Luật Phòng, chống mua bán người 'lộ' nhiều bất cập cần sửa đổi

(PLVN) -  Bộ Công an cho biết, sau gần 10 năm thi hành, Luật Phòng, chống mua bán người đã bộc lộ nhiều bất cập, như việc các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về phòng, chống mua bán người hầu hết được ban hành đã lâu nên nhiều quy định không còn phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay…
Cần quy định cụ thể về các tiêu chí giấy tờ, tài liệu và tiêu chí thực tế để xác định một người là nạn nhân bị mua bán (ảnh: BĐBP Lào Cai tiếp nhận nạn nhân bị mua bán do cơ quan chức năng Trung Quốc trao trả).

Nhiều quy định không còn phù hợp

Luật Phòng, chống mua bán người (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2012) đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Việc ban hành luật còn có ý nghĩa chính trị cả về đối nội cũng như đối ngoại, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Những kết quả triển khai Luật Phòng chống mua bán người đã giúp kiềm chế sự gia tăng của tội phạm mua bán người, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Bộ Công an cho biết, trong những năm qua, tình trạng phụ nữ, trẻ em đi khỏi địa phương không rõ lý do có nhiều diễn biến phức tạp, trong số này có người bị dụ dỗ, lừa gạt đưa sang Trung Quốc bán, có người đi khỏi địa phương để tìm kiếm việc làm, có người vì lý do khác nhau mà bỏ nhà đi… Do vậy, việc tiếp nhận, phân loại, xác minh tin báo, tố giác về tội phạm mua bán người gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, tại dự thảo báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Bộ Công an cho biết, sau gần 10 năm thi hành, Luật Phòng, chống mua bán người đã bộc lộ nhiều bất cập do không còn phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay (như về các chế độ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán), hay nhiều quy định còn chưa phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong thực hiện (như chưa có quy định về chi phí phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài, nạn nhân là người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận nạn nhân lấy lời khai hoặc trong hỗ trợ nạn nhân lưu trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội; cơ quan được giao quyết định hỗ trợ văn hóa, học nghề theo quy định của Luật và Nghị định số 09/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người còn khác nhau; quy định thời gian được hỗ trợ khác nhau giữa các văn bản)...;

Bộ Công an cho rằng, những bất cập trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác này và đặt ra vấn đề cần sửa đổi Luật. Do đó, việc lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) là cần thiết để thể chế hóa quan điểm của Đảng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống mua bán người; đồng thời, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Cần quy định cụ thể tiêu chí xác định nạn nhân

Luật Phòng chống mua bán người năm 2011 và Nghị định số 62/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ.

Nhưng trên thực tế, việc xác định trường hợp nào là nạn nhân bị mua bán, trường hợp nào không phải nạn nhân gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp xuất cảnh trái phép sang nước ngoài lao động, làm thuê nhưng khi khai báo với cơ quan sở tại lại cho rằng mình là nạn nhân để tránh bị xử phạt.

Bên cạnh đó, đa số các vụ mua bán người thường xảy ra ở ngoài địa bàn hoặc có khi xảy ra tại nước ngoài nên công tác phát hiện ban đầu, cũng như quá trình tiếp nhận điều tra, xác minh củng cố chứng cứ phạm tội của các đối tượng gặp nhiều khó khăn do thời gian xảy ra đã lâu, các loại giấy tờ liên quan sau khi ra nước ngoài bị các đối tượng thu giữ, bị hại còn bị giam giữ không cho về nước nên việc thu tập tài liệu, chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội đòi hỏi mất nhiều thời gian, phải kết hợp sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ. Một số phụ nữ sau khi bị lừa bán ra nước ngoài trở về nước thường có tư tưởng mặc cảm, né tránh không muốn đến cơ quan Công an đến làm việc…

Theo Bộ Công an, nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên là do chưa có quy định cụ thể tiêu chí xác định nạn nhân bị mua bán trong Luật, cụ thể là quy định về một số khái niệm như: Mua bán người; chuyển giao hoặc tiếp nhận chuyển giao; tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp nhằm mục đích để mua bán người; quy định cụ thể về các tiêu chí giấy tờ, tài liệu và tiêu chí thực tế để xác định một người là nạn nhân bị mua bán.

Trước thực trạng trên, Bộ Công an đề xuất 3 giải pháp giải quyết. Giải pháp 1, quy định cụ thể tiêu chí xác định nạn nhân, trong đó, dự kiến sẽ quy định cụ thể về một số khái niệm như: Mua bán người; chuyển giao hoặc tiếp nhận chuyển giao; tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp nhằm mục đích mua bán người; quy định cụ thể về các tiêu chí giấy tờ, tài liệu và tiêu chí thực tế để xác định một người là nạn nhân bị mua bán.

Giải pháp 2, giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành (không quy định cụ thể tiêu chí xác định nạn nhân trong Luật Phòng, chống mua bán người).

Giải pháp 3, chỉ quy định các tiêu chí mang tính nguyên tắc để xác định nạn nhân trong Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết…

Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đang được Bộ Công an lấy ý kiến đóng góp các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đọc thêm