Làng nhịn ăn lập nghĩa địa cho cá

(PLO) - Nghĩa trang ở làng chài Phước Hải (thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu) có lẽ là “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam khi chỉ chôn cá voi. Mỗi khi cá chết, người dân tổ chức long trọng đám rước, làm ma chay rình rang. Hàng trăm ngôi mộ cá voi ở đây được lập bia mộ, cắt cử người chăm sóc. Tục lệ lạ lùng, đáng trân trọng xuất phát từ tình cảm gắn bó giữa con người và biển cả.  

Lăng mộ dành riêng cho cá voi

Tọa lạc ngay sát mép biển thuộc khu vực làng chài Phước Hải, nghĩa địa độc đáo này mang tên Ngọc Lăng Nam Hải. Theo quan niệm của ngư dân, cá voi là hiện thân sứ giả của vị thần biển cả, mang lại may mắn, giúp những chuyến hải trình được thuận buồm xuôi gió, cũng như che chở làng chài trước sóng to, gió dữ.
Toàn bộ quần thể nghĩa địa nằm lẫn trong một rừng phi lao rộng lớn, có hướng nhìn ra phía biển bao la. “Lựa chọn địa thế này có ý nghĩa rằng, dù mộ cá voi tuy chôn trong đất liền nhưng vẫn vọng về biển cả, cũng như phù trợ cho con em trong làng ra khơi được thuận buồm xuôi gió”, một người dân giải thích.
Khu vực chính của quần thể kiến trúc này là lăng thờ lệnh ông Nam Hải Đại Tướng Quân. Lăng hình lục giác được trang trí mái ngói uốn cong, màu sắc rực rỡ, hai bên cửa có hàng câu đối cân xứng theo đúng kiến trúc “mái đình làng biển”.
Bên trong là di ảnh lớn hình cá voi, phía dưới ban thờ đặt tượng 3 cá voi được tạo tác sinh động, chân thực. Mỗi tượng mang một hình dáng, kích cỡ khác nhau trông như một gia đình cá hoàn chỉnh đang cưỡi sóng hướng ra đại dương. Sát mé biển là miếu thờ Nam Hải Quan Thế Âm Bồ Tát.
Bên cạnh hai ban miếu chính thờ cá ông và Phật bà, còn có miếu thờ Thổ công và Thiên quang tứ phước, các vị thần linh bản địa, điều khiển thời tiết nắng mưa, gió bão trong vùng.
Theo đánh giá, khu vực quan trọng nhất, tạo nên sự đặc biệt và khác lạ cũng như quy mô đồ sộ của Ngọc lăng Nam Hải là khu vực mộ táng, nơi chôn cất cá voi. Khu vực này rộng hàng trăm mét. Mỗi ngôi mộ đều có bia đá ghi rõ ngày tháng chôn cất, tên gia chủ chịu trách nhiệm làm lễ, cúng vái, đắp mộ. “Điều này thể hiện sự tôn sùng, kính nể của người dân đối với cá voi”, một ngư dân cho biết.
Tục lệ đẹp của làng biển
Khu mộ táng đã có từ rất lâu, với số lượng xương cá voi được chôn xuống thờ tự không đếm xuể. Ngay cả người già nhất trong làng cũng không thể biết chính xác lăng được xây dựng từ khi nào. Từ thời xưa, chuyện cá voi cứu người đi biển được nhiều người biết đến, được ghi chép vào sử sách. Thậm chí, công lao của cá voi còn được vua chúa công nhận, ban nhiều hàm sắc phong, cho phép người dân lập đền miếu cúng lễ.
Theo ông Bảy, một trong những người coi sóc lăng, dấu mốc lịch sử quan trọng gần đây nhất liên quan đến việc cá voi trên biển cứu giúp người là vào năm 1799.
Lễ hội cá voi
