Luật phòng chống rửa tiền bổ sung thêm “tài trợ khủng bố”?

Quan điểm của Ủy ban thường vụ Quốc hội là trong dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền cần có quy định liên quan đến tài trợ khủng bố. Việc xử lý các hành vi rửa tiền cụ thể sẽ theo quy định của Bộ luật hình sự và dự án Luật phòng, chống khủng bố.

[links()] Chiều nay, dưới sự điều khiển của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc Hội đã tiếp tục phiên làm việc với kế hoạch đã đề ra. Thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội đã trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền.

ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội

Theo báo cáo, vấn đề được các đại biểu quan tâm nhất là phạm vi điều chỉnh hiệu quả dự luật. Đa số nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, chỉ quy định mang tính nguyên tắc về nội dung “tài trợ khủng bố”. Một số ý kiến đề nghị không đưa nội dung “tài trợ khủng bố” vào phạm vi điều chỉnh của Luật này. Một số ý kiến đề nghị bổ sung nội dung “tài trợ khủng bố” trong phạm vi điều chỉnh và đổi tên gọi của Luật này là “Luật phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố”.

Quan điểm của Ủy ban thường vụ Quốc hội là trong dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền cần có quy định mang tính nguyên tắc về phòng, chống rửa tiền liên quan đến tài trợ khủng bố, việc xử lý các hành vi rửa tiền cụ thể sẽ theo quy định của Bộ luật hình sự và dự án Luật phòng, chống khủng bố đang được chuẩn bị trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4. Đây là vấn đề thể hiện sự cam kết của Nhà nước ta với quốc tế, tránh tác động bất lợi ảnh hưởng đến các giao dịch về tài chính, tiền tệ của Việt Nam trên thế giới.

Về các hành vi bị cấm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết việc quy định các hành vi bị cấm là cần thiết, làm cơ sở để quy định các biện pháp phòng, chống rửa tiền cũng như xử lý trách nhiệm hình sự, hành chính hoặc kỷ luật tùy thuộc vào đối tượng, tính chất và mức độ vi phạm. Nhiều luật hiện hành cũng đã có quy định theo hướng này.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin đề nghị Quốc hội cho giữ lại kết cấu như đã trình, có bổ sung, chỉnh lý theo hướng bao quát hơn các hành vi bị cấm thành 7 khoản như quy định tại Điều 7 dự án Luật. Mặc dù có nhiều ý kiến đề nghị quy định bổ sung các hành vi bị cấm vào dự thảo Luật cho đầy đủ hơn. Một số khác lại đề nghị bỏ các quy định về các hành vi bị cấm vì những hành vi rửa tiền bị coi là vi phạm pháp luật thì đương nhiên bị cấm, do vậy không cần thiết phải quy định trong luật.

Về mức giá trị giao dịch phải báo cáo, báo cáo giao dịch đáng ngờTrong dự án Luật trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 và tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề nghị giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về giao dịch có giá trị lớn không chỉ đơn thuần là mức giao dịch mà thực chất là quy định về phạm vi áp dụng luật. Theo quy định hiện hành tại Nghị định số 74/2005/NĐ-CP của Chính phủ, giao dịch tiền mặt có tổng giá trị từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc bằng ngoại tệ, bằng vàng có giá trị tương đương thì phải báo cáo theo quy định; đồng thời, Nghị định cũng giao Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh các mức giá trị giao dịch cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng thời kỳ. 

Tuy nhiên, để linh hoạt và phù hợp hơn, đề nghị tiếp thu, chỉnh lý tại khoản 2 Điều 21 của dự thảo Luật, cụ thể: “2. Thủ tướng Chính phủ quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng thời kỳ.”

Khái niệm “rửa tiền” và khái niệm về “tài sản” là vấn đề được tranh luận nhiều ở kỳ họp trước, tại báo cáo này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ khái niệm về “rửa tiền” và khái niệm về “tài sản” như đã được chỉnh sửa trong dự án Luật.

Vân Tùng

Đọc thêm