“Luật” im lặng của người bán... thận

Người mua thận lẫn người bán thận tuyệt đối không được hỏi nhau về giá cả mua - bán quả thận. Trong vai người bán thận, phóng viên được đảm bảo sẽ thu về 80-100 triệu đồng cho việc “tùng xẻo” một quả thận.  

Người mua thận lẫn người bán thận tuyệt đối không được hỏi nhau về giá cả mua - bán quả thận. Trong vai người bán thận, phóng viên được đảm bảo sẽ thu về 80-100 triệu đồng cho việc “tùng xẻo” một quả thận.

2 ngày sau lần gặp đầu tiên, Hồng hẹn chúng tôi đến Bệnh viện Việt Đức để gặp bệnh nhân đang cần mua thận của người mang nhóm máu A.

[links()]

“Luật im lặng”

Sáng 14/2, trước lúc cho phóng viên gặp người mua thận, Hồng gặp riêng chúng tôi để dặn dò kỹ hơn những việc cần làm, những điều phải tránh.

Giấy xét nghiệm bước đầu của phóng viên tại bệnh viện Việt Đức sau khi đồng ý bán thận

“Các em đến đây thì các em là người của chị. Bán mỗi trái thận, các em sẽ nhận được 80 đến 100 triệu đồng. Sau này, nếu được việc thì chị sẽ nói họ bồi dưỡng thêm. Tuy nhiên, mọi việc đều phải được chị thông qua. Các em chỉ được phép “làm việc” với chị thôi.

Các em không cần phải thắc mắc bên kia rằng họ chi hết bao nhiêu tiền, vì có rất nhiều khâu chị phải lo. Ngược lại, khi những người đó hỏi bọn em nhận được bao nhiêu tiền, các em phải nói là có vấn đề gì cứ làm việc với chị Hồng, không giải thích thêm” - Hồng dặn đi dặn lại chúng tôi điệp khúc này.

Hồng chỉ dẫn tiếp: “Khi hiến thận, các em cần bảo đảm các giấy tờ như chứng minh thư, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh. Ngoài ra, các em lo thêm giấy chứng nhận chưa có tiền án, tiền sự. Khi chuẩn bị cho thận, các em cần lo thêm một loại giấy tờ quan trọng nữa là bản cam kết tự nguyện cho thận có chữ ký của người thân. Nếu có vợ thì do vợ ký, không có vợ thì bố mẹ ký vào. Mọi thứ giấy tờ này các em đưa cho chị cầm”.

Lấy lý do chưa lo đủ số giấy tờ trên, tôi chỉ nộp cho Hồng sổ hộ khẩu, bản sơ yếu lý lịch. Cậu bạn đi cùng thì đưa cho Hồng chứng minh thư. Xem qua, Hồng bỏ vào túi rồi nói: “Bây giờ chị sẽ giữ những cái này. Khi nào xong việc, chị sẽ trả lại các em”.

Khi chúng tôi thắc mắc về chuyện giao - nhận tiền, Hồng nói: “Trước khi các em lên bàn mổ và người nhà các em ký vào giấy đồng ý hiến thận thì sẽ có người bên ngoài nhận tiền cho bọn em. Người đó có thể là chị hoặc một ai đó do các em ủy quyền”.

Một điều rất quan trọng Hồng dặn chúng tôi nhiều lần là khi vào gặp bác sỹ, nếu bác sỹ hỏi chúng tôi có quan hệ thế nào với bệnh nhân mà lại hiến thận thì nhất định không được nói hiến thận vì mục đích nhận tiền mà phải nói là do thấy thương hoàn cảnh nên hiến thận.

Sau này, khi phóng viên gặp bệnh nhân đang cần mua thận của người nhóm máu A mà Hồng giới thiệu, người này cũng tâm sự: “Hồng dặn là không cần hỏi bọn em về chuyện tiền nong. Chị cũng chỉ biết làm việc với Hồng về những vấn đề đó”.

Những “luật” im lặng trên được Hồng quy định ra phải chăng để che giấu những khoản tiền chênh lệch của người cần thận chi ra cho người “hiến” thận?

Trăm dâu đổ đầu... bệnh nhân

Sau khi giảng giải kỹ lưỡng cho phóng viên đầy đủ về “luật im lặng” khi “hiến thận”, Hồng nói thêm những quyền lợi mà chúng tôi được hưởng.

Đối tượng Hồng (áo đen, ngồi giường) và một người cần mua thận đang trao đổi.

Theo đó, người bệnh sẽ phải lo mọi chi phí đi lại, ăn ở của chúng tôi từ lúc bắt đầu bước chân vào bệnh viện để làm các thủ tục xét nghiệm. Chi phí nằm viện cũng do bên phía bệnh nhân lo. Sau buổi xét nghiệm đầu tiên, chúng tôi sẽ được ứng trước mỗi người 1 triệu đồng.

Trưa ngày 14/2, sau khi đã gặp mặt người mua thận để thống nhất lại kế hoạch “đối phó” với các câu hỏi của bác sỹ, chúng tôi được đưa vào một phòng nằm trong Khoa Thận - Bệnh viện Việt Đức để bắt đầu làm các thủ tục đầu tiên.

Lúc này, Hồng đưa lại cho tôi giấy tờ tùy thân để xuất trình với các bác sỹ. Hồng không quên dặn: “Xong việc thì mang về cho chị”.

Cô bác sỹ trẻ bị bao vây bởi bốn con người vừa mới quen nhau thông qua sự dắt mối của “cò” Hồng. Những câu hỏi mà cô bác sỹ này đưa ra đều nằm trong dự liệu của Hồng hết nên không mấy khó khăn để chúng tôi đánh lừa vị bác sỹ này tin vào mục đích cao cả: “Em thấy thương các chị ấy nên hiến thận để mang lại sự sống cho bệnh nhân!”.

Sau khi qua được vòng “sơ khảo”, tôi và cậu bạn đi cùng được dẫn đi xét nghiệm máu, nước tiểu và chụp chiếu sơ qua về thận. Những thủ tục đơn giản này tốn mất gần 600.000 đồng/người. Tiền thì tất nhiên là do các bệnh nhân lo chi trả.

Bà Dung - bệnh nhân chạy thận đang cần mua thận của người mang nhóm máu O tâm sự: “Sau buổi xét nghiệm này, sẽ còn rất nhiều những xét nghiệm khác để xem quả thận của em có hợp với chị không. Chi phí xét nghiệm trước khi lên bàn mổ dễ tốn cả vài chục triệu chứ không ít. Tuy nhiên, vì sự sống thì mình phải cố thôi”.

Không cam tâm nhìn người bệnh chi trả những khoản tiền quá lớn từ việc nhận quả thận được “hiến” thông qua “cò” Hồng, nhóm phóng viên chúng tôi quyết định rút lui.

Biết chuyện, Hồng nhắn tin cho tôi với giọng bực tức: “Em làm ăn buồn cười thật đấy, như trẻ con vậy”.

Thọ Phước - Bảo Ngọc

(Còn tiếp)

Đọc thêm