Lấn biển mở rộng lãnh thổ, tại sao không?

Nếu chính sách ưu đãi miễn tiền thuê đất, miễn tiền sử dụng đất, miễn thuế thu nhập, thuế VAT, miễn thuế nhập khẩu trang thiết bị phục vụ lấn biển thì tôi tin chắc 60 khu lấn biển sẽ hình thành và chúng ta thêm cơ hội mở rộng, củng cố, khẳng định chủ quyền lãnh thổ.

Nếu chính sách ưu đãi miễn tiền thuê đất, miễn tiền sử dụng đất, miễn thuế thu nhập, thuế VAT, miễn thuế nhập khẩu trang thiết bị phục vụ lấn biển thì tôi tin chắc 60 khu lấn biển sẽ hình thành và chúng ta thêm cơ hội mở rộng, củng cố, khẳng định chủ quyền lãnh thổ.

Từ truyền thuyết Sơn Tinh đến thực tế Singapore

Việc dời non lấp biển đã là ước nguyện, khát vọng của dân ta từ bao đời nay. Ngày xưa Sơn Tinh đào núi lấp biển chiến đấu với Thủy Tinh và đã chiến thắng. Bác Hồ cũng từng dạy thanh niên phải có chí dời non lấp biển: “Không có việc gì khó/chỉ sợ lòng không bền/đào núi và lấp biển/quyết chí ắt làm nên”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng kéo quân lên Điện Biên Phủ và kéo về do chưa chắc thắng nên chưa đánh, và chỉ với cây cuốc và xẻng, bộ đội, dân công của ta đã đào hàng trăm km đường hào bao vây và thắt cổ Điện Biên Phủ bắt sống cả tướng Pháp cùng hàng vạn tù binh. 

Ngày nay với máy đào, máy ủi, xe ben, tàu bơm cát hút bùn, tại sao ta không lấn biển được? Ngày xưa với hai bàn tay cụ Nguyễn Công Trứ đã lấn biển Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Huế. Ngày nay với máy móc hiện đại tại sao ta không làm được?.

Cụ Nguyễn Công Trứ từng nói: “Là đấng nam nhi chí những quyết dời non lấp biển, làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ.” Nước ta bờ biển dài trên 3.200 km, với nhiều cửa sông, nhiều bãi đá ngầm, nhiều vùng biển rất cạn. Vậy tại sao ta không lấn biển?.

Từ ngày lập quốc đến nay, Singapore phải qua Việt Nam, Campuchia, Indonexia mua cát với giá và vận chuyển rất đắt nhưng cũng đã lấn biển mở rộng gấp đôi lãnh thổ đất nước. Hồng Kông lấn biển làm sân bay, Nhật cũng lấn biển làm sân bay, Hàn Quốc mới lấn hơn 300 km2 biển. Các tiểu vương quốc Ả Rập lấn biển làm đảo cọ, đảo thế giới thu nhỏ rất thành công nhưng họ phải đi các nước khác mua cát rất đắt.

Giấc mơ mở rộng lãnh thổ

Bờ biển nước ta nhiều chỗ rất cạn, lại chạy dọc theo dãy Trường Sơn, nếu với bờ biển trên 3.200 km, ta làm khoảng 60 khu lấn biển bình quân khoảng 50-60 km một khu tương đương mỗi tỉnh dọc bờ biển một vài khu tương đương mỗi con sông lớn chạy ra biển ta làm hai con kè hai bên bờ kèm theo 2 khu lấn biển hai bên chạy ra biển, kéo dài sông ra biển. Sông chuyên chở cát, phù sa ra bồi đắp làm biển tiếp tục cạn và ta lại tiếp tục kéo khu lấn biển ra xa.

Ở miền Trung, nhiều nơi như ở Nghệ An biển rất cạn và chiều dài từ biển đến Lào chỉ khoảng 40-50 km, vậy nếu ta kéo khu lấn biển ra được 10 km thì có nghĩa là mở rộng được quỹ đất và biển nội thủy thành chủ quyền vững chắc đến 20% lãnh thổ. Nếu tính trung bình cho cả nước với 3.200 km nếu lấn được 10 km thì mở rộng được 10% lãnh thổ cả nước.

