Lo Nhà nước "bao sân" DN trong thẩm định giá?

"Nhất thiết không được lập lại “thẩm định giá công”, vì như vậy trái với kinh tế thị trường, trái với xu thế hội nhập và mâu thuẫn với nhiều điều mà luật pháp đã và sẽ quy định”, TS. Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội thẩm định giá (TĐG) Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại hội thảo góp ý vào Dự thảo Luật Giá tổ chức hôm qua.

"Nhất thiết không được lập lại “thẩm định giá công”, vì như vậy trái với kinh tế thị trường, trái với xu thế hội nhập và mâu thuẫn với nhiều điều mà luật pháp đã và sẽ quy định”, TS. Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội thẩm định giá (TĐG) Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại hội thảo góp ý vào Dự thảo Luật Giá tổ chức hôm qua.

“Vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Việc Dự thảo quy định về TĐG công (TĐG nhà nước) theo TS Tuấn chắc chắn là sẽ không hiệu quả, trở lại cơ chế xin cho, tốn kém, tiêu cực vì đó là tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, chưa kể bộ máy nhà nước sẽ cồng kềnh, chi phí quản lý hành chính sẽ tăng lên…

Ông Ngô Gia Cường, Cty CP TĐG và dịch vụ tài chính Hà Nội cũng cho rằng, việc quy định  “TĐG nhà nước”, theo đó cán bộ công chức nhà nước được thẩm định mua sắm tài sản có nguồn vốn Ngân sách là quay lại cơ chế “xin – cho”, “vừa đá bóng vừa thổi còi” trước đây. Theo ông Cường, về bản chất, “TĐG nhà nước” không độc lập với đối tượng thẩm định (độc lập với tài sản mua sắm), quy định như trong dự thảo là đi ngược lại tinh thần của Luật Phòng chống Tham nhũng, Luật Tiết kiệm chống lãng phí và bác bỏ những báo cáo của Bộ Tài chính, Hội TĐG về sơ kết, tổng kết chủ trương đúng đắn đã được chứng minh từ thực tế qua các năm sau khi thành lập ngành TĐG tại Việt Nam…

Không chỉ các DN TĐG đồng tình với ý kiến này, Ths. Trần Đình Thắng - Chủ nhiệm khoa TĐG, Trường CĐ Tài chính – Quản trị kinh doanh cũng cho rằng, nếu tồn tại thẩm định viên (TĐV) về giá của nhà nước sẽ làm xuất hiện tư tưởng cho rằng hình như nhà nước đang “bao sân”, phân chia thị trường dịch vụ TĐG và hạn chế cơ hội kinh doanh của các thành phần kinh tế khác…

“Thế giới đang nhìn ta xem có phải Việt Nam thực sự có nền KTTT không? Nếu dự luật giá không dứt khoát với việc này (tức là không thành lập hệ thống TĐG công) thì hệ quả chắc chắn là không phù hợp với sân chơi chung của các định chế tài chính thế giới..”, Chủ tịch Hội TĐG Việt Nam, TS. Nguyễn Ngọc Tuấn  lưu ý.

Trình độ cao hơn nhưng không qua thi

Trung tâm TĐG đầu tiên tại Hà nội trực thuộc Ban Vật giá Chính phủ được thành lập năm 1997, Trung tâm thứ 2 tại TP. HCM được thành lập năm 1998. Cho tới nay, nước ta có trên 50 Cty TĐG với hàng trăm văn phòng hoặc chi nhánh ở trên cả nước. Trong đó đã có hàng chục Cty TĐG nước ngoài hoạt động, có 4 Cty TĐG nước ngoài đã tham gia Hội TĐG Việt Nam. Tất cả các Cty TĐG đều hoạt động độc lập theo luật DN.

“Dự thảo có thể dẫn đến cách hiểu là TĐV về giá của nhà nước có trình độ cao hơn TĐV về giá hành nghề trong các DN, bởi vì phải có trình độ cao hơn thì mới làm được công việc giám sát, kiểm tra và đánh giá kết quả TĐG do TĐV về giá thuộc DN hành nghề độc lập đưa ra. Trong khi đó, tiêu chuẩn TĐV về giá chỉ có một…”, Ths. Trần Đình Thắng phát biểu.

Mặc khác, Dự thảo Luật quy định TĐV về giá đăng ký hoạt động trong các DN phải trải qua cuộc thi để lấy thẻ hành nghề TĐV về giá, trong khi đó TĐV về giá của nhà nước được cấp thẻ nhưng không phải thi, theo Ths Trần Thị Thanh Vinh - Cty CP định giá và dịch vụ tài chính Việt Nam - là không công bằng và mâu thuẫn với chính các quy định trong Dự thảo Luật. “Hiện nay trên thế giới cũng không có một nước nào cấp thẻ TĐV về giá cho công chức mà không phải qua kỳ thi sát hạch nào. Phải chăng chỉ có ở Việt Nam mới có loại hình “đặc biệt” như vậy?...”, Ths Vinh đặt vấn đề.

“Tôi đọc rất kỹ Dự luật Giá, vẫn tình hình như hiện nay, vẫn phân công như hiện nay, thậm chí 10- 15 năm nữa như thế nào cũng không rõ…”, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Ngọc Tuấn thất vọng…

THANH LAN

Đọc thêm