có chiều ngang 2m, dài 24m. Như vậy, tổng diện tích thực mà hộ ông bà đang sử dụng của thửa 75 là 4.553m2 chứ không phải chỉ 4.502m2 như trong GCN được cấp vào năm 1993. Việc vợ chồng ông được cho thêm đất này được hàng chục người dân địa phương làm chứng, như: Ông Bùi Trần Quốc, ông Huỳnh Tấn Bảo, bà Hoàng Thị Màu… Trong cả hai cấp tòa, gia đình ông Hoa Tiến Dũng đều đề nghị tòa triệu tập những người này để tham gia tố tụng nhưng đều bị tòa phớt lờ.
Liên quan đến vụ việc, ông Huỳnh Tấn Bảo, một người sống lâu năm tại địa phương cho biết hoàn toàn không có chuyện vợ chồng ông Dũng lấn chiếm đất của hộ ông Phong. Trước khi ông Phong tới mua thửa 76 và được cấp GCN vào năm 2000 thì ranh giới giữa các thửa đất số 512, 75 và 76 đều đã được xây dựng hàng rào bằng gạch rất kiên cố.
Hơn nữa, vào năm 1999 vợ chồng ông Dũng, bà Hạnh xin giấy phép xây dựng trạm xăng dầu trên thửa đất số 512 thì đã được cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng tiến hành đo đạc ranh giới, không có sự tranh chấp nào nên mới cấp phép cho gia đình ông Dũng xây dựng trạm xăng dầu theo Quyết định số 4380/QĐ-UB ngày 30/12/1999. Tuy nhiên, các văn bản đo đạc này cũng không được hai cấp tòa xem xét, để ý đến.
Được biết, gia đình ông Hoa Tiến Dũng đã có đơn đề nghị TANDTC và VKSNDTC kháng nghị giám đốc thẩm vụ án. Dư luận tại địa phương đang trông chờ vào một phán quyết thấu tình, đạt lý của hai cơ quan trên.