“Mầm độc” trong những cuộc livestream bán hàng

(PLVN) - Livestream bán hàng đang trở thành một “trào lưu” của giới kinh doanh online. Nhờ chiêu trò, không ít người đã trở thành “người nổi tiếng”, thậm chí thành “sao”, xuất hiện trên sóng truyền hình, có cả lượng fan hâm mộ rầm rộ. 
“Hot girl” Minh Hiếu nổi tiếng với phong cách đeo vàng đầy người

Vừa bán hàng, vừa đấu khẩu

Mới đây, cư dân mạng chứng kiến cuộc đấu khẩu rầm rộ của hai “hot girl chuyển giới” nổi tiếng trong giới bán hàng online là Minh Hiếu và Trần Đoàn. 

Xuất phát từ việc Trần Đoàn trong một buổi livestream bán hàng online đã buông những lời lẽ “đá xéo” ngụ ý chê Minh Hiếu quê mùa, mới nổi mà muốn “làm mẹ người khác”, lại còn phóng đại doanh thu...

Nổi giận, Minh Hiếu cũng đã livestream buông lời công kích gay gắt về phía Trần Đoàn. Từ đó cuộc khẩu chiến nổ ra xoay quanh hai “hot girl” này và fan hâm mộ của họ. Fan của Trần Đoàn livestream mắng mỏ Minh Hiếu. Minh Hiếu đăng đàn live stream mắng mỏ lại fan Trần Đoàn. Hai bên fan đấu khẩu nhau kịch liệt từ Youtube đến Facebook thông qua livestream, chế ảnh, bình luận, cắt ghép clip...

Thực ra, cả Minh Hiếu và Trần Đoàn đều là những người chuyển giới, về nhan sắc có lẽ khó mà đạt chuẩn “hot girl”. Minh Hiếu là một phụ nữ chuyển giới tuổi trung niên, nổi tiếng nhờ cách nói chuyện vui vẻ, hài hước trong các clip livestream của mình và nhiều chiêu trò khác: Khoe đất, khoe kinh doanh, đeo vàng đầy người... khiến khán giả lẫn người mua hàng thấy thú vị, mới mẻ. Còn Trần Đoàn nổi danh với cách ăn mặc gợi cảm, cách ăn nói “xắt xéo” thường thấy ở nhiều người đẹp thuộc “thế giới thứ ba”. 

Ngoài Minh Hiếu và Trần Đoàn, mạng xã hội còn nổi lên không ít hiện tượng livestream bán hàng online nổi tiếng, có lượng fan hâm mộ rầm rộ. Như Lê Dương Bảo Lâm, Ngân 98, Miki, Trần My... Nếu như showbiz vẫn phổ biến chuyện “sao” dùng danh tiếng đi livestream bán hàng online thì ngược lại, nhiều người bán hàng online cũng “một bước thành sao”.

 Lê Dương Bảo Lâm trong 1 clip livestream bán hàng online

Những người này không chỉ có tiếng trong giới bán hàng online mà tên tuổi còn lan rộng ra cộng đồng, nhiều người đóng phim, làm mẫu ảnh, tham gia game show... Như “hot girl” Minh Hiếu còn được nhiều người nổi tiếng khác mời tham gia chương trình, tham gia talk show... Thi thoảng, họ họp fan rầm rộ và khiến dư luận ngạc nhiên vì lượng fan đông đúc.

Bất chấp văn hóa, thể diện 

Mới đây, một “hot girl” bán hàng online đã tiết lộ doanh thu hàng tỉ đồng một tháng nhờ livestream bán hàng khiến nhiều người giật mình. Thực tế, nếu biết thu hút khách, doanh thu và lợi nhuận từ livestream bán hàng online là không nhỏ. Cạnh đó, còn có khả năng nổi tiếng, thành “sao” như một số trường hợp nói trên. Thế nên, hiện ngày càng nhiều cá nhân tham gia vào cộng đồng những người livestream bán hàng online.

Tuy nhiên, vì mong muốn nổi tiếng, chạy theo doanh thu, không ít cá nhân bán hàng online đã dùng nhiều chiêu trò phản cảm nhằm thu hút người xem. 

Lê Dương Bảo Lâm thời gian trước vướng nghi án vì muốn tăng độ nổi tiếng đã thuê ekip giả làm cướp tự hành hung mình. Ngân 98 vì muốn đông khách mua túi mà ở mỗi buổi livestream bán hàng ăn mặc hết sức hở hang, “mặc như không”, đồng thời cùng với bạn trai là nhạc sĩ Lương Bằng Quang thực hiện những hành vi cực kì phản cảm trước máy quay. 

Hay như “hot girl” Trần My nổi danh với thói quen livestream chửi khách hàng sa sả bằng những ngôn từ thiếu văn hóa... Hoặc cuộc “đấu khẩu” rầm rộ của hai “hot girl” chuyển giới Minh Hiếu và Trần Đoàn cũng bị cho là cố ý tạo chiêu trò để cùng nổi tiếng. Năm 2019, hai “hot girl” livestream bán hàng online ở Huế chửi khách thô tục đã bị Sở Thông tin và Truyền thông mời lên làm việc.

Không ít người bán hàng online qua livestream vì cần khách mà bất chấp thể diện, danh dự, bất chấp thủ đoạn. Có người vừa bán hàng vừa... chửi tục, càng chửi càng nhiều khách. Có “hot girl” cực kì thích “cởi” trước ống kính. Lại có cả những người không ngại làm mình xấu xí, luộm thuộm đến phản cảm để gây chú ý.

Vài người bán kem trộn còn sẵn sàng cởi đồ, ngồi trong thau kem trộn xoa khắp người để “làm mẫu” cho khách. Cách đây không lâu, một phụ nữ bán kem trộn đã làm các bà mẹ bỉm sữa nổi giận vì lấy đứa con mình mới chưa đầy 1 tuổi ra thử sản phẩm để chứng minh “sản phẩm vô hại”.

Bán hàng qua livestream là một hình thức mới, quả thật giúp người bán thay đổi cách tiếp cận khách hàng. Nó hoàn toàn là phương thức kinh doanh lành mạnh, nếu như người bán sử dụng một cách chân chính. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, nhiều người bán đã dùng chiêu trò bất chấp, khiến việc livestream bán hàng trở nên bát nháo, thậm chí gieo rắc nhiều “mầm độc”, lệch lạc, thiếu văn hóa cho người xem, người mua. Những hành vi này rất cần được chấn chỉnh nghiêm. 

Đọc thêm