Lộ diện các 'ông lớn' bức tử đê Văn Úc

(PLO) - Sau khi Báo Pháp Luật Việt Nam đăng tải thông tin về tình trạng vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh Phòng chống lụt bão trên tuyến đê tả Văn Úc, huyện An Lão, người dân xung quanh khu vực này tiếp tục cung cấp cho phóng viên  nhiều nội dung, bằng chứng liên quan đến vụ việc.
Trạm trộn bê tông “mọc” trên hành lang đê
Trạm trộn bê tông “mọc” trên hành lang đê

 Xử lý vi phạm kiểu “đá ném ao bèo”

Như PLVN đã thông tin, tuyến đê tả Văn Úc thuộc địa bàn huyện An Lão đang bị “bức tử” khi 16 doanh nghiệp (DN) tiến hành tập kết nguyên vật liệu, xây dựng nhà kiên cố, trạm trộn asphalt, san lấp mặt bằng trên hành lang thoát lũ, hành lang bảo vệ đê...Tình trạng vi phạm đang có xu hướng gia tăng nhưng chính quyền xử lý vi phạm chỉ theo kiểu “phạt rồi cho tồn tại”. 

Mới đây, Cty TNHH Tiến Đại đã tiến hành san lấp hàng nghìn mét vuông khu vực bãi bồi và lòng sông Văn Úc. Liên quan đến sự việc, ngày 04/3/2016, UBND xã Quốc Tuấn, huyện An Lão đã ban hành Quyết định số 11/QĐ-XPVPHC để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với Cty TNHH Tiến Đại. Theo đó, DN bị phạt hành chính 5 triệu đồng.

Với những sai phạm của Cty TNHH Tiến Đại, việc xử phạt hành chính vượt “ngưỡng” thẩm quyền của UBND xã Quốc Tuấn. Có ý kiến cho rằng, UBND xã Quốc Tuấn chỉ xử phạt hành chính về lĩnh vực đất đai là chưa hết hành vi vi phạm và chưa hết mức phạt. 

Trước những sai phạm mà Báo PLVN đã phản ánh, dư luận hoài nghi vì sao UBND huyện An Lão không tiến hành xử phạt theo đúng thẩm quyền? Bà N.T.V (xã Quang Trung) còn cho biết: “Trước đây, tại khu vực này rất nhiều đơn vị được kinh doanh cát đá.

Tuy nhiên, từ ngày Cty Tiến Đại được xây dựng thì mọi hoạt động kinh doanh trên đều bị chặn đứng. Cty Tiến Đại trở thành DN “độc quyền” cung cấp nguyên vật liệu cho các công trình khu vực lân cận. Chắc chắn DN này phải được chính quyền “chống lưng” thì mới ngang nhiên hoạt động như vậy”, có lẽ đây là nguyên nhân khiến UBND huyện An Lão không vào cuộc.

Hành lang đê biến thành công trường xây dựng
Hành lang đê biến thành công trường xây dựng

Điểm mặt các “ông lớn” khác

Thực tế, sai phạm của Cty TNHH Tiến Đại chỉ là một phần rất nhỏ trong số các sai phạm đang diễn ra trên tuyến đê Văn Úc. Theo quan sát của PV, hàng loạt “ông lớn” khác cũng ngang nhiên hoạt động, bất chấp quy định pháp luật, diện tích vi phạm lên tới hàng chục hécta. Cụ thể, Cty CP Minh Sơn xây dựng nhà, trạm trộn, xây dựng cầu cảng, chất tải vật liệu xây dựng ngoài bãi sông.

Cty TNHH Thành Công chất tải than, xây dựng tường bao, xây dựng nhà, trạm biến thế, bể nước ngoài bãi sông. Cty CP Đầu tư xây dựng 899 dựng trạm trộn bê tông, đóng cọc cừ larsen, đổ đất làm mố cầu với quy mô rộng 6m, dài 8m lấn ra lòng sông, tập kết vật liệu khối lượng lớn trên bãi sông, xây tường bao xung quanh. Cty CP Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch thương mại Phúc Lộc xây nhà trên bãi sông với diện tích 50m2... 

Không chỉ DN, cả các cá nhân cũng có những hoạt động xâm lấn, “bức tử” đê Văn Úc. Cụ thể, ông Phạm Văn Tuấn (trú tại phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh) tập kết nguyên vật liệu với khối lượng lớn trên bãi sông, đóng cọc sắt trên mép sông, gia cố bờ lấn ra sông 3m với chiều dài 10m dọc theo bờ sông.

Hay tại khu vực bãi Khuỷnh, ông Nguyễn Văn Tú đã xây tự ý dựng trạm trộn asphalt với 2 mố bê tông có kích thước 0,8m x 0,8m x 1m....

Được biết, khu đất bãi sông ngoài đê Văn Úc nêu trên có nguồn gốc là đất trồng cây hàng năm và nuôi trồng thủy sản được UBND huyện An Lão cho một số cá nhân thuê để sử dụng. Quá trình sử dụng, các cá nhân đã tự ý chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, san lấp mặt bằng, tập kết, kinh doanh vật liệu, xây dựng công trình mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. 

Như vậy, việc xây dựng công trình kiên cố, tập kết nguyên vật liệu xây dựng tại khu vực nói trên đã vi phạm các quy định của pháp luật về đê điều, quản lý đất đai và quy hoạch xây dựng.

Theo tìm hiểu, để được thi công xây dựng công trình, gia cố bãi tập kết vật liệu, làm đường nội bộ..., các DN phải hoàn thiện văn bản chấp thuận của Bộ NN&PTNT và văn bản tham vấn của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; dự án phải được phê duyệt quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư xây dựng, đánh giá năng lực tài chính, khả năng huy động vốn đầu tư; thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đánh giá tác động hoặc cam kết bảo vệ môi trường, thẩm duyệt biện pháp phòng chống cháy nổ, lập hồ sơ khảo sát, thiết kế công trình theo thỏa thuận; hoàn chỉnh hồ sơ cấp phép xây dựng các công trình trên bãi sông....

Tuy nhiên, theo phản ánh, hầu hết các “ông lớn” đều chưa hoàn thành các thủ tục liên quan. Dư luận quan ngại rằng, việc đê Văn Úc bị “bức tử” như trên không chỉ ảnh hưởng đến công tác phòng chống thiên tai, bảo vệ hành lang thoát lũ mà còn phá vỡ nhiều quy hoạch chuyên ngành và môi trường trên địa bàn. 

Có ý kiến cho rằng, để giải quyết dứt điểm các sai phạm trên, cần tránh kiểu xử lý “phạt rồi cho tồn tại”. Nhiệm vụ quan trọng nhất với UBND huyện An Lão là cần kiểm tra việc giao, cho thuê đất và sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân; xử lý dứt điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân giao, cho thuê đất và sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật.

Sau khi Báo PLVN đăng tải thông tin về tình trạng vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh Phòng chống lụt bão trên tuyến đê tả Văn Úc, huyện An Lão, chiều 18/3, UBND TP Hải Phòng đã tổ chức họp bàn để giải quyết sự việc.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin./.

Đọc thêm