Người Việt thích sáng tạo
Người ta thường nói, người Việt là những con người cực kì nhanh nhạy, chịu khó và sáng tạo. Điều đó được thể hiện ở những sản phẩm sáng chế phục vụ cuộc sống hàng ngày. Điều đáng nói là đối tượng sáng chế không chỉ là những nhà khoa học mà mọi tầng lớp nhân dân, mọi lứa tuổi đều có thể xuất hiện những “nhà sáng chế” tài năng.
Như câu chuyện về anh Đinh Văn Giang, xã Sông Khoai (Quảng Yên, Quảng Ninh), với biệt danh “ông vua sáng chế” được người dân quê anh đặt cho. Cái tên này bắt nguồn từ những sáng tạo, cải tiến sản phẩm nông cụ, ngư cụ phục vụ sản xuất của bà con nông dân. Cách đây gần 20 năm, với số vốn dành dụm được sau thời gian đi biển, anh Giang mua được 2 chiếc máy cày do Trung Quốc sản xuất, với mục đích phục vụ gia đình và cày thuê cho bà con làng xóm.
Nhưng chiếc máy cày này hóa ra vô ích bởi thiết kế bánh lồng quá nhỏ, không phù hợp với đồng nước, đầm lầy của Việt Nam. Không chịu bó tay, anh Giang suy ngẫm, mày mò thay đổi thiết kế bánh lồng có đường kính to hơn, bản thanh răng của bánh lồng rộng hơn, góc nghiêng lớn hơn...
Lần thứ 2 xuống đồng chạy thử nghiệm, sản phẩm máy cày cải biên của một anh ngư dân đã thành dụng cụ hữu ích của bà con nông dân. Từ đó, anh Giang đi theo con đường sáng chế. Sau đó, trong chăn nuôi lợn, lấy ý tưởng từ chiếc máy xay sinh tố, anh Giang đã chế tạo thành công chiếc máy chế biến thức ăn chăn nuôi.
Chiếc máy với bộ phận chính là hệ thống dao băm và được chạy bằng điện ấy nhìn thì khá đơn giản, nhưng công năng hoạt động rất hiệu quả, gấp hàng chục lần thực hiện bằng tay. Sau đó, chiếc máy được cải tiến với công suất tốt hơn, phổ biến rộng rãi ở quê anh, được bà con mừng rỡ đón nhận. Các sáng chế của anh đã đạt giải cao tại các cuộc thi liên quan đến sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp huyện, tỉnh, Trung ương.
Năm 2015, anh được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen “Đã có thành tích trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Đến năm 2017, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tặng anh Đinh Văn Giang bằng khen “Đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”…
Những cô cậu học trò, sinh viên cũng là một trong những người hàng năm cho ra đời rất nhiều sáng chế độc đáo, hữu ích. Như em Nguyễn Phạm Phúc Đức, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Di Linh, huyện Di Linh (Lâm Đồng) người đã đoạt giải Nhì về giải pháp “Hệ thống sơn tay cải tiến” tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lâm Đồng lần thứ 14, năm 2018.
Tính sáng tạo của “Hệ thống sơn tay cải tiến” là sơn được đưa đến bề mặt con lăn một cách bán tự động với một lượng sơn nhất định thông qua đường ống và van điều khiển. Người thợ sơn có thể điều chỉnh lượng sơn theo ý muốn để lượng sơn vừa đủ, chất lượng và đồng đều. Hay như hai em Nguyễn Cẩm Tú, Huỳnh Bảo Trân, cùng lớp 10A1 trường Song ngữ Á Châu, đã nghiên cứu ra Cửa chống trộm cải tiến.
Cửa chống trộm cải tiến được tích hợp mở cửa bằng camera nhận diện khuôn mặt, thẻ từ. Khi có kẻ xấu phá cửa xâm nhập thì ngoài chuông báo, hệ thống sẽ lập tức gửi tin nhắn về điện thoại cho chủ nhà…
Hàng năm, cả nước có không ít cuộc thi về sáng chế. Từ cuộc thi Sáng chế toàn quốc, cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia và nhiều cuộc thi chuyên ngành liên quan đến sáng chế. Ngay từ những vòng thi đấu cấp tỉnh, các địa phương đã xuất hiện không ít nhân tài về sáng chế với hàng loạt sản phẩm hay. Như Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2019-2020 thu hút 137 dự án tham gia, trong đó 11 dự án đạt giải nhất.
