Luật sư “kêu” khó vì không phải là pháp nhân không được mở tài khoản thanh toán

(PLO) - Bộ luật Dân sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 24/11/2015 nhằm tạo hành lang pháp lý bảo đảm tất cả quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân được Hiến pháp và pháp luật công nhận đều được tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện. Tuy nhiên, qua thực tiễn đã phát sinh vướng mắc trong việc hiểu và áp dụng Bộ luật, trong đó có lo ngại của giới luật sư về quy định văn phòng luật sư không phải là chủ thể tham gia quan hệ dân sự.
Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Thuộc diện phải chuyển đổi sang tài khoản cá nhân

Hiện nay, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, chỉ còn hai loại chủ thể tham gia quan hệ dân sự là cá nhân và pháp nhân. Còn những chủ thể như hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, do vậy, không là chủ thể tham gia quan hệ dân sự. Ngày 26/12/2016, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 32/2016/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23/2014/TT-NHNN ngày 19/08/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Theo quy định tại Thông tư này, các tổ chức không có tư cách pháp nhân không thuộc đối tượng được mở tài khoản thanh toán. Điều này gây khó khăn cho hoạt động của văn phòng luật sư. 

Đại diện Ngân hàng Nhà nước từng chia sẻ, việc tồn tại của các tài khoản thanh toán của tổ chức không có tư cách pháp nhân trước khi Thông tư 32 có hiệu lực thi hành là thực tế. Để hạn chế xáo trộn trong hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán, Thông tư 32 đã có hướng dẫn quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện việc xử lý chuyển tiếp đối với các tài khoản thanh toán này. 

Cụ thể, Thông tư 32 đã quy định ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm rà soát hồ sơ, hợp đồng mở và sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng là tổ chức không có tư cách pháp nhân. Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày Thông tư 32 có hiệu lực thi hành, thực hiện thông báo cho khách hàng biết về việc chuyển đổi tài khoản hiện có sang hình thức tài khoản thanh toán của cá nhân hoặc tài khoản thanh toán chung (đối với trường hợp tài khoản của nhiều cá nhân), thời hạn hoàn tất việc chuyển đổi tài khoản và việc xử lý sau khi kết thúc thời hạn chuyển đổi. Sau 12 tháng kể từ ngày Thông tư 32 có hiệu lực, thực hiện đóng tài khoản đối với những tài khoản thanh toán của khách hàng là tổ chức không có tư cách pháp nhân chưa hoàn thành việc chuyển đổi hình thức tài khoản… Đối với văn phòng luật sư, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định tài khoản thanh toán của văn phòng luật sư thuộc đối tượng phải thực hiện chuyển đổi sang tài khoản của cá nhân.

Còn không ít vướng mắc

Trong khi đó, giới luật sư vẫn chưa hết băn khoăn. Tại một cuộc tọa đàm do Đoàn Luật sư TP Hà Nội tổ chức mới đây, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, thành viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội một lần nữa tỏ ra lo lắng: Nếu văn phòng luật sư được thành lập hợp pháp, khi luật sư thành viên không may chết đi (văn phòng luật sư một thành viên) thì văn phòng luật sư còn tồn tại hay không? Việc giải quyết hậu quả pháp lý đối với các hoạt động thuế, ngân hàng… sẽ được giải quyết như thế nào?. “Trên thực tế phải có hành lang pháp lý cho tổ chức này hoạt động” – ông Lập kiến nghị. 

Luật sư Huỳnh Nam (Văn phòng Luật sư Huỳnh Nam) lại nêu vấn đề: Điều 33 Luật Luật sư năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) quy định, văn phòng luật sư do một luật sư thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Luật sư thành lập văn phòng luật sư là Trưởng văn phòng và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi nghĩa vụ của văn phòng. Văn phòng luật sư có tài khoản theo quy định của pháp luật. Như vậy, chiếu theo Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định trên không còn giá trị áp dụng. Bên cạnh đó, ông Nam cũng chỉ ra, Điều 101 Bộ luật Dân sự 2015 quy định trường hợp thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự không được các thành viên khác ủy quyền làm người đại diện thì thành viên đó là chủ thể của quan hệ dân sự do mình xác lập, thực hiện là có sự mâu thuẫn giữa hai luật.

Nhiều ý kiến còn cho rằng, ngay cả khi cơ quan thuế có thể chấp nhận các chứng từ, thủ tục thuế đối với tài khoản mang tên cá nhân như tài khoản của văn phòng luật sư thì vẫn còn một số vướng mắc. Bởi một văn phòng luật sư có thể có nhiều luật sư cùng làm việc chứ không chỉ có một luật sư tiếp cận khách hàng. Do vậy, khi mà các cộng sự của mình làm việc với khách hàng, với tư cách là cộng sự của một văn phòng luật sư nhưng khi khách hàng thanh toán chi phí và thù lao thì lại thanh toán tiền vào tài khoản mang tên cá nhân của luật sư được giao vụ việc là không hợp lý. Hơn nữa, nếu chuyển khoản vào tài khoản cá nhân của luật sư, khách hàng là doanh nghiệp sẽ không đồng ý vì lo ngại không được hoàn thuế, tính chi phí thuế hợp lý cho các giao dịch này…

Đọc thêm