Mạnh tay loại bỏ “tin đồn hại người”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Dường như tin đồn đã trở thành một phần không thể thiếu trên mạng xã hội. Có những tin đồn kiểu “vô thưởng vô phạt”, nhưng cũng có không ít tin đồn tiêu cực, ác ý, gây ảnh hưởng đến cả một lĩnh vực, một tổ chức hoặc một cá nhân nào đó.
Hình minh họa
Hình minh họa

Một trường hợp mới đây đang ồn ào trên mạng xã hội là “tin đồn” một nữ ca sĩ 9X “cặp kè” với một đại gia ngành dược U60 đã có vợ con. Ngoài ảnh hưởng bởi tính thật giả trong câu chuyện ngoại tình, gia đình “nạn nhân” của tin đồn còn phải đối mặt với sức ép của dư luận và sự rối loạn của tin đồn gây ảnh hưởng đến danh dự, đời sống riêng của họ.

Thời gian qua, có hàng loạt tin đồn được tung ra với hình thức tương tự như trên. Ban đầu sẽ là những thông tin úp mở, những hình ảnh giấu mặt về một nhân vật nào đó, đang là trung tâm của những tin đồn không mấy hay ho. Tiếp đó, mũi dùi nghi vấn sẽ hướng về một số cá nhân cụ thể. Sức mạnh của tin đồn cùng với sự phản ứng của dư luận khiến không ít “nạn nhân” của tin đồn phải ra sức thanh minh sự vô tội của chính mình. Nhiều tin đồn được ngã ngũ, nhưng có không ít tin đồn được tung ra theo kiểu “đánh đòn gió”, khiến không ít người bị vạ lây, tin đồn đeo bám họ nhiều tháng, nhiều năm sau đó mà không có cách nào nói rõ được.

Tung tin đồn cũng là cách thức mà nhiều người dùng để tấn công đối thủ, hãm hại những người mình không ưa thích. Một nữ đại gia trong những cuộc đăng đàn livestream đã có cách tung tin đồn vô cùng hiệu quả, dưới dạng “nằm mơ”. Với những câu chuyện “trong mơ”, nữ đại gia nói trên đã kể nhiều câu chuyện không hay, tung ra những thông tin không được kiểm chứng về hàng loạt nhân vật trong showbiz Việt, khiến nhiều người phải khổ sở vì bị dư luận công kích, khán giả quay lưng.

Trung Quốc là một trong những quốc gia có những động thái mạnh tay trong việc ngăn chặn tin đồn, tin giả trên mạng. Tính từ đầu năm 2022 tới nay, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã rà soát 879.000 mẩu thông tin độc hại, xử phạt 41.000 tài khoản bất hợp pháp. Mới đây, CAC cho biết sẽ lập ra cơ chế truy tìm nguồn gốc của những tin đồn trên mạng xã hội. Theo đó, các nền tảng trực tuyến phải chịu trách nhiệm cho tính xác thực của bài đăng. Hơn thế, người dùng sẽ bị cấm đăng ký tài khoản mới, xử phạt theo mức độ vi phạm khi có hành vi tung tin thất thiệt.

Có thể nói, tin đồn trên mạng không chỉ xúc phạm nhân phẩm, quyền riêng tư của cá nhân mà còn ảnh hưởng tới trật tự xã hội, làm ảnh hưởng đến tinh thần thượng tôn pháp luật. Theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức; danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng với tổ chức, trường hợp cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2.

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt từ 3 tháng đến 2 năm tù. Nếu hành vi bịa đặt hoặc lan truyền những điều sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự trên mạng xã hội thì có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm theo khoản 2 Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015.

Chế tài đã có và quả thực thời gian qua đã có nhiều cá nhân bị xử lý vì tung tin đồn trên mạng. Tuy nhiên, con số bị xử lý còn quá nhỏ so với lực lượng “anh hùng bàn phím” chuyên tung tin đồn nhảm nhí, bịa đặt xúc phạm danh dự tổ chức, cá nhân. Cần có hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn, cũng cần có xử ra tay quyết liệt, rốt ráo hơn của cơ quan chức năng, để hạn chế tối đa những kẻ dùng bàn phím để hủy hoại danh dự, nhân phẩm người khác, gây rối ren xã hội.

Đọc thêm