Lấy cái chết để bảo vệ danh dự

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Quyết định giám đốc thẩm của HĐTP TANDTC vào ngày 29/3 vừa qua đã cho thấy cố Chánh án TAND huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), Thẩm phán Hán Văn Nhuận, đã không giải quyết vụ án sai, trước khi tự tìm đến cái chết để bảo vệ danh dự.
Thẩm phán Hán Văn Nhuận trong ngày nhận quyết định bổ nhiệm Chánh án TAND huyện Ninh Phước. Ảnh: Phạm Quang Trung
Thẩm phán Hán Văn Nhuận trong ngày nhận quyết định bổ nhiệm Chánh án TAND huyện Ninh Phước. Ảnh: Phạm Quang Trung

Vụ kiện oan nghiệt này có nội dung khá đơn giản. Bị đơn lần vay 3 tỷ đồng của nguyên đơn, đến thời hạn không trả gốc và lãi. Nguyên đơn khởi kiện đề nghị Tòa án buộc bị đơn trả 3 tỷ tiền gốc và tiền lãi theo lãi suất do Nhà nước quy định.

Thụ lý vụ kiện, Tòa Ninh Phước đã có Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Nhưng bị đơn sau đó có đơn đề nghị xem xét lại Quyết định công nhận, còn tố thư ký tòa có hành vi bổ sung vào Biên bản ghi lời khai và không tống đạt văn bản tố tụng trong thời hạn luật định gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị đơn. CQĐT VKSNDTC vào cuộc điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố bị can với thư ký tòa án. Chánh án Nhuận cũng bị gọi làm việc, bị đồn đoán “sẽ vướng vòng lao lý”.

Sáng 14/12/2021, Chánh án Nhuận đến cơ quan làm việc đến 8h thì xin nghỉ đi khám bệnh, sau đó về thăm bố đẻ, rồi đi thăm ruộng rẫy. Khoảng gần 12h, ông Nhuận uống thuốc diệt cỏ, nhắn tin về cho vợ. Vợ ông lúc đó đang bận việc nên không xem tin nhắn. Đến lúc hấp hối, ông mới gọi điện thoại báo cho vợ. Mọi người hớt hải lao vào rẫy chở ông đi cấp cứu. Tuy nhiên, mọi việc đã quá muộn.

Người nhà thuật lại, lúc hấp hối, ông Nhuận nói uống thuốc vì uất ức do nhiều người nói ông nhận tiền của người khác dù ông không làm việc này. Một người thân cho hay: “Anh Nhuận chọn cái chết là vì lòng tự trọng với bản thân và dòng tộc. Có lẽ do áp lực tâm lý quá lớn khiến anh chọn con đường này để bảo vệ danh dự của mình”.

Vậy ai đã đúng, đã sai trong quá trình giải quyết vụ kiện nêu trên?

HĐTP TANDTC trong phiên xét xử giám đốc thẩm đã khẳng định, xét về bản chất vụ án, bị đơn có vay tiền của nguyên đơn, có thừa nhận nợ, có xác nhận sẽ trả nợ, nên Tòa Ninh Phước công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là đúng bản chất của vụ án.

Theo hồ sơ vụ án, Thẩm phán Nhuận và thư ký tòa tiến hành thủ tục tố tụng chưa chính xác, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ việc. Cũng không có việc thư ký tòa lập khống Biên bản hòa giải, Biên bản hòa giải thành.

Việc Thẩm phán Nhuận giao thư ký tòa tiến hành tổ chức phiên họp công khai chứng cứ, hòa giải, lấy lời khai của đương sự chưa đúng quy định; nhưng vi phạm này không làm sai lệch hồ sơ vụ án, không làm thay đổi cơ bản nội dung của vụ án; nên VKSNDCC tại TP HCM kháng nghị tái thẩm Quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự, giao hồ sơ vụ án cho Tòa Ninh Phước giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm; là không có căn cứ. TANDCC tại TP HCM chấp nhận kháng nghị của VKSNDCC tại TP HCM cũng là không đúng. Nếu giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm cũng không làm thay đổi bản chất của việc bị đơn có nghĩa vụ trả nợ cho nguyên đơn.

HĐTP TANDTC đã quyết định tuyên hủy bỏ Quyết định tái thẩm số 63 ngày 16/3/2021 của TANDCC tại TP HCM; giữ nguyên Quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự số 14 ngày 27/6/2017 của TAND huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Với phán quyết trên, đã chứng minh quyết định Thẩm phán Nhuận là không sai pháp luật; nói cách khác đây là một động thái minh oan cho Thẩm phán Nhuận. Và việc khởi tố thư ký tòa về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án cũng là vấn đề cần phải xem lại.

Vấn đề khác mọi người chờ đợi, là vụ kiện có tình tiết không quá phức tạp, số tiền không quá lớn, nhưng vì VKSNDCC và TANDCC tại TP HCM xử lý không đúng, mới gây ra dư luận không tốt, mới là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến cái chết của Thẩm phán Nhuận; nên cần thiết phải xử lý trách nhiệm của những cơ quan xử sai.

Sự việc đau lòng cũng là bài học cho những cán bộ tòa án, cho những người “cầm cân nảy mực” cần có bản lĩnh. Nếu bản thân thẩm phán không có niềm tin vào sự đúng đắn của pháp luật và các cơ quan cấp trên, mà phải tự tìm đến cái chết, cũng là điều rất không ổn.

Đọc thêm