Lương Sơn (Hòa Bình): Một dự án bị biến tướng?

(PLO) - Lúc đầu xin mở trường dạy nghề, sau đó chuyển thành Dự án Xây dựng Nhà máy Sản xuất lắp ráp thiết bị điện, nhưng sau 4 năm được UBND tỉnh Hòa bình phê duyệt vẫn không giải phóng được mặt bằng, đơn vị quản lý đất có nhiều sai sót; dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định về môi trường...

“Cố đấm ăn xôi”
Năm 2008, Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng và Chuyển giao công nghệ Sông Hồng (Cty Sông Hồng) xin tỉnh Hòa Bình đầu tư xây dựng Trường Dạy nghề Lương Sơn tại thôn Tân Sơn, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn (đây là phần đất Cty TNHH Một thành viên Cửu Long giao cho các hộ nhận khoán trong thời hạn 30 năm), nhưng không được chấp thuận.
Đến năm 2009, Cty Sông Hồng xin điều chỉnh Dự án Dạy nghề sang “Dự án Xây dựng Nhà máy Sản xuất lắp ráp thiết bị điện”. Một năm sau, dự án mới được UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận, nhưng “chủ đầu tư” lúc này lại là Cty Cổ phần Sản xuất đầu tư thương mại Thiên Phúc (Cty Thiên Phúc).  Dự án có quy mô 6,95ha, vốn đầu tư 119 tỷ đồng với công suất 123 triệu sản phẩm/năm và có thể điều chỉnh tăng 20% công suất theo yêu cầu. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đã không thực hiện được. Mặc dù UBND tỉnh Hòa Bình đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư (điều chỉnh ngày 8/4/2013) yêu cầu phải đưa nhà máy đi vào hoạt động từ tháng 12/2014, nhưng năm 2014 đã hết, công tác GPMB vẫn dậm chân tại chỗ khiến người dân nghi ngờ vào khả năng của chủ đầu tư.
Một số người dân xã Hòa Sơn cho biết: “Nếu đây là dự án an ninh quốc phòng hay công trình phúc lợi xã hội, chúng tôi sẵn sàng bàn giao mặt bằng. Nhưng dự án Trường Dạy nghề Lương Sơn không được chấp thuận, họ lại vẽ ra Nhà máy Sản xuất lắp ráp thiết bị điện. Và thật khó hiểu là tại sao họ lại không đưa nhà máy vào Khu công nghiệp Lương Sơn chỉ cách đó 2 km? Ở đó hạ tầng đồng bộ, đặc biệt công tác môi trường rất tốt và tỉnh Hòa Bình còn những 8 khu công nghiệp, khu nào cũng đang còn dư mặt bằng. Mục đích họ lấy đất ở đây để rồi sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng làm việc khác…vì đây là địa điểm đẹp. Đó là lý do mà họ phải giữ bằng được”.
Vi phạm an toàn lưới điện và môi trường
Dự án nằm liền kề Trường Đại học Lâm nghiệp, khu dân cư và nằm dưới 3 đường dây điện cao áp đi qua (220kV, 35kV và 22kV), trong khi quy mô nhà máy với công suất lớn nếu đặt dưới lưới điện, nguy cơ cháy nổ là điều khó tránh khỏi.
Trong báo cáo gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này không hiểu sao lại cho rằng, theo dự án do nhà đầu tư đăng ký, việc sản xuất thiết bị điện chủ yếu là gia công từ những phôi nhựa sẵn có nên mức độ tác động môi trường không lớn, quá trình lập quy hoạch chi tiết xây dựng đã có dự kiến phương án bảo vệ môi trường, xử lý chất thải rắn, cấp thoát nước? 
Tuy nhiên, sự thật không phải vậy vì theo hồ sơ dự án của nhà máy thì phần đầu tư thiết bị có 25 máy ép phun, ép đùn và hơn chục loại máy cơ khí khác cùng với 40 khuôn ép sản phẩm... Thế nhưng lại không hề có một đề án báo cáo tác động môi trường cụ thể, chi tiết nào theo quy định.
Bên cạnh đó, trong giới thiệu về nhà máy có nêu: Nguyên tắc quy hoạch hệ thống nước thải được dẫn riêng, độc lập với hệ thống thoát nước mưa. Nước thải từ các khu nhà nghỉ công nhân, nhà ăn, các khu vệ sinh công cộng, các công trình trong khu vực được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại trước khi thoát vào các tuyến ống chính của khu vực; trạm xử lý nước thải tập trung sử dụng công nghệ xử lý nước thải hiện đại, khép kín đảm bảo vệ sinh môi trường…
Đề án về tác động môi trường được nêu chung chung, thế nhưng tại Văn bản số 06/HĐBT-NV2 ngày 22/1/2013, Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và tái định cư chuyên trách của huyện Lương Sơn lại khẳng định:“Với phương án quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500, Dự án Nhà máy Sản xuất lắp ráp thiết bị điện đã đưa ra tất cả các giả thiết về sự ảnh hưởng đến môi trường của đồ án và đưa ra giải pháp thu gom, xử lý hệ thống nước thải, chất thải rắn của khu vực... Nhà máy sử dụng công nghệ cao, không gây ảnh hưởng đến môi trường xanh, sạch đẹp với môi trường không gian sản xuất...”? Phần trả lời về tác động đến môi trường này không thuộc thẩm quyền và chức năng của Hội đồng Bồi thường hỗ trợ tái định cư huyện Lương Sơn. Câu trả lời phải là của Sở Khoa học và Công nghệ Hòa Bình.
Các hộ dân cho biết, họ được Ban GPMB, chủ Dự án yêu cầu làm đơn để được bố trí tái định cư tại chỗ, nhưng đất ở đâu ra để tái định cư khi toàn bộ mặt bằng đã được thiết kế chi tiết? Lẽ nào lại phải điều chỉnh lại thiết kế dự án? Chưa hề có phương án tái định cư cho các hộ dân nhưng vẫn thông báo cưỡng chế mặt bằng?
Những bất cập và dấu hiệu không bình thường trên đây xin chuyển về UBND tỉnh Hòa Bình để sớm được làm rõ. 
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com


Đọc thêm