Hướng tới nền nông nghiệp xanh…
Hội nghị “Khoa học, công nghệ Học viện NNVN: Công nghệ, sản phẩm tiêu biểu” đã được tổ chức thành công nhân kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5). Nhân dịp này, Học viện đã giới thiệu một số sản phẩm tiêu biểu và giao cho Viện nghiên cứu Tăng trưởng xanh (TTX) triển khai ứng dụng vào thực tế để phục vụ an sinh xã hội.
Viện nghiên cứu TTX là đợn vị nghiên cứu chuyên sâu về: Nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên; Phát triển nông nghiệp bền vững, gắn liền bảo vệ môi trường, nghiên cứu các giải pháp/sản phẩm hữu ích ứng dụng trong thực tiễn. Tại sự kiện, Viện nghiên cứu TTX đã ra mắt và vinh danh các sản phẩm Nano Canxi VNUA trong đó canxi ở dạng hydroxyapatite Ca10(PO4)6(OH)2, là một loại khoáng tự nhiên có một số đặc tính nổi trội sau: (i) Tính tương thích sinh học cao (tỷ lệ Ca/P=1,67 đúng bằng tỷ lệ trong xương); (ii) Hàm lượng Canxi nguyên tố cao (chiếm 40% khối lượng); (iiI) Có kích thước cỡ nano, tăng cường độ hấp thu của cơ thể; Và (iv) các thành phần bổ trợ Mg, Se, D3, K2 cho quá trình hấp thụ canxi.
Bên cạnh đó là nhóm chế phẩm vi sinh hỗ trợ phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản, gồm: VNUA - Biotic (là sản phẩm bổ sung vào thức ăn chăn nuôi, có tác dụng tăng hệ số tiêu hoá của vật nuôi giúp tiết kiệm thức ăn, giảm phát thải của vật nuôi, từ đó giảm chi phí sản xuất của bà con. Khi dùng sản phẩm này sức khoẻ vật nuôi được tăng cường, hạn chế dịch bệnh cho vật nuôi; VNUA - Mios V là loại chế phẩm vi sinh dùng xử lý môi trường, khử mùi nền chuồng, khu vực nuôi và xung quanh (dạng lỏng); Làm đệm lót, xử lý phân thải, nước thải; Hoặc sản xuất phân hữu cơ/hữu cơ vi sinh/hữu cơ khoáng để tái sử dụng bón cho cây trồng; VNUA - Aqua là chế phẩm vi sinh đa chức năng dùng để xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu ô nhiễm hữu cơ, tăng cường miễn dịch cho thủy sản và hạn chế dịch bệnh, xử lý bùn thải ao nuôi thành phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh.
Những tính năng vượt trội của bộ sản phẩm VNUA - Biotic, VNUA - Mios và VNUA - Aqua của Học viện NNVN theo cả chu trình chăn nuôi sẽ giúp nâng cao hệ số tiêu hoá và tăng cường miễn dịch cho vật nuôi nên giảm được lượng thức ăn tiêu thụ mà vật nuôi vẫn khoẻ mạnh, tăng trưởng nhanh, đồng thời giảm được phát thải, giúp nông dân giảm được khoảng 20% lượng thức ăn sử dụng; Thay thế được hoàn toàn cho hoá chất và chất kháng sinh thường dùng. Tính trung bình chi phí đầu vào sẽ giảm được 200-300 nghìn/đầu lợn, 20 nghìn/con gà. Mặt khác, còn giảm 95% mùi trong môi trường chăn nuôi, giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi, giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người chăn nuôi, dễ có sự đồng thuận của người dân quanh khu vực chăn nuôi.
"Không những thế, chất lượng thịt, trứng, sữa cũng tăng lên, đạt tiêu chuẩn an toàn và xuất khẩu do không có tồn dư kháng sinh phòng bệnh, đồng thời chất thải chăn nuôi được tận dụng để sản xuất phân hữu cơ bón cho cây trồng. Vì thế làm gia tăng chuỗi giá trị cho người chăn nuôi, vừa nâng cao hiệu quả, vừa góp phần phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn theo đúng định hướng của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay" – PGS. TS Nguyễn Thị Minh, Chủ nhiệm đề tài cho hay.
Đại biểu tham quan các sản phẩm nghiên cứu của Học viện NNVN. |
Lấy nông dân làm trung tâm phát triển!
Với mong muốn lấy người nông dân làm trung tâm để phát triển các sản phẩm KHCN ứng dụng trong sản xuất, để các sản phẩm KHCN lan toả sâu rộng và hỗ trợ nông dân được tiếp cận với các tiến bộ mới, Viện nghiên cứu TTX đã xây dựng Chương trình “Ứng dụng khoa học công nghệ vượt trội, hỗ trợ nông dân trong phát triển chăn nuôi - nuôi trồng thủy sản” đồng thời phối hợp với các địa phương trong cả nước nhằm triển khai nhân rộng mô hình hữu ích này.
Các dự án, sáng kiến, nghiên cứu do Viện TTX đưa ra mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, nhằm hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp cao, cũng như góp phần to lớn vào thắng lợi của Chương trình xây dựng “Nông thôn mới” tại các địa phương.
Chia sẻ về ý nghĩa của các dự án KHCN của Học viện nói chung và của Viện nghiên cứu TTX nói riêng, GS. TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện NNVN cho hay: Thực hiện theo lời dạy của Bác Hồ: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân…”, song song với việc thực hiện các hoạt động nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm KHCN phục vụ thiết thực cho xã hội, Học viện đã xây dựng các mô hình KHCN, đặc biệt là thành lập các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp khởi nguồn KHCN Spin off. Trong giai đoạn 2019-2021, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn ra rất phức tạp, song hoạt động nghiên cứu KHCN của Học viện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ cả về số lượng và chất lượng.
Để những dự án mang tính khả thi cao, cũng như ứng dụng hiệu quả vào thực tế, GS. TS Nguyễn Thị Lan cho rằng, cần thiết phải có những nhóm nghiên cứu về chính sách để tháo gỡ các “điểm nghẽn” cản trở nền nông nghiệp công nghệ cao phát triển. Cùng với đó, phải gắn kết được các nhà khoa học với doanh nghiệp và người sử dụng các sản phẩm nông nghiệp. Nếu thực hiện tốt được mối liên hệ này, chúng ta sẽ chuyển giao được sản phẩm. Để triển khai có hiệu quả, phải bắt đầu từ việc triển khai ý tưởng, chứ không đợi đến lúc có sản phẩm rồi mới ra ý tưởng. Cụ thể, chúng ta xây dựng ý tưởng, tập hợp nhau lại, chia sẻ giữa các bên và đặt vấn đề cần nghiên cứu. Sau khi nghiên cứu xong, việc chuyển giao sẽ tiến hành thuận lợi hơn!
Thực tế, Học viện NNVN đã chỉ đạo các viện nghiên cứu nghiên cứu rất nhiều sản phẩm hữu ích cho đời sống nhân dân. Theo lãnh đạo Học viện, các nghiên cứu phải tạo ra được sản phẩm, sản phẩm đó phải sử dụng được. Không sử dụng được về mặt này thì phải sử dụng được ở mặt khác, hoặc là về chính sách, hoặc là về công bố quốc tế, hoặc sản phẩm phải phục vụ thực tiễn, phục vụ doanh nghiệp, người dân./.