TAND TP Hà Nội vừa đưa bị cáo Vũ Tiến Hưng (SN 1959, ở quận Ba Đình, Hà Nội) ra xét xử về tội “Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa” theo quy định tại khoản 3, Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 1985 và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Khi chủ nhà bắt tay với cửa hàng trưởng để tham ô
Theo cáo trạng, cửa hàng Bán và giới thiệu sản phẩm số 2 (cửa hàng số 2) thuộc Công ty Dịch vụ Thương mại (DVTM) số 1 - Tổng Công ty Dệt may Việt Nam (nay là Công ty cổ phần Sản xuất – Xuất nhập khẩu dệt may thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam) do Vũ Tiến Chù làm cửa hàng trưởng. Cửa hàng này được Công ty tạm ứng vốn để thực hiện phương án kinh doanh do Giám đốc Công ty duyệt, kết quả thực hiện phương án kinh doanh phải quyết toán để hoàn ứng và nộp lãi về Công ty.
Để thực hiện nhiệm vụ kinh doanh, cửa hàng số 2 Công ty DVTM số 1 thuê nhà của Hưng tại số 44 Nguyễn Trường Tộ (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) làm trụ sở, địa điểm giao dịch và kho chứa hàng hóa. Quá trình thuê nhà của Hưng, Chù rất tin tưởng nên giao chìa khóa kho hàng cho Hưng nhằm mục đích để xử lý sự cố không may có thể xảy ra: hỏa hoạn, ngập lụt khi nhân viên cửa hàng số 2 không có mặt.
Từ khi được giữ chìa khóa kho hàng, Hưng đã nhiều lần tự ý bán hàng, tự thu tiền nộp cho cửa hàng số 2 như một nhân viên của cửa hàng số 2… Bên cạnh đó, ông ta còn nhiều lần đề xuất và tích cực thực hiện các phương án kinh doanh của cửa hàng số 2. Trước sự nhanh nhẹn, nhiệt tình của Hưng như trên, Chù rất tin tưởng, coi Hưng như một “cộng tác viên” của cửa hàng số 2. Để rồi sau đó, Hưng cùng Chù và một số nhân viên khác của cửa hàng số 2 đã sử dụng các chứng từ hóa đơn khống để tham ô tài sản của Công ty DVTM số 1.
Tài liệu điều tra thể hiện, theo đề xuất của Hưng, ngày 8/4/1996 và ngày 29/5/1996, Chù đã lập 2 phương án kinh doanh xin vay của Công ty DVTM số 1 tổng số tiền 1,6 tỷ đồng với mục đích mua lô hàng vải thanh lý do Hải quan Hải Phòng tổ chức đấu thầu để bán lại cho Công ty Thương mại Hà Bắc. Hai phương án kinh doanh này đã được Giám đốc Công ty DVTM số 1 duyệt. Nhận 1,6 tỷ đồng từ Công ty, Chù giao cho Hưng. Số tiền này, Hưng đã sử dụng cá nhân.
Ngoài ra, Hưng còn đề xuất Chù lập 2 phương án kinh doanh vào các ngày 4/6/1996 và 13/6/1996. Hai phương án kinh doanh trên cũng được Giám đốc Công ty duyệt chi tạm ứng 900 triệu đồng. Thực chất 2 phương án kinh doanh này là giả, chỉ là thủ tục hợp thức để Chù cùng Hưng chiếm đoạt tiền của Công ty DVTM số 1… Cơ quan chức năng xác định, từ tháng 4-12/1996, Hưng và Chù đã nhiều lần lập khống các chứng từ chiếm đoạt tài sản của Công ty DVTM số 1 tổng số tiền, hàng là hơn 2,86 tỷ đồng.
“Sa lưới” sau 19 năm trốn nã
Không chỉ chiếm đoạt tiền của Công ty, Hưng cùng đồng bọn còn có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của… doanh nghiệp. Tài liệu điều tra thể hiện, cuối năm 1996, biết Công ty Dệt may 7 (nay là Công ty TNHH MTV Dệt may 7) thuộc Quân khu 7 cần bán một số vải tồn kho, Hưng đã bàn với Chù lấy danh nghĩa Công ty DVTM số 1 để ký kết hợp đồng với Công ty Dệt may 7 mua số vải này bán lại kiếm lời. Theo đó, Hưng và Chù tới gặp, làm việc với Công ty Dệt may 7, thực hiện các hành vi gian dối, dùng Hợp đồng khống của Công ty, ký Hợp đồng kinh tế với Công ty Dệt may 7 để chiếm đoạt hơn 112.000 mét vải các loại với tổng giá trị hơn 1,9 tỷ đồng.
Ngoài hành vi trên, Hưng còn có hành vi sử dụng các hóa đơn, chứng từ khống, không có hàng hoặc tài sản của mình, tạo lòng tin đối với Nguyễn Thị Liên (Cửa hàng trưởng Cửa hàng vàng bạc đá quý số 5), chiếm đoạt của Cửa hàng vàng bạc đá quý số 5 tổng số tiền hơn 2,9 tỷ đồng. Tài liệu điều tra thể hiện, tháng 8/1996, Hưng và Liên quen biết với nhau thông qua việc mua bán lô vải may mặc. Từ đó, Hưng tích cực tạo mối quan hệ mật thiết với Liên nhằm mục đích vay vốn tại Cửa hàng vàng bạc đá quý số 5 do Hưng biết đơn vị của Liên được giao nhiệm vụ kinh doanh vàng bạc đá quý và dịch vụ cầm đồ, có nhận vật cầm là vải, sợi – loại hàng mà Hưng và Chù đang kinh doanh.
Khi đã tạo được lòng tin với Liên, Hưng đã đặt vấn đề vay tiền. Trước lời “thỉnh cầu” của Hưng, lại trong bối cảnh cần tìm kiếm khách hàng, Liên đã tin tưởng, cho Hưng vay nhiều khoản lớn, trong đó có nhiều khoản tự ý giải quyết, không qua sự phê duyệt và kiểm tra của Công ty dẫn đến việc bị Hưng lập hồ sơ khống, chiếm đoạt hơn 2,9 tỷ đồng.
Khi vụ việc bị vỡ lở, Hưng bỏ trốn nên bị phát lệnh truy nã. Đến ngày 8/7/2016, Hưng bị bắt tại TP HCM. Cuối tháng 2 vừa qua, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Hưng ra xét xử về tội “Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do bị ốm, bị cáo Hưng đã có đơn xin xét xử vắng mặt và được chấp nhận. Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên Hưng 16 năm tù về tội “Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa”, 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tổng hợp 2 hình phạt, Hưng phải chịu mức án 20 năm tù theo quy định của Bộ luật Hình sự cũ.
Liên quan tới vụ án, đồng phạm của Hưng là Vũ Tiến Chù, Nguyễn Thị Liên cũng đã bị đưa ra xét xử trước đó. Theo bản án của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội, Chù bị tuyên phạt 20 năm tù về tội “Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Liên 11 năm tù về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.