Sai sót chuyên môn nhưng truy cứu trách nhiệm người quản lý
Trở lại nội dung vụ án, năm 2012, UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt dự toán hai dự án xử lý tồn dư thuốc bảo vệ thực vật tại xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn và xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng. Hồ sơ dự toán do Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ môi trường lập. Tuy nhiên, tại thời điểm này nhà nước chưa bố trí được kinh phí nên mặc dù UBND tỉnh đã phê duyệt dự toán nhưng dự án vẫn chưa được thực hiện.
Cụ thể, tại Quyết định số 1028/QĐ-UBND ngày 30/7/2012 của UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật dự án xử lý cải tạo và phục hồi môi trường điểm tồn dư hóa chất thuốc bảo vệ thực vật tại xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng, dự án có mức kinh phí thực hiện là hơn 6,65 tỷ đồng. Năm 2014, dự án được điều chỉnh mức đầu tư lên 6,93 tỷ đồng. Tổng dự toán cuối cùng năm 2016 là 6,89 tỷ đồng.
Dự án xử lý cải tạo và phục hồi môi trường điểm tồn dư hóa chất thuốc bảo vệ thực vật tại xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn được phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật với mức đầu tư năm 2012 là 7,29 tỷ đồng; điều chỉnh năm 2014 là 8,385 tỷ đồng, năm 2016 là 8,311 tỷ đồng.
Các báo cáo kinh tế kỹ thuật và dự toán của dự án trên, bao gồm cả dự toán ban đầu và dự toán điều chỉnh đều do một đơn vị là Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ môi trường thực hiện. Như vậy, nhà thầu lập dự toán cho hai dự án này đã được lựa chọn kể từ năm 2012.
Việc lập báo cáo kinh tế kỹ thuật và dự toán này đã được Sở Tài nguyên và Môi trường giao cho Chi Cục bảo vệ môi trường phối hợp với đơn vị tư vấn lập. Sau khi có sản phẩm, Sở TNMT đã gửi Sở Xây dựng thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.
Có thể thấy, việc lập báo cáo kinh tế kỹ thuật và dự toán của dự án do đơn vị tư vấn chịu trách nhiệm thực hiện theo hợp đồng tư vấn. Ngoài ra, Sở Xây dựng là cơ quan chuyên ngành xây dựng, thực hiện việc thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật. Căn cứ kết quả tư vấn, thẩm định, Sở Tài nguyên và Môi trường mới có thể trình UBND tỉnh phê duyệt. Những sai sót liên quan đến báo cáo kinh tế kỹ thuật, trong đó có việc “áp mã hiệu” trước tiên thuộc về đơn vị tư vấn, đơn vị thẩm định và những cán bộ làm công tác chuyên môn.
Theo kết quả điều tra, Cơ quan điều tra đã làm rõ một chi tiết “sai” liên quan đến lập báo cáo kinh tế kỹ thuật. Đó là việc Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ môi trường đã không trực tiếp lập báo cáo kinh tế kỹ thuật mà chỉ ký hồ sơ này. Thực tế, hồ sơ do Công ty cổ phần Xây dựng và Chuyển giao công nghệ môi trường, nhà thầu thi công dự án lập.
Cơ quan điều tra cho rằng, việc Công ty Xây dựng và Chuyển giao công nghệ môi trường lập hồ sơ, áp mã hiệu sai dẫn đến dự toán của 2 dự án bị đội lên 454 triệu đồng. Sau đó, cái sai này được quy trách nhiệm cho ông Nguyễn Đình Duyệt, Phó Giám đốc Sở TNMT vì cho rằng, ông Duyệt không sâu sát, không phát hiện ra việc áp mã sai dẫn đến nhà nước bị mất số tiền 454 triệu đồng nêu trên.
Nhận định về quan điểm buộc tội, Luật sư Nguyễn Văn Tú, Công ty luật TNHH Fanci cho rằng, việc buộc tội một công chức là “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cần phải phân biệt trách nhiệm của công chức đó là trách nhiệm chuyên môn hay trách nhiệm quản lý. Theo cáo trạng và bản án sơ thẩm vụ án này, dường như các cơ quan tố tụng đã nhầm lẫn trách nhiệm của ông Duyệt dẫn đến quy kết ông Duyệt phải chịu trách nhiệm thay các cá nhân khác.
“Ông Duyệt là Phó Giám đốc Sở, thực hiện nhiệm vụ quản lý mà không thực hiện công việc chuyên môn. Bản thân ông Duyệt không thể biết rõ các vấn đề chuyên môn trong lập báo cáo kinh tế kỹ thuật và dự toán nên phải thực hiện theo đúng ý kiến của đơn vị tư vấn và đơn vị thẩm định. Vì vậy, sai sót trong việc áp mã hiệu (nếu có) là sai sót chuyên môn nên việc quy kết trách nhiệm cho ông Nguyễn Đình Duyệt về những thiếu sót trong chuyên môn là không đúng với ông”, Luật sư Nguyễn Văn Tú cho biết.
