Vô hiệu?
Nội dung văn bản có chữ ký của Trịnh Công Sơn đề ngày 22/5/2000, viết tại TPHCM: “Tôi là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đồng ý cho Khánh Ly sử dụng những bài hát của tôi. Tiền tác quyền là: 5.000 USD”.
Văn bản viết tay này có giá trị hay không? Luật sư Trần Anh Dũng (Cty Luật Yulchon) lí giải: “Thủ bút này lập năm 2000 nên phải căn cứ theo quy định pháp luật tại thời điểm lập. Theo Điều 768 Bộ luật Dân sự 1995, thì hợp đồng sử dụng tác phẩm phải có những nội dung chủ yếu, trong khi đó văn bản viết tay của Trịnh Công Sơn lại không có những nội dung chủ yếu này”.
Đó là: Hình thức sử dụng tác phẩm; phạm vi, thời hạn sử dụng tác phẩm; mức nhuận bút hoặc thù lao và phương thức thanh toán; trách nhiệm của mỗi bên khi vi phạm hợp đồng; các nội dung khác do các bên thỏa thuận.
Ngoài ra, theo Điều 15 khoản 1 Nghị định 76/CP 1996 về Quyền tác giả: Hợp đồng sử dụng tác phẩm phải được ký kết phù hợp với các quy định tại các Điều 767, 768 của Bộ luật và phải theo mẫu hợp đồng sử dụng tác phẩm do Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành.
“Nghĩa là về mặt pháp lý, thời điểm năm 2000, thủ bút của Trịnh Công Sơn không quy định đầy đủ nội dung cần thiết và không được lập theo hình thức bắt buộc. Nó không đáp ứng điều kiện về nội dung và hình thức để có hiệu lực pháp lý như một hợp đồng sử dụng tác phẩm vào thời điểm đó. Vì vậy, thủ bút này không có giá trị pháp lý”, luật sư Dũng nói.
Luật sư Trần Anh Dũng |
Được biết, trong cuộc làm việc với Thanh tra Bộ, thủ bút này cũng được nhắc đến, nhưng thanh tra nói rằng đây là việc của gia đình Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly. Trường hợp ca sĩ đưa ra tòa thì sao? “Theo tôi, nhiều khả năng tòa sẽ tuyên giao dịch vô hiệu và xử lý giao dịch vô hiệu theo quy định Bộ luật Dân sự”, ông Dũng nói.
Theo Điều 146 Bộ luật Dân sự 1995: Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên từ thời điểm xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu, thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật, thì phải hoàn trả bằng tiền. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.
“Theo đó, Khánh Ly có quyền yêu cầu hoàn lại khoản 5.000 USD nếu chứng minh được mình đã trả cho Trịnh Công Sơn và gia đình Trịnh Công Sơn được quyền truy thu số tiền tác quyền trước đây mà Khánh Ly chưa thanh toán”, luật sư Dũng nói thêm.
Đồng Dao vẫn trả tiền
Sau khi xuất hiện thủ bút Trịnh Công Sơn, nhạc sỹ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc phản ứng trên báo chí, cho rằng đây là lí do đơn vị tổ chức đưa ra để không thực hiện tác quyền. Trong thỏa thuận chiều 27/8 tại Bộ VH-TT&DL, công ty Đồng Dao đồng ý trả tác quyền hai đêm diễn của Khánh Ly tại Hà Nội, Đà Nẵng là 250 triệu đồng (chưa gồm thuế).
“Ông Phương nói như thế hơi kỳ. Hôm qua thống nhất rồi, chúng tôi xác định vẫn thực hiện đúng hợp đồng. Chưa ai lấy cái giấy này ra để tránh thực hiện tác quyền”, ông Nguyễn Ngọc Sơn, đại diện pháp lý của Đồng Dao cho biết.
Thời điểm công bố này dễ khiến dư luận nghĩ theo chiều hướng đó? “Đây là ca sĩ Khánh Ly công bố, không phải BTC”, ông Sơn đáp. Vậy vì lí do nào khác? “Tôi cho rằng, đưa văn bản đó ra chẳng qua để bác lại khẳng định, luồng tin nói Trịnh Công Sơn không để lại thủ bút cho Khánh Ly là không chính xác. Ban tổ chức khẳng định, vẫn thực hiện trả tác quyền theo đúng hợp đồng thỏa thuận hôm 27/8, thời hạn trong vòng một tuần”, ông Sơn nói thêm.