Lùi dự án đường sắt cao tốc đến năm 2020?

Sau khi các ĐBQH thảo luận tại tổ, QH đã dành nguyên ngày hôm qua - 8/6 để thảo luận ở hội trường về “siêu” dự án này.

Dự  án đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà  Nội – TP.HCM là dự  án lớn, hội tụ nhiều mối quan hệ về kinh tế, tài chính, xã hội, văn hóa, an ninh và quốc phòng. Chính vì thế, sau khi các ĐBQH thảo luận tại tổ, QH đã dành nguyên ngày hôm qua - 8/6 để thảo luận ở hội trường về “siêu” dự án này.

Dự án đường sắt cao tốc cần tới 56 tỷ USD đầu tư

Vì lợi ích quốc gia
Từng cảm thấy “tự ái” khi một người ngoại quốc nhận xét đường sắt của Việt Nam lạc hậu như của châu Âu những năm đầu thế kỷ XIX, ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) tán thành dự án với quan điểm: “Tôi hiểu chúng ta phải có trách nhiệm về vấn đề này một cách nghiêm túc, cũng không xuất phát từ quan điểm cá nhân hay một nhóm lợi ích, tôi nghĩ nên bắt đầu từ lợi ích quốc gia”.

Còn ĐB Lương Phan Cừ (Đắk Nông) đầy hào hứng cho rằng, đường sắt cao tốc đánh thức “những công chúa ngủ trong rừng, những nàng tiên” trong tiềm năng phát triển du lịch biển miền Trung.

Đồng quan điểm nên ĐB Trần Tiến Cảnh (Hà Nam) cho rằng, “đây là giấc mơ đẹp của người dân cả nước, là cơ hội thay đổi cả bộ mặt nền kinh tế, “không thông qua là… IQ thấp”.

Hỏi …tiền đâu?
Phản bác lại sự lạc quan của ĐB Cảnh, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) bảy tỏ sự hồi hộp: “Xem câu đầu tiên mà “nàng tiên” lúc mở mắt ra nói gì. Chắc là sẽ hỏi: Anh ơi, tiền đâu? Như thế rất nguy hiểm”. Thừa nhận “chỉ số IQ hơi thấp”, ĐB Thuyết tuyên bố, “không tán thành dự án này”.

Mặc dù Chính phủ đã có báo cáo giải trình bổ sung về dự án đường sắt cao tốc nhưng nhiều ĐB có ý kiến băn khoăn vì “đây là dự án rất lớn phải tốn nhiều tiền của, chủ yếu đi vay nước ngoài, nếu không tính toán kỹ thì con cháu mai sau sẽ nai lưng ra để trả nợ”…

Các ĐBQH cảm thấy dự án đường sắt cao tốc “sẽ rủi ro cho đất nước” khi Việt Nam còn phụ thuộc vào nước ngoài cả về vốn và chuyên gia, lại chưa có công nghiệp phục vụ các đường sắt cao tốc.

Có thể trả được nợ
Với nguồn vốn đầu tư cho dự án này lại là khoản kinh phí khổng lồ (đến 56 tỷ USD), chiếm đến 2/3 GDP trong khi tỷ lệ nợ công đã lên tới 42% GDP - tiệm cận sát đến ngưỡng an toàn nhưng “thời gian đầu tư dài, thu hồi vốn lại kéo dài đến 45 năm thì hiệu quả kinh tế là quá thấp”, ĐB Trần Ngọc Vinh  (TP Hải Phòng) bày tỏ lo ngại : “Trong khi chúng ta đang triển khai một loạt các dự án lớn như thủy điện, điện hạt nhân, chủ yếu bằng nguồn vốn đi vay, bây giờ thêm dự án này liệu ngân sách có gánh vác nổi không?”.

Nhưng không quá lo lắng về tiềm lực, vốn đầu tư cho dự án như nhiều ĐB khác, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh phân tích, tổng vốn lên tới 56 tỷ USD nhưng không phải chi ra liền lúc mà phân kỳ đầu tư tới 30 năm.

Hơn nữa “chỉ sợ không có nguồn vay được để làm, còn có người cho vay thì quá tốt; để trả nợ, Việt Nam còn gạo, còn bôxít, còn đường…” - ông Thanh khẳng định.

Lùi dự án đến năm 2020?
Bên cạnh đó, nhiều ĐB còn thấy “bất an” khi đến nay trên thế giới chỉ có 11 nước có đường sắt cao tốc, đặc biệt là một số nước phát triển như G7 cũng chưa xây dựng đường sắt cao tốc.

Không những thế, dự án còn ảnh hưởng đến đời sống của 16.529 hộ  gia đình phải di cư, tái định cư, trong đó trên 9.480 hộ bị mất đất sản xuất, tổng số chi phí giải phóng mặt bằng trên 30 ngàn tỷ đồng nếu được triển khai, sẽ gây ra hậu quả xã hội không nhỏ.

Từ góc độ khác, ĐB Nguyễn Minh Thuyết chỉ ra mâu thuẫn, dự án xây dựng trên những con số ước đoán rất xa thực tế. Ông cho rằng “tính hiệu quả kinh tế của nó (dự án đường sắt – PV) thấp” và đánh giá phương án trong Tờ trình của Chính phủ về khai thác quỹ đất quanh khu ga, khai thác các dịch vụ ngoài vận tải để tăng tỷ lệ nội hoàn tài chính từ 2,4% hoặc 3%, tức là thấp hơn mức gửi tiết kiệm lên 8,3% là “một bài toán tính quẩn”.

Do vậy, ĐB Sùng Thị Chư  (Yên Bái) nhận thấy, việc đầu tư đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.HCM là cần thiết nhưng chưa phải là cấp thiết trong thời điểm này nên “đề nghị tại kỳ họp này và cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII chưa nên quyết định chủ trương đầu tư dự án này”.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận (ĐB Quảng Nam) chia sẻ, qua kinh nghiệm bản thân thì chưa thể làm đường sắt cao tốc trong điều kiện hiện tại. “Không ai cấm ta mơ ước nhưng phải xét tiềm lực kinh tế và năng lực điều hành”.

Vì vậy, đề nghị nên lùi dự án đến 2020 khi đất nước có điều kiện hơn, và có thể coi ý tưởng về dự án đường sắt cao tốc “như của để dành, của thừa kế cho con cháu”./.

Nhóm PV

Đọc thêm