Đó là chưa nói đến lợi ích của lấn biển vì mỗi 50 km bờ biển ta chỉ làm khu lấn biển khoảng 5 km, 10% bờ và lấn ra xa, ta tạo được quỹ đất lấn biển, bơm cát vùng biển còn lại làm khu lấn biển xong ta đào bớt đồi núi trọc miền Trung và dãy Trường Sơn để lấn biển. Khi đó ta vừa có thêm quỹ đất là chân núi đồi trọc vừa được san phẳng thành quỹ đất bằng phẳng cho xây dựng và sản xuất.

Đồng thời giải quyết được nạn gió Lào nóng ở miền Trung vì gió mát ở biển Tây qua Lào bị dãy Trường Sơn giữ lại hơi ẩm ở Lào và gió khô thổi qua Việt Nam. Đồng thời với việc đào bớt dãy Trường Sơn thì dãy Trường Sơn bằng phẳng hơn để làm đường sắt, đường bộ cao tốc giá rẻ và không phải đào hầm cho tàu anh qua núi, không phải tốn hàng trăm tỷ đô cho việc xây dựng đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc. 

Việc tạo được khoảng 60 khu lấn biển nếu làm được xong ta tổng kết bằng 1 khu ngoài nối liền 60 khu lấn biển đó lại thì lúc đó bờ biển của ta là ở đó, biên giới được mở rộng, làm đường bộ, đường sắt cao tốc ngắn hơn, rẻ hơn vì bằng phẳng kết hợp với cảng biển, du lịch, dân cư, công nghiệp, được như vậy thật không gì bằng.

Việc kết nối 60 khu lấn biển sẽ thành đê biển chắn gió mùa Tây Nam làm cho vận tải biển gần bờ phát triển, hiện nay vận tải biển rẻ hơn hàng ngàn lần vận tải bộ nhưng chưa phát triển vì cảng biển ở nước ta chưa đồng bộ, biển cạn nên tàu phải chạy xa bờ, gió mùa Tây Nam đánh chìm những tàu nhỏ gần bờ. Khi vận tải biển gần bờ phát triển sẽ rẻ hơn vận tải đường bộ, hơn nữa không tốn chi phí làm và duy tu đường, giải quyết được nạn kẹt xe và giảm tai nạn giao thông đường bộ. 

Đồng thời những khu lấn biển này cùng lúc thỏa mãn nhiều nhiệm vụ như mở rộng quỹ đất, vùng biển nội thủy đánh cá an toàn cho người dân nghèo, thay đê biển phòng chống lụt bão, là con đường du lịch dọc biển đồng thời an ninh quốc phòng được nâng lên rất nhiều và củng cố vững chắc vì chúng ta chưa thể chạy đua mua sắm tàu ngầm, tàu sân bay được vì rất đắt, chi phí duy tu bão dưỡng cao mà thời gian sử dụng lại ngắn; còn lấn biển vừa rẻ vừa vĩnh cửu hơn nhiều lần.

Những kiến nghị

Nếu chính sách ưu đãi miễn tiền thuê đất, miễn tiền sử dụng đất, miễn thuế thu nhập, thuế VAT, miễn thuế nhập khẩu trang thiết bị phục vụ lấn biển thì tôi tin chắc 60 khu lấn biển sẽ hình thành và không tốn xương máu nhưng chúng ta vẫn mở rộng và củng cố, khẳng định chủ quyền được lãnh thổ. Nếu những chính sách trên được ban hành chúng tôi sẵn sàng tiên phong.

Trước đây, cố bí thư Kim Ngọc chỉ xin một chữ “khoán” mà Việt Nam từ một nước thiếu lương thực đã trở thành một nước có vị thế trong xuất khẩu gạo. Giờ đây, chúng tôi chỉ xin một chữ “miễn” (miễn thuế) thì sẽ làm tăng thêm diện tích lãnh thổ. Hội doanh nghiệp Nghệ Tĩnh hy vọng được tham gia lấn biển mở rộng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc nếu những chính sách hợp lý trên được ban hành.

Nguyễn Cảnh Hà (Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP HCM)

Đọc thêm