Sau hơn một năm kể từ khi Bộ Xây dựng hướng dẫn việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ dự án nhà ở thương mại và chuyển đổi sang nhà ở xã hội theo Thông tư số 02/2013/TT-BXD, có hiệu lực thi hành từ cuối tháng 4/2013, đến hết quý 1/2014, chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đã tiến hành xem xét, thẩm định 18 dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với tổng số căn hộ dự kiến chuyển đổi khoảng 4.990 căn thành 11.292 căn.
9 dự án đã được chấp thuận chủ trương cho phép chuyển đổi, nhưng đến nay mới chỉ ban hành được 4 quyết định cho phép chuyển đổi nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội.
Đối với dự án xin điều chỉnh cơ cấu căn hộ, UBND đã tiến hành xem xét, thẩm định 45 dự án với số lượng căn hộ thương mại điều chỉnh từ 20.656 căn hộ thành 28.312 căn hộ (tăng 7.656 căn). Đến nay, đã chấp thuận chủ trương cho phép điều chỉnh 33 dự án, trong đó 7 dự án đã có quyết định cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ.
Không loại trừ việc đẩy giá nhà lên để “gỡ gạc”
Có nhiều nguyên nhân khiến việc chuyển đổi dự án sang nhà ở xã hội còn “lẹt đẹt”. Ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, qua tiếp nhận và xem xét hồ sơ cho thấy, nhiều dự án xin chuyển đổi còn thiếu hồ sơ liên quan.
“Tuy Thông tư 02 không yêu cầu phải phê duyệt lại Quy hoạch 1/500 nếu dự án xin chuyển đổi không làm tăng diện tích xây dựng nhưng vẫn yêu cầu phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội. Theo đó, việc tăng số lượng căn hộ sẽ làm tăng nhu cầu về hạ tầng kỹ thuật của dự án… Các hạ tầng xã hội khác… cũng phải được điều chỉnh theo tiêu chuẩn này” - ông Đạm nói.
Một chủ đầu tư dự án đang làm hồ sơ xin chuyển đổi tiết lộ, dù dự án nhà ở xã hội nhận được nhiều ưu đãi nhưng cũng lại bị ràng buộc điều kiện là doanh nghiệp chỉ được hưởng lợi nhuận không quá 10%. “Không loại trừ có hiện tượng giá bán nhà ở xã hội được các chủ đầu tư đẩy lên cao hơn để được hưởng mức lợi nhuận cao hơn, thậm chí giá nhà xã hội còn cao hơn nhà thương mại” - vị này nói.
“Có dự án, dù hồ sơ đã được phê duyệt đầy đủ từ cuối năm 2013 nhưng xin được lùi thời hạn ra quyết định phê duyệt sang đầu năm nay để được hưởng ưu đãi mới theo Nghị định 188/2013/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội”. Có điều này là do theo quy định mới thì chủ đầu tư được để lại 20% số căn hộ trong dự án nhà ở xã hội để bán theo giá nhà ở thương mại, nên chủ đầu tư mới xin nán lại để “gỡ gạc” thêm chút lãi.
Có chỗ ở hay sở hữu nhà?
Đấy là vấn đề được các Đại biểu Quốc hội một lần nữa đặt ra khi thảo luận về Luật Nhà ở (sửa đổi). Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, Hiến pháp quy định mọi người có quyền có nhà ở là một tiến bộ, nhưng có nên theo hướng tạo lập chính sách để mọi người sở hữu nhà ở không, hay tập trung chính sách của Nhà nước làm sao để mọi người có chỗ ở chứ không phải sở hữu nhà ở. “Nếu đồng thuận với quan điểm này thì nhà ở xã hội phải tính khác, không thể một người lương không đủ sống nhưng cứ phải đeo đuổi mua nhà – ông Lịch nói – Do đó, Nhà nước tạo điều kiện tạo lập quỹ nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá rẻ cho các đối tượng, chưa cần khuyến khích sở hữu nhà ở”.
Đây là quan điểm được nhiều Đại biểu Quốc hội ủng hộ. “Mục tiêu chính của Luật Nhà ở (sửa đổi) là tạo ra chính sách để xây thật nhiều nhà cho dân, đồng thời ủng hộ quan điểm chú trọng chính sách để mọi người có chỗ ở chứ không phải sở hữu nhà ở” - Đại biểu Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM nhận định.