Lãng phí còn phổ biến trong cơ quan nhà nước

(PLO) - Lãng phí vẫn xảy ra khá phổ biến trong các cơ quan nhà nước và xã hội, nhất là trong đầu tư công, quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường...
Mua sắm công còn nhiều bất cập dẫn đến lãng phí (Ảnh minh họa).
Mua sắm công còn nhiều bất cập dẫn đến lãng phí (Ảnh minh họa).

Đó là hạn chế trong công tác thực hành, tiết kiệm chống lãng phí (THTK, CLP) được Chính phủ chỉ ra trong báo cáo về việc THTK, CLP năm 2016 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chiều qua (19/4)

Lĩnh vực nào cũng vẫn còn lãng phí

Nêu cụ thể hơn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đối với việc quản lý ngân sách nhà nước (NSNN), tại một số địa phương việc lập và giao dự toán một số nhiệm vụ chi NSNN chưa tuân thủ định mức; sử dụng sai nguồn kinh phí; chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, gây lãng phí, giải ngân vốn xây dựng cơ bản thuộc NSNN không đạt dự toán (chỉ đạt 80,8%). Việc phân bổ kinh phí, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm; kết quả đạt chuẩn nông thôn mới chưa đồng đều, chưa thực sự bền vững,...

Trong lĩnh vực mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan tổ chức trong khu vực nhà nước, một số ban, ngành, địa phương việc chấp hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc, xe ô tô công chưa nghiêm; việc xử lý, thanh lý tài sản còn xảy ra thất thoát, lãng phí (như bán thanh lý không qua đấu giá,...); mua sắm công còn bất cập, xác định giá gói thầu cao không hợp lý, dẫn đến giá mua sắm cao (như mua sắm vật tư, thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh...).

Vẫn còn tình trạng phân bổ vốn đầu tư xây dựng dàn trải; phân bổ vốn chậm, chưa ưu tiên bố trí vốn thanh toán nợ đọng; phê duyệt dự án vượt quá khả năng cân đối vốn không đồng bộ, gây lãng phí. Công tác quản lý các dự án công trình giao thông theo hình thức BOT còn nhiều hạn chế, dễ gây thất thoát, lãng phí.

Việc tinh giản biên chế đối với các đơn vị công lập chưa gắn với cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức và tỷ lệ tinh giản biên chế chưa đạt được mục tiêu đề ra. Việc tuyển dụng, bổ nhiệm công chức không đúng quy định, lãnh đạo các đơn vị buông lỏng quản lý, để cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật lao động, tham gia lễ hội trong giờ làm việc.Việc sử dụng xe công đi lễ hội vẫn còn xảy ra ờ một số cơ quan, đơn vị…

Lễ kỷ niệm, festival “vượt quy mô” cũng là lãng phí

Cùng với đó, Chính phủ thừa nhận hoạt động tổ chức lễ kỷ niệm của một số ngành, đơn vị, địa phương còn có biểu hiện tăng, vượt quy mô, cấp độ, thời gian. Các địa phương còn mời nhiều khách không đúng quy định, không phù hợp, tổ chức hoạt động phô trương, lãng phí...

Thống nhất với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội,  Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Chính phủ đã đề ra 10 nhiệm vụ giải pháp  trong năm 2017, nhưng cần chú ý tính khả thi. “Nói tập trung xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản nhưng có xử lý dứt điểm trong năm nay được không vì còn nhiều nơi còn nợ thuế. Hay việc chúng ta có quản lý được các địa phương, bộ, ngành tổ chức quá nhiều lễ kỷ niệm, festival mà lại dùng NSNN? Mặc dù có nơi không dùng NSNN nhưng lại huy động doanh nghiệp, xã hội hóa thì đều là lãng phí nguồn lực quốc gia, xã hội, cho nên cần chú ý”- Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Chính phủ đề ra giải pháp thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế nhưng lại không nhấn mạnh tinh thần phục vụ người  dân như thế nào để không gây lãng phí thời gian công tác của người dân. Vì riêng việc người dân mất nhiều thời gian làm thủ tục giấy tờ đã là tốn kém thời gian và tiền bạc của họ rồi. 

Dẫn chứng công tác quản lý các dự án đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) còn nhiều sai phạm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết có đến 11/27 dự án còn chưa chính xác đã làm tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý với giá trị 465,5 tỷ đồng. Một số dự án lớn tăng tổng mức đầu tư ban đầu lên 100%, nhiều dự án trong 27 dự án BOT được kiểm toán phải rút ngắn từ 5-7 năm thu phí, tổng cộng tất cả các dự án phải giảm hơn 100 năm thu phí. 

Kiểm toán Nhà nước phải kiến nghị giảm chi phí vốn đầu tư của các dự án là 4.500 tỷ đồng. Cùng với đó, việc đặt các trạm thu phí còn nhiều bất cập gây bức xúc trong nhân dân ở nhiều địa phương Hòa Bình, Phú Thọ, Nghệ An và Thái Bình trong đó có trạm thu phí tại cầu Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, trạm thu phí Tam Nông tỉnh Phú Thọ, trạm thu phí Thanh Nê tỉnh Thái Bình. 

Đọc thêm