Việc Cơ quan điều tra, VKS nhận định ông Duyệt tin tưởng cấp dưới, không kiểm tra kỹ báo cáo kinh tế kỹ thuật dẫn đến không phát hiện sai sót trong việc áp mã hiệu là thiếu trách nhiệm, lập luận như trên rõ ràng thiếu thuyết phục. Vì, đến đơn vị tư vấn và thẩm định còn nhầm lẫn thì làm sao quy kết cho người không chịu trách nhiệm về chuyên môn đối với vấn đề này, Luật sư nhấn mạnh.
Dự án xử lý tồn dư thuốc bảo vệ thực vật không phải dự án "xây dựng công trình"
Việc quy kết trách nhiệm đối với ông Nguyễn Đình Duyệt trong lựa chọn đơn vị tư vấn giám sát cũng khiến các chuyên gia pháp lý hết sức lo lắng khi các cơ quan tố tụng tỉnh Lạng Sơn sử dụng các tiêu chí, tiêu chuẩn của đơn vị tư vấn giám sát thi công công trình xây dựng để làm căn cứ đánh giá năng lực của đơn vị tư vấn giám sát dự án trong lĩnh vực môi trường. Từ đó kết luận Công ty cổ phần Tư vấn môi trường Lạng Sơn là “không đủ năng lực” và quy kết ông Nguyễn Đình Duyệt là “thiếu trách nhiệm” khi lựa chọn công ty này làm đơn vị tư vấn giám sát.
Theo văn bản số 636 ngày 13/6/2019 của Sở Xây dựng tỉnh Lạng Sơn gửi Công an tỉnh Lạng Sơn, Sở Xây dựng căn cứ các quy định của pháp luật về tiêu chí xác định dự án đầu tư công trình xây dựng thì 2 dự án xử lý tồn dư thuốc bảo vệ thực vật do Sở TNMT Lạng Sơn làm chủ đầu tư không phải là dự án đầu tư công trình xây dựng. Do đó, không áp dụng tiêu chí của đơn vị tư vấn giám sát công trình xây dựng đối với nhà thầu tư vấn giám sát công trình này.
Ngoài ra, tại văn bản số 6240 ngày 19/12/2019 gửi Cơ quan điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn, Tổng Cục môi trường nêu rõ: Hiện nay Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định năng lực hành nghề đối với đơn vị thực hiện giám sát thi công công trình xử lý hóa chất bảo vệ thực vật.
Thậm chí, quy định tại Thông tư số 17/2016/TT-BXD hướng dẫn về năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng cũng quy định, đối với các tổ chức chưa đủ điều kiện cấp chứng chỉ năng lực cũng được tham gia hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đối với các dự án chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình quy mô cấp IV (hai dự án là công trình cấp IV).
Chỉ với các chi tiết quy định trong hướng dẫn của Bộ Xây dựng, ý kiến của cơ quan chuyên môn cũng có thể thấy, Công ty Tư vấn môi trường Lạng Sơn có đủ điều kiện tham gia giám sát thi công và việc kết luận công ty này “không đủ năng lực”, sau đó quy trách nhiệm đối với ông Nguyễn Đình Duyệt đã cho thấy việc kêu oan của cựu Phó Giám đốc Sở TNMT Lạng Sơn rõ ràng là đáng phải xem xét.
“Căn cứ mà cáo trạng và bản án sơ thẩm sử dụng để buộc tội là việc xác định năng lực của đơn vị tư vấn, giám sát. Nhưng, với ý kiến của cơ quan nhà nước quản lý chuyên ngành và quy định khá cụ thể của Bộ Xây dựng tại Thông tư số 17/2016/TT-BXD thì thấy, việc Cơ quan điều tra xác định đơn vị tư vấn giám sát “không có năng lực” là chưa đúng. Điều này có thể làm thay đổi bản chất vụ án”, Luật sư Nguyễn Văn Tú cho biết.
Ngoài ra, theo đơn kháng cáo kêu oan của ông Nguyễn Đình Duyệt thì trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cũng không có doanh nghiệp nào khác có năng lực làm công việc này. Do đó, Sở TNMT đã lựa chọn Công ty này làm đơn vị tư vấn giám sát theo hình thức chỉ định thầu và người ký quyết định chỉ định thầu là Giám đốc Sở, không phải là ông Duyệt tự ý thực hiện.
Vụ án bắt đầu từ đơn tố cáo không có căn cứ khiến Cơ quan điều tra, VKS phải “quay xe”, thay đổi tội danh đã khởi tố đối với ông Duyệt. Với các lý lẽ buộc tội thiếu thuyết phục mà các luật sư đã chỉ rõ, rõ ràng Tòa án cấp phúc thẩm cần phải xem xét đơn kêu oan một cách có trách nhiệm để tránh một vụ án oan và không để xảy ra tình trạng đổi tội danh để tránh phải bồi thường oan sai khi không thể buộc tội công dân đối với tội danh mà cơ quan điều tra đã khởi tố.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.