Nhiều dự án đoạt giải nhất có tính ứng dụng cao như: Máy thâm canh các loại cây họ đậu công nghệ cao của học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (Hải Dương); Thiết kế thiết bị hỗ trợ cho học sinh mù, khiếm thị lớp 1 học chữ nổi của học sinh Trường THPT Nhơn Trạch (Đồng Nai); Thiết kế và tối ưu hóa cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật của học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Quảng Trị)…
Tỉ lệ ứng dụng trong thực tiễn còn thấp?
Có một thực tế, đó là dù rất nhiều sáng chế hay, nhưng tỉ lệ thực tế các sáng chế được ứng dụng trên thực tiễn chưa cao. Theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2018, Việt Nam đạt được vị trí 45/126 quốc gia trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII).
Tuy nhiên, Việt Nam còn rất nhiều rào cản khiến các sáng chế chưa đi vào thực tiễn, chưa biết thành lợi ích về kinh tế. Còn số liệu năm 2019 cho thấy, Việt Nam có 1.128 đơn sáng chế được đăng ký, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2018. Con số này so với số lượng sáng chế được biến thành sản phẩm bán ra thị trường có chênh lệch không nhỏ.
Nhóm sinh viên Cần Thơ sáng chế thùng rác biết nói. |
Một nghịch lý thường thấy là doanh nghiệp rất cần cải tiến công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong khi nhiều sản phẩm sáng chế của các nhà khoa học, người dân lại “đắp chiếu”, không thể đưa ra thị trường.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân họ không tiếp nhận các sáng chế, một phần là do trình độ công nghệ của nhiều nhà sáng chế còn hạn chế, tuy công bố sáng chế có tính năng hấp dẫn, nhưng nặng về lý thuyết và không theo kịp tốc độ phát triển của thị trường sản phẩm khoa học - công nghệ, hoặc giá thành để sản xuất hàng loạt quá cao, khó thu hồi vốn.
Cạnh đó, không ít doanh nghiệp lại có thói quen thích “hàng miễn phí”, không chịu bỏ tiền mua sáng chế mà đi sao chép, ăn cắp mẫu mã và công nghệ để tự chế biến cho giảm giá thành. Điều này gây thiệt thòi cho nhà sáng chế, cho cả những doanh nghiệp đã mua sáng chế một cách chân chính.
Về phần mình, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ (Cục SHTT) cho rằng, nguyên nhân chính khiến các sáng chế không thể nhân rộng được là do chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông). Ông Bình chia sẻ: “Có nhiều trường hợp Cục SHTT giới thiệu doanh nghiệp đến làm việc với nhà sáng chế, khi doanh nghiệp đề nghị nhà sáng chế giảm giá sản phẩm để vừa túi tiền của người dân thì nhà sáng chế không đồng ý, dẫn đến việc hợp tác không thành công”.
Theo các chuyên gia, một nguyên nhân nữa khiến các nhà khoa học không chuyên gặp khó khi thương mại hóa sản phẩm của mình là vấn đề làm thủ tục đăng ký sáng chế. Thủ tục yêu cầu các bản vẽ, mô hình, bảng kê khai... trong khi các nhà khoa học lẫn người sáng chế không chuyên đều không được học hành bài bản, không biết cách thể hiện sáng chế trên giấy.
Thậm chí có nhiều sáng chế khi đem đi đăng ký mới biết bị trùng, dẫn đến không thể thương mại hóa được sản phẩm vì liên quan đến vấn đề SHTT. Nhiều nhà sáng chế từ lúc nộp đơn cho tới khi được cấp bằng mất hàng mấy năm trời.
Rồi để định giá sáng chế thì cứ phải loay hoay đi hỏi hết nơi này đến nơi khác nhưng vẫn không đâu làm được. Cạnh đó là hạn chế về mặt hiểu biết pháp luật, khiến các nhà sáng chế không chuyên không biết cách để bảo vệ sáng chế của mình, dẫn đến bị xâm hại quyền sở hữu…
Chung quy lại, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, sự thiếu kết nối mạnh mẽ nhà quản lý - người sáng chế và doanh nghiệp để đưa ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất - kinh doanh đã dẫn đến tình trạng lãng phí sáng chế như trên. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, các “bên” nói trên sẽ tìm được tiếng nói chung, để sáng chế Việt đi vào cuộc sống một cách hữu hiệu.