Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ góp ý sửa đổi Hiến pháp

Cùng với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992, giới luật sư và đoàn luật sư các địa phương cũng thực hiện quyền, trách nhiệm của công dân với đất nước bằng việc tích cực tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi. Báo Pháp luật Việt Nam trích đăng ý kiến đóng góp của Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, Chủ nhiệm ĐLS Hà Nội. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.

Cùng với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992, giới luật sư và đoàn luật sư các địa phương cũng thực hiện quyền, trách nhiệm của công dân với đất nước bằng việc tích cực tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi. Báo Pháp luật Việt Nam trích đăng ý kiến đóng góp của Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, Chủ nhiệm ĐLS Hà Nội. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.

Trải qua 20 năm, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, Hiến pháp năm 1992 đã thực sự là công cụ quan trọng và hữu hiệu đưa đất nước ta, nhân dân ta đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Nhờ đó, giang sơn, đất nước ta đã từng bước đi lên sánh vai cùng bạn bè trên thế giới. Ngày nay, trong bối cảnh hội nhập, sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc đặt ra yêu cầu sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là rất cần thiết.

Việc Quốc hội quyết định lấy ý kiến của nhân dân tham gia vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là thể hiện sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Với ý thức trách nhiệm của mình, theo tinh thần “nghĩ mở, nói thẳng”, tôi xin nêu một số ý kiến để Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tham khảo.

Về cấu trúc, Dự thảo Hiến pháp lần này rất khoa học, hợp lý. Sau lời nói đầu, Chương I là Chế độ chính trị; trong đó, đưa Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Quốc khánh, Thủ đô vào Chương I là hoàn toàn đúng với vị trí của các điều ấy.

Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Hiến pháp năm 1992 đặt  ở Chương V, Dự thảo lần này đưa lên Chương II. Đây là cách nhìn nhận, đánh giá rất mới đối với con người và công dân. Việc coi trọng quyền con người, coi trọng quyền của công dân thể hiện sự quán triệt đầy đủ tư tưởng của Bác Hồ. Bác đã từng nói: Đất nước được độc lập, người dân không được tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì. Coi trọng quyền con người, quyền công dân còn phù hợp với yêu cầu của một xã hội dân chủ. Dự thảo không chỉ thay đổi vị trí từ Chương V lên Chương II, về nội dung quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã dược thể hiện khá đầy đủ, được dư luận đồng tình và tán thành Dự thảo .

Tuy nhiên trong từng vấn đề của Dự thảo, tôi đề nghị xem xét một số điểm dưới đây:   

1. Điều 2, Dự thảo viết: Nhà nước CHXHCNVN là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Theo tôi, chỉ cần quy định “Nhà nước CHXHCNVN là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” là đủ. Việc thêm vào đoạn văn “mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” trong tình hình hiện nay là không còn phù hợp. Bởi lẽ, hiện nay tình hình cơ cấu giai cấp đã thay đổi, không còn như trước đây. Công nhân, trí thức phần lớn từ nông dân mà ra. Trong nông dân cũng có công nhân - công nhân nông nghiệp. Trong điều kiện xã hội ngày nay, nêu ra nền tảng liên minh công nông là không còn phù hợp. Trên thực tế, cái nền tảng ấy không có chỗ áp dụng. Tuyển dụng cán bộ, viên chức không có tiêu chí ưu tiên cho người xuất thân từ công nhân hoặc nông dân, người ta chỉ ưu tiên cho người thông thạo ngoại ngữ, tin học hoặc có kinh nghiệm trong nghề. Vậy, nêu cái nền tảng ấy để làm gì, gây cho bao nhiêu người ở các từng lớp khác cảm thấy sự thiếu bình đẳng.

2. Điều 29, Khoản 2, Dự thảo viết: Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân. Tôi cho rằng, cần thay thế đoạn “công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” bằng quy định “Cơ quan nhà nước có trách nhiệm tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của công dân và phải phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” để nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tiếp nhận, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, đồng thời nâng cao vị thế của nhân dân trong việc tham gia vào các hoạt động quản lý xã hội và kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.

3. Chương VIII, nói về Tòa án nhân dân và Viện Kiển sát nhân dân, Điều 108 nhập các điều 129,130, 131 132, 133 thành 7 khoản của điều 108 là chưa phù hợp. Điều 132 Hiến pháp 1992 quy định quyền bào chữa của bị can, bị cáo và tổ chức luật sư. Dự thảo lần này bỏ điều 132 thay bằng khoản 7 là xem nhẹ quyền này của công dân. Quyền bào chữa của bị can bị cáo và tổ chức luật sư là thể hiện đặc trưng của nền dân chủ pháp quyền. Chính vì thế, ngày 10/10/ 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 46 về tổ chức luật sư. Thực tế hiện nay, đã có Luật Luật sư. Vì thế, cần quy định quyền này trong một điều luật riêng mới phù hợp.

Tại Điều 110 và Điều 113 dự thảo Hiến pháp sửa đổi cũng quy định Chánh án, Viện trưởng chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân. Vậy, ở những nơi tổ chức Tòa án, Viện kiểm sát theo khu vực thì chịu trách nhiệm và báo cáo trước HĐND nơi nào? Thiết nghĩ nên để cho Tòa án và Viện kiểm sát chịu trách nhiệm và báo cáo với cấp trên của mình, không bị ràng buộc vào chính quyền địa phương mới thực hiện nguyên tắc “độc lập chỉ tuân theo pháp luật”.

Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội