Vụ Pháp luật quốc tế (PLQT), Bộ Tư pháp vừa tổ chức cuộc họp ý kiến toàn thể cán bộ, công chức của Vụ đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó tập trung vào hai nội dung chính liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Vụ, đó là những quy định về điều ước quốc tế (ĐƯQT), về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Từ thực tiễn công tác ĐƯQT vừa qua cho thấy việc phân loại ĐƯQT theo danh nghĩa ký như hiện nay là vấn đề cần được cân nhắc khi sửa đổi Hiến pháp.
Trong nhiều trường hợp đã có sự xung đột pháp luật về danh nghĩa ký kết giữa các bên ký kết đối với ĐƯQT cụ thể. Vì vậy, Vụ PLQT nhận thấy có thể cân nhắc một phương án khác trong việc xác định thẩm quyền ký kết ĐƯQT là căn cứ theo nội dung của điều ước.
Những ĐƯQT quan trọng có phạm vi ảnh hưởng rộng nên thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và Chủ tịch nước, còn những ĐƯQT khác nên thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan hành pháp.
Vụ PLQT cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp 1992 hiện hành về ĐƯQT cần hướng tới hai mục tiêu: Tạo cơ sở hiến định về vị trí của ĐƯQT trong hệ thống pháp luật và phân định rõ thẩm quyền của chủ thể trong ký kết ĐƯQT.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đóng góp đã tập trung vào những vấn đề nổi cộm trong công tác ĐƯQT. Cụ thể, nhiều ý kiến của Vụ PLQT đề xuất bổ sung vào Điều 12 dự thảo sửa đổi Hiến pháp một quy định liên quan đến vị trí của ĐƯQT trong hệ thống pháp luật Việt Nam nhằm mục đích khẳng định rõ mối quan hệ của ĐƯQT trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn công tác ĐƯQT thời gian qua, phù hợp với định hướng tại kết luận Hội nghị Trung ương 5, thông lệ nhiều quốc gia.
Đối với quy định về thẩm quyền của Quốc hội tại Khoản 14 Điều 75, Vụ PLQT cho rằng quy định như dự thảo không thống nhất về tiêu chí phân loại ĐƯQT. Vì vậy, riêng đối với tổ chức quốc tế thì Vụ đề nghị sửa đổi và bổ sung thành: “…tại các tổ chức quốc tế quan trọng; giám sát việc thực hiện các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.
Ngoài ra, về nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước đối với công tác ĐƯQT, Vụ PLQT đề xuất hai phương án (các phương án này tương ứng với các phương án của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ) như sau:
Phương án 1: Nếu không phân loại ĐƯQT theo danh nghĩa ký thì Khoản 6 Điều 93 cần được sửa như sau: " …đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; ký điều ước quốc tế với người đứng đầu Nhà nước khác về những nội dung được quy định tại khoản 14 Điều 75 hoặc quyết định việc đàm phán, ký những điều ước quốc tế này khi Chủ tịch nước không trực tiếp thực hiện; quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập điều ước quốc tế theo luật quy định."
Phương án 2: Nếu phân loại ĐƯQT theo danh nghĩa ký thì Khoản 6 Điều 93 cần được sửa như sau: “….đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước CHXHCN Việt Nam với người đứng đầu Nhà nước khác; hoặc quyết định việc đàm phán, ký những điều ước quốc tế này khi Chủ tịch nước không trực tiếp thực hiện; trình Quốc hội ...; quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập ... theo thẩm quyền do luật quy định”.
Và, tương ứng với 2 phương án được đề xuất đối với thẩm quyền của Chủ tịch nước, Vụ PLQT đề xuất 2 phương án về thẩm quyền của Chính phủ được quy định tại Khoản 7 Điều 101 như sau:
Phương án 1: Nếu không phân loại ĐƯQT theo danh nghĩa ký kết thì Khoản 7 Điều 101 được sửa như sau: “Thống nhất quản lý công tác đối ngoại; quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế trừ trường hợp Chủ tịch nước trực tiếp ký với người đứng đầu nhà nước khác; quyết định việc đàm phán, ký, gia nhập, phê duyệt các điều ước quốc tế theo thẩm quyền do luật quy định; tổ chức thực hiện điều ước quốc tế…”.
Trong khi đó, Khoản 4 Điều 103 về thẩm quyền của Chính phủ nên được sửa thành: “Chỉ đạo việc đàm phán, ký điều ước quốc tế trừ trường hợp Chủ tịch nước trực tiếp ký; chỉ đạo thực hiện điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;”.
Phương án 2: Nếu ĐƯQT được phân loại theo danh nghĩa ký kết, Vụ PLQT đề xuất bỏ đoạn “trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 93”, đồng thời sửa khoản 7 Điều 101 thành: “Thống nhất quản lý công tác đối ngoại; quyết định việc đàm phán, ký, gia nhập, phê duyệt điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ; tổ chức thực hiện điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam…”.
Đồng thời, khoản 4 Điều 103 nên được sửa thành: “Chỉ đạo việc đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước và điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ; chỉ đạo thực hiện điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; thực hiện các nhiệm vụ khác được Chính phủ phân công trong công tác điều ước quốc tế”.
Thủy Thu