Làm sao mở 'kho báu' du lịch khu bảo tồn thiên nhiên?

(PLVN) - Du lịch sinh thái, gắn kết với thiên nhiên và bảo vệ môi trường... đang là xu hướng được nhiều người yêu thích. Rừng, vườn quốc gia không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế lâm nghiệp, mà còn sở hữu tiềm năng rất lớn để phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và các dịch vụ khác… Nhưng làm thế nào mở “kho báu” này một cách bền vững?
Du khách thăm Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo. (Ảnh: Cao Minh)

Nhiều tour khám phá thiên nhiên, động vật

Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ, Ban Quản lý dự án VFBC Lâm Đồng đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức, ông Hoàng Hoa Quân (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) cho biết, Việt Nam được xếp thứ 16 trong 25 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học hàng đầu thế giới. Trên cạn có 13.766 loài thực vật, 10.300 loài động vật (312 loài thú, 840 loài chim, 317 loài bò sát…). Sinh vật nước ngọt 1.028 loài cá... Sinh vật biển 225 loài tôm biển, 15 loài rắn biển, 25 loài thú biển và 5 loài rùa biển. Hiện Việt Nam có 173 khu bảo tồn gồm 33 vườn quốc gia; 66 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan, 9 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới; 23 tỉnh phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, thành phố...

Đây là “kho báu” tạo cơ hội cho các địa phương, đơn vị lữ hành xây dựng tour đặc trưng cho từng địa phương, vùng miền. Vườn Quốc gia Côn Đảo nằm ở huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) được biết đến là “nhà” của 5 loài rùa biển, bao gồm: Rùa xanh (vích), Đồi mồi, Rùa đầu to, Rùa da, Đồi mồi dứa. Côn Đảo có khoảng 18 bãi đẻ của rùa biển. Số rùa con nở và được thả về biển là trên 150.000 con. Từ tháng 4 đến tháng 11, Ban Quản lý thường xuyên tổ chức chương trình xem rùa biển đẻ trứng và thả rùa con về biển. Đây không chỉ là trải nghiệm thú vị và hấp dẫn mà còn đặc biệt ý nghĩa đối với những người muốn tìm hiểu về thiên nhiên, động vật.

Vườn Quốc gia Cúc Phương mở tour tham quan bằng xe điện xuyên rừng với chiều dài khoảng 5km để du khách có thể ngắm đom đóm; khám phá cuộc sống về đêm trong lòng đại ngàn với hoạt động theo dõi động vật hoang dã, các loài động vật quý hiếm như: Tê tê, cầy vằn, cầy mực, mèo rừng, rái cá và culi...

Vườn Quốc gia Tam Đảo (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) là một trong những vườn quốc gia có tính đa dạng sinh học cao của Việt Nam, được coi là “kho dự trữ”, bảo tồn các nguồn gen động, thực vật quý hiếm; là “hạt nhân” phát triển kinh tế du lịch “xanh” và bền vững của tỉnh Vĩnh Phúc. Trong hành trình thăm Vườn Quốc gia Tam Đảo, du khách có thể tham gia tour ngắm chim tại khu vực thung lũng Chắt Giậu, chân núi Rùng Rình, Tây Thiên... Đặc biệt, du khách có thể tham quan tuyến Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam - thung lũng Chắt Giậu, để cảm nhận rõ hơn về Vườn Quốc gia Tam Đảo. Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam được xây dựng trên diện tích 12ha, đủ điều kiện chăm sóc suốt đời cho khoảng 200 - 250 cá thể gấu, chủ yếu là loài gấu ngựa, gấu chó.

Còn theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, một số loài động, thực vật hoang dã đặc hữu nhất có tiềm năng để góp phần tạo ra sản phẩm du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn có thể kể đến gồm: voọc chà vá chân xám, voi, sao la, khướu Ngọc Linh, sâm Ngọc Linh, pơ mu…

Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên là một khu bảo tồn thiên nhiên nằm trải dài trên địa phận 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước được xem là một trong ít nơi tại Việt Nam du khách có thể ngắm nhìn đời sống tự nhiên của động vật: nai, hoẵng Nam Bộ, heo rừng, nhím, chồn, trong các chuyến xem thú đêm du khách có thể gặp bò tót, cheo, cú mèo... Trên con đường heo hút dẫn lối, dưới ánh đèn pha, thi thoảng du khách sẽ được ngắm nhìn hình ảnh những chú lợn rừng kiếm ăn ban đêm, những chú chồn hương chuyền mình trên cành cây để tìm quả chín hay những chú nhím, trút đang chậm chạp bò trên đường...

