Nghĩa là, phạm vi đăng ký kinh doanh của họ chủ yếu tại các địa phương lân cận nhưng lại "nhởn nhơ" trên địa bàn thành phố. Thực trạng trên cho thấy đã đến lúc cần chuẩn hóa quy định quản lý taxi nhằm bảo đảm an toàn cho du khách và trật tự xã hội.
Nhan nhản vi phạm
Gần đây, trên cả nước liên tiếp xảy ra những vụ taxi “chặt chém” du khách nước ngoài. Cụ thể, ngày 13/9, chị Lu Juan (quốc tịch Trung Quốc) đón taxi ở thành phố Nha Trang đi quãng đường hơn 3km, đồng hồ tính tiền của xe báo số tiền 62.000 đồng nhưng tài xế taxi lại đòi hơn 7 triệu đồng. Sau khi “bắt chẹt” được 6 triệu đồng, lái xe taxi mới buông tha cho du khách.
Đáng nói, chỉ ngay sau vụ việc ở Nha Trang không lâu, ngày 15/9, hai vợ chồng du khách quốc tịch Hà Lan đã phản ánh trên mạng xã hội về việc họ đi taxi tại Hà Nội với quãng đường 10km nhưng bị tài xế đòi 780.000 đồng.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ việc taxi “chặt chém” du khách khiến dư luận xôn xao. Trước đó, ngay trên địa bàn Thủ đô, vào đêm 22/8 vừa qua, đường dây nóng của Sở Du lịch Hà Nội nhận tin báo của du khách Lee Misun (quốc tịch Hàn Quốc) về một tài xế taxi có dấu hiệu “chặt chém” khi chở bà đi từ phố Quán Sứ đến phố Tràng Tiền, Hoàn Kiếm.
Lực lượng thường trực đường dây nóng ngay lập tức liên hệ với các cơ quan chức năng để phối hợp và xác định lái xe taxi trên là người của Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ Tiến Thành.
Ngày 23/8, Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội đã mời lái xe, đại diện doanh nghiệp, bà Lee Misun đến trụ sở để giải quyết. Tại đây, lái xe đã thừa nhận hành vi và xin lỗi bà Lee Misun, đồng thời trả lại số tiền 230.000 đồng đã chiếm đoạt. Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đã lập biên bản, xử phạt lái xe này số tiền 3.200.000 đồng do có nhiều vi phạm khác và tạm giữ giấy phép lái xe 2 tháng.
Có một điểm chung ở các vụ việc trên là, các tài xế ngoài phương thức ép giá thẳng như thì họ còn áp dụng tiểu xảo chở khách lòng vòng để tăng thêm tiền cước. Thậm chí, nhiều trường hợp còn sử dụng đồng hồ tính cước phí không chính xác.
Sớm chuẩn hóa quy định quản lý
Thẳng thắn nhìn nhận, những vụ việc ép giá, kinh doanh kiểu chộp giật, lừa đảo khách du lịch như trên đã bôi xấu hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Hệ lụy là, hình thành nên tâm lý thiếu thiện cảm trong con mắt của du khách nước ngoài.
Liên quan đến vấn đề này, một đơn vị quản lý taxi cho biết, hiện việc ngăn tài xế có những hành động “bắt chẹt” khách rất khó khăn. Nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu công cụ giám sát những giao dịch giữa lái xe và khách hàng. Nói cách khác, ngoài biện pháp giáo dục ý thức cho các tài xế và tích cực tiếp nhận phản ánh của khách hàng thì đơn vị quản lý cũng hoàn toàn “bị động” nếu tình huống lái xe ép giá khách chẳng may xảy ra.
Theo ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, những trường hợp “chặt chém” hành khách, sau khi phản ánh đều được các hãng trong Hiệp hội xử lý nghiêm. Ông Bình cũng chỉ ra một thực trạng là, bên cạnh xe của các hãng taxi ở Hà Nội thì vẫn có một lượng lớn taxi ngoại tỉnh “lách luật” để hoạt động và vi phạm.
Trường hợp hai du khách người Hà Lan bị ép giá khi đi taxi là một ví dụ, chiếc xe taxi đó được đăng ký tại Vĩnh Phúc nhưng lại hoạt động ở Hà Nội. Việc đăng ký một nơi nhưng lại hoạt động một nẻo đang là một trong những bất cập trong quản lý taxi trên địa bàn các thành phố lớn.
Theo đại diện của Hiệp hội Taxi Hà Nội, về lâu dài, để khắc phục hiện tượng này, đơn vị đã đề xuất thực hiện phương thức thanh toán tính tiền theo quãng đường biết trước. Nghĩa là, với một quãng đường, khách hàng có thể biết trước giá cả sẽ thanh toán. Tài xế xe dù muốn đi lòng vòng để trục lợi cũng không thể vì giá tiền đã được ấn định.
Khách quan nhìn nhận, những tài xế “chặt chém” chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, gây tiếng xấu và làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người tài xế taxi. Nhiều tài xế kiến nghị, thời gian tới các ngành chức năng cần xử lý nghiêm những vi phạm này, tránh ảnh hưởng đến những lái xe đang làm ăn chân chính.
Trao đổi với Luật sư Lê Cao Cường, Công ty Luật TNHH MTV An Viên (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) về vấn đề trên, Luật sư Cường cho biết, về hành vi “chặt chém” đối với khách hàng của các đối tượng có thể quy kết về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, hành vi “chặt chém” của các đối tượng từ ít nghiêm trọng đến nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và cuối cùng là đặc biệt nghiêm trọng, tùy thuộc vào mức độ tài sản mà các đối tượng chiếm đoạt của du khách, số tài sản chiếm đoạt của khách hàng từ 2.000.000 đồng trở lên thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, dưới mức 2.000.000 đồng thì bị xử lý hành chính.
Thiết nghĩ, để siết việc quản lý taxi, thời gian tới, Hà Nội cần sớm nghiên cứu, xây dựng bộ Quy chế quản lý riêng, có điểm phân vùng hoạt động rõ ràng, quản lý về điểm dừng đỗ, màu sơn. Khi đó, taxi ngoại tỉnh sẽ khó có thể vào Thủ đô để “bắt chẹt” khách và gây mất trật tự xã hội.
Với các hiện tượng chèn ép khách du lịch, Sở Du lịch Hà Nội luôn duy trì đường dây nóng 0941336677, hoạt động 24/24 giờ để du khách phản ánh khi phát hiện vi phạm. Hai địa điểm gồm Sở Du lịch Hà Nội (3B Hoàng Diệu) và Quầy Thông tin hỗ trợ du khách (phố Lê Thạch) sẵn sàng tiếp nhận thông tin và xử lý các vấn đề liên quan đến du lịch trên địa bàn. Bên cạnh sự quản lý của các hãng taxi, nếu du khách phát hiện hiện tượng bị “bắt chẹt” hoặc “chặt chém” có thể tìm đến 3 lực lượng chuyên xử lý việc ép giá hành khách là: công an, thanh tra giao thông và thanh tra du lịch.