Khi ấy, thuyền Nguyễn Ánh đang trên đường trốn chạy, lênh đênh trên biển mấy ngày ròng vì gặp bão to, gió lớn. Thuyền Nguyễn Ánh mất phương hướng, lại sắp phải đối mặt với hàm răng sắc nhọn của một con cá mập từ đâu đang lảng vảng xung quanh thuyền. Trong tình thế hết sức hiểm nghèo ấy, bỗng nhiên xuất hiện một cặp cá voi khổng lồ, mỗi con áp sát một bên mạn thuyền rẽ nước hướng thuyền đến tận chỗ an toàn mới bỏ đi.
Nhớ ơn cứu mạng ấy, sau này khi chạy trốn an toàn và lên ngôi vua, Nguyễn Ánh đã sắc phong cho cá voi là Nam Hải Đại tướng quân.
Vì công ơn to lớn của cá voi đối với người đi biển mà dân chài nơi đây dù nghèo khó nhưng cứ phát hiện con cá voi nào chết thì dù nhịn ăn nhịn mặc cũng phải làm ma chay cho cá được tươm tất.
Nếu ghe thuyền của ai trong lúc đang đi đánh cá mà gặp phải xác cá voi, thì lập tức ngư dân quay trở về nhà, gọi họ hàng cùng nhau tổ chức an táng cho cá.
Ngay khi đưa xác cá voi vào đến bờ, mọi người sẽ thỉnh một cỗ xe để đưa xác cá vào khu vực lăng. Tại đây, người phát hiện ra xác cá chịu trách nhiệm đứng ra lo đầy đủ thủ tục làm ma. Sau khi tắm rửa sạch sẽ, xác cá được quấn vải đỏ đặt trên giường sơn son lót vải để thầy cúng bắt đầu làm lễ.
Lễ xong, nội nhật hôm đấy, cá sẽ được chuyển ngay ra khu vực nghĩa trang để chôn cất. Ba ngày sau, mọi người sẽ làm lễ mở cửa mả, cầu siêu và các thủ tục cúng giỗ đầy đủ cho “ông” như một người bình thường.
Để tang cá như... để tang người
Ông Năm Lê, một ngư dân tại làng cho biết, trong suốt thời gian để tang “ông”, thường là ba năm, người đứng ra chịu tang, thường là trụ cột hoặc con trai trưởng trong nhà phải tuân thủ kiêng khem như để tang cha mẹ mình.
“Có lẽ chính vì tình cảm, sự nhớ ơn của con người đối với những gì cá voi đã giúp đỡ họ trước biển dữ mênh mông mà từ bao đời nay giữa cá và người có một mối liên hệ sâu sắc. Mỗi khi già yếu, bệnh tật, như một linh tính kỳ lạ, cá voi tự biết tìm đường, cố bơi vào bờ để lụy.
Có nhiều trường hợp, những con cá sắp chết được những con trẻ, khỏe hơn dìu vào bờ, nhờ người lo “hậu sự”. Không những thế, cá ông rất có tình, có nghĩa. Người lo ma chay cho cá, đến khi ra biển thì cá voi lại che chở, đền đáp lại”, ông Năm Lê cho hay.
 Một phần lăng mộ cá voi
Bà Thêm, một chủ ghe thường xuyên đi biển cho biết, có lần sau khi làm ma cho một ông cá xong, chồng bà ra khơi đánh bắt xa bờ ròng rã cả nửa tháng mà số cá đánh chỉ được khoảng một nửa so với dự tính ban đầu, báo hiệu 1 chuyến ra khơi thất thu. Nhưng kỳ lạ thay trên đường thuyền quay về bờ bỗng nhiên họ gặp một đàn 3 - 4 con cá voi bơi thành vòng cung từ xa lại, lùa một đàn cá khá lớn về phía lưới của thuyền. Nhờ vậy, chuyến đi ấy, nhà bà không những thoát khỏi một chuyến hải trình lỗ nặng, mà còn trang trải được số nợ vay từ chuyến tàu lần trước.
“Còn hàng trăm câu chuyện khác được người dân truyền tai nhau về công lao của cá voi đến sự sinh tồn và phát triển của làng chài từ xưa đến nay. Cá voi đối với người đi biển trải qua bao biến cố của thời gian vẫn là những người bạn thân thiết như sợi dây tri ân giữa biển cả và đất liền”, bà Thêm nói. Thế nên hàng năm dân chài ở đây đều tổ chức lễ hội truyền thống cá voi để tưởng nhớ công ơn của cá.

Đọc thêm