“Hợp đồng miệng” vì là bà con
Bà Võ Thị Kim Hậu (sinh năm 1972), ngụ tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ đến Báo Pháp Luật Việt Nam nhờ giúp đỡ đòi tiền công giúp việc nhà 2 năm liền bị chủ quỵt. Bà Hậu trình bày, vào tháng 4/2012, bà Lê Thị Dưỡng (sinh năm 1967), ngụ tại quận Bình Thuỷ (có quan hệ con cô con cậu) về quê dự đám giỗ, gặp bà và đặt vấn đề yêu cầu lên giúp việc nhà.
Do là họ hàng gần nên hai bên thoả thuận bằng miệng với nhau. Theo đó, mỗi tháng bà Dưỡng trả cho bà Hậu 2 triệu đồng tiền công giúp việc nhà và không làm hợp đồng cũng như không bàn đến thời gian chấm dứt công việc.
Sau đó không lâu bà Hậu lên nhà bà Dưỡng ở, hàng ngày làm các công việc như quét dọn nhà, nấu ăn, rửa chén bát, lau nhà, giặt quần áo, chặt củi, nấu tấm cho cá ăn và vớt bèo nuôi cá tai tượng, khuyên nhủ con bà Dưỡng học hành…
Tháng làm việc đầu tiên, bà Hậu được bà Dưỡng trả 2 triệu đồng tiền công đúng như thoả thuận. Đến tháng thứ hai, bà Dưỡng nói với và Hậu: “Tôi thấy tiền công chị không dùng tới để tui cất giùm cho, khi nào nghỉ việc thì cũng có ít vốn mà làm ăn”. Nghe bà Dưỡng nói có lý nên bà Hậu yên tâm gửi tiền cho bà Dưỡng giữ giùm.
Làm việc được một thời gian thì chồng bà Dưỡng có hành vi “không đúng mực, thậm chí dâm ô” đối với bà, nên bà xin nghỉ việc thì bà Dưỡng không đồng ý. Đến hết tháng 4/2015, bà Hậu buộc phải nghỉ vì không chấp nhận được hành vi của chồng bà Dưỡng thì bà Dưỡng không chịu trả tiền lương hai năm làm việc nhà cho bà (từ tháng 5/2012 – 4/2014,) nên bà Hậu làm đơn kiện bà Dưỡng ra TAND quận Bình Thủy.
Bài học khi giao dịch “miệng”!
Tại tòa, bà Dưỡng cho biết, bà có thuê bà Hậu đến nhà để giúp việc và chăm sóc con gái với mức lương 1.500.000đ/tháng và cho thêm 500 nghìn đồng để phụ làm mồ mả ông bà. Sau đó bà Hậu về quê một thời gian thì xin đến nhà bà ở để trị bệnh bằng thuốc nam, trong khoảng thời gian này, bà Dưỡng có dẫn dắt cho bà Hậu nhận kèm giữ trẻ tại nhà và bán căng tin trường học, mỗi ngày hai tiếng từ 5 đến 7 giờ sáng, tiền công bà Dưỡng chơi hụi giùm bà Hậu.
Theo bà Dưỡng, việc bà Hậu đến ở nhờ nhà bà để trị bệnh thì “có cơm cùng ăn, có việc cùng làm”. Bà Hậu giúp vợ chồng bà chặt củi, giặt áo quần, dọn nhà, nấu ăn… là trách nhiệm.
Tại tòa, bà Hậu không có người làm chứng cũng như không có bất cứ giấy tờ gì có liên quan đến việc bà đi làm công. Phía bà Dưỡng cũng không cung cấp giấy tờ hay người làm chứng về việc bà Hậu ở nhà bà trị bệnh.
Trước diễn biến sự việc như vậy, nên căn cứ vào quy định pháp luật, TAND quận Bình Thuỷ, buộc vợ chồng bà Dưỡng hoàn trả lại số tiền bà Hậu gửi chơi hụi và bác yêu cầu của của Hậu về việc đòi bà Dưỡng tiền công giúp việc vì không có cơ sở để xử lý.
Tiếp xúc với phóng viên PLVN, bà Hậu ấm ức trong nước mắt, cho rằng do mình dốt và tin tưởng người thân nên đã nghèo lại bị mất trắng tiền công làm lụng suốt mấy năm trời.
Về tranh chấp trên, Luật sư Võ Thanh Tĩnh, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ khuyến cáo, cho dù các bên có quan hệ thân thuộc hay bà con gần gũi thế nào chăng nữa thì khi xác lập quan hệ dân sự, hai bên cần phải có hợp đồng, thoả thuận rõ ràng để tránh xảy ra tranh chấp.
Đối với các trường hợp như trên, pháp luật đã quy định rất rõ và chặt chẽ, nếu các đương sự không cung cấp được chứng cứ xác thực để bảo vệ yêu cầu của mình thì Toà cũng không thể bênh vực cho họ được. Như trong trường hợp này, nếu bà Hậu thật sự được thuê đi làm công sẽ không bị thiệt thòi, còn nếu như vợ chồng bà Dưỡng thật sự có lòng tốt cho bà Hậu ở nhờ cũng sẽ không bị “làm ơn mắc oán”, mang tiếng với thế gian.