Chung tay bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên

Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai. Cơ hội phát triển du lịch thiên nhiên hiện nay đang là xu hướng và sẽ tiếp tục phát triển vì nhu cầu loại hình du lịch này hiện đang được nhiều người yêu thích; tuy nhiên kèm theo đó, cũng có rất nhiều thách thức. Hiện nay hoạt động du lịch sinh thái tại rừng đặc dụng, khu bảo tồn, vườn quốc gia thu hút hơn 2 triệu lượt khách, đóng góp doanh thu hơn 100 tỷ đồng, một con số còn khá nhỏ bé trong ngành Du lịch Việt Nam.

Cũng theo ông Hoàng Hoa Quân, quan trọng nhất khi triển khai loại hình du lịch này, nhất là ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên thì phải được tổ chức với sự hỗ trợ về công tác chuyên môn của những nhà khoa học, các chuyên gia, các cán bộ ngành Lâm nghiệp. Bởi, các hoạt động du lịch ở những nơi này nếu tổ chức không tốt sẽ có thể làm gia tăng sức ép về khai thác quỹ đất cho phát triển hạ tầng phục vụ du lịch, từ đó kéo theo những sức ép về tập tục sinh hoạt và sự sống với các loại hoang dã vì nhu cầu của khách về quan sát, chụp ảnh, săn lùng nhu cầu thực phẩm, lưu niệm… vì vậy mà có thể phá hủy cân bằng sinh thái vốn có… Ngành Du lịch, lực lượng kiểm lâm và các công ty lữ hành và du lịch tránh xung đột giữa lợi ích kinh tế với bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã và cùng cam kết chung tay bảo tồn động vật hoang dã.

Theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, hoạt động du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã sẽ đóng góp đa mục tiêu về phát triển kinh tế, tăng cường giáo dục, cải thiện thể chất và tinh thần cho cộng đồng… nhưng cũng cần tính toán thận trọng bởi kèm theo đó là nguy cơ về suy thoái tài nguyên, vấn đề mạo danh khách du lịch để vận chuyển động vật hoang dã xuyên quốc gia hoặc mở rộng nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã… Việc vận hành du lịch ở lĩnh vực này cần được tuân thủ theo 4 khía cạnh gồm: pháp luật, sức khỏe, sinh kế, đạo đức. Khai thác các điểm du lịch gắn với vườn quốc gia, khu bảo tồn nhưng không phát triển du lịch bằng mọi giá để tạo ra lợi nhuận mà phải khống chế lượng khách phù hợp bảo đảm cân bằng môi trường sinh thái, nâng cao sinh kế cho người dân gắn với hoạt động du lịch.

Bà Nguyễn Đào Ngọc Vân (WFF Việt Nam) mong mỏi: “Mỗi thông điệp truyền thông của các hướng dẫn viên, doanh nghiệp lữ hành sẽ giúp du khách nâng cao nhận thức về ý thức bảo tồn các loài hoang dã, giúp ngành Du lịch thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững”.

Để khẳng định tinh thần ủng hộ du lịch có trách nhiệm với môi trường, thiên nhiên và bảo tồn động vật hoang dã, tại Hội thảo “Du lịch có trách nhiệm với thiên nhiên và bảo tồn động vật hoang dã” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên phối hợp với Câu lạc bộ Du lịch có trách nhiệm tổ chức tại Vườn Quốc gia Cát Tiên do Trung tâm Con người và Thiên nhiên phối hợp với Câu lạc bộ Du lịch có trách nhiệm tổ chức tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, 34 đại diện đến từ 30 công ty lữ hành, du lịch tại khu vực TP Hồ Chí Minh, Ninh Bình và Đà Nẵng đã cùng ký cam kết: tôn trọng thiên nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên và văn hóa địa phương trong các hoạt động kinh doanh du lịch; không khai thác, sử dụng, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ, quảng cáo, giới thiệu các sản phẩm có nguồn gốc bất hợp pháp từ động vật hoang dã; xây dựng và thực hành Bộ quy tắc ứng xử về du lịch có trách nhiệm với môi trường, thiên nhiên và coi đây là văn hóa doanh nghiệp, tổ chức; thúc đẩy hợp tác với các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trong việc thiết kế, xây dựng, quảng bá và phát triển các sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn, du lịch có trách nhiệm; tăng cường truyền thông, quảng bá về du lịch có trách nhiệm cho các đối tác liên quan, đội ngũ nhân viên, khách du lịch, cộng đồng địa phương và công chúng nói chung; nỗ lực tham gia hoạt động của các mạng lưới, tổ chức du lịch có trách nhiệm và lan tỏa tinh thần phát triển du lịch Việt Nam bền vững vì người Việt và dân tộc Việt.

Đọc thêm