Mất người yêu, nam sinh viên còn tù tội vì kiểu phân làn đường 'kỳ cục'?

(PLO) -Đoạn QL1 đi qua địa phận này chỉ có duy nhất hai làn đường. Đơn vị xây dựng đường và cắm biển báo cho rằng người đi bộ có thể đi làn bên phải. Tuy nhiên, Ban An toàn giao thông tỉnh lại cho rằng đoạn đường này người đi bộ không có đường đi, nói cách khác là phải chạy xe, hoặc đi… lên trời. Và vụ tai nạn giao thông xảy ra, người mất mạng, người bị thương, kẻ bị tù và kêu oan. 
Biển báo hướng dẫn làn đường cho các loại xe bắt đầu từ km1730 + 300.

Vụ tai nạn rắc rối

Sự việc xảy ra khi Nguyễn Đào Duy Quỳnh (SN 1996, quê Đồng Tháp, là sinh viên Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn) chở bạn gái Phạm Nguyễn Anh Thư (SN 1997, ngụ quận 4, TP HCM) đi chơi ở Bình Thuận. Quỳnh bị cáo buộc gây tai nạn giao thông dẫn đến cái chết của bạn gái, bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 12 tháng tù treo.

Theo kết luận điều tra, vào khoảng 19h ngày 9/7/2017, Quỳnh chạy xe máy chở người yêu đi trên đường QL1A hướng từ Phan Thiết đến TP HCM đoạn qua thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) tại Km1733+522. Thời điểm này trời đã tối, có mưa nhỏ, đoạn đường có đèn đường. Theo cáo buộc, “Quỳnh chạy xe máy vào làn dành cho xe thô sơ và người đi bộ”.

Do không phát hiện anh Nguyễn Đình Quang (SN 1995) và anh Thái Bình Dương (SN 1997, là bộ đội đóng tại Ban Chỉ huy quân sự huyện Hàm Thuận Nam) đang đi bộ sát mép lề đường nên Quỳnh tông phải. Anh Quang bị té ngã vào taluy đường bị thương nhẹ.

Vẫn theo cáo buộc: “Xe máy của Quỳnh ngã, trượt dài trên làn đường dành cho xe thô sơ và người đi bộ. Chị Thư ngã về bên tay trái hướng lưu thông, một phần đầu thò ra ngoài làn đường dành cho xe cơ giới, Quỳnh ngã vào bên tay phải hướng lưu thông”.

Cùng thời điểm chị Thư ngã, xe khách do anh Võ Quang (SN 1964) chạy tuyến Khánh Hòa - TP HCM điều khiển cùng chiều trờ đến, do bất ngờ nên bánh sau xe khách cán qua khiến chị Thư tử vong tại chỗ.

Quỳnh bị khởi tố, bị truy tố ra tòa về tội “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Quỳnh bị cáo buộc phạm 2 lỗi: Điều khiển xe đi không đúng làn đường quy định; Thiếu chú ý quan sát và không làm chủ được tốc độ.

Tòa án huyện Hàm Thuận Nam đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên buộc Quỳnh 12 tháng tù treo.

Điều đáng nói là hiện trường vụ án đoạn QL1A qua thị trấn Thuận Nam mỗi bên có hai làn xe. Tại Km1730 +300 có dải phân cách cứng, hai làn xe được phân cách nhau bằng vạch vôi nét đứt. Tại đoạn đường này có biển báo hướng dẫn làn đường cho các xe lưu thông. Làn bên trái dành cho xe ô tô, làn bên phải dành cho xe mô tô, xe máy, xe thô sơ. Biển báo không nói đến người đi bộ trên hai làn đường.

Từ Km1730+300 đến Km1733 +522, nơi xảy ra vụ tai nạn, mặc dù vạch vôi phân cách làn đường có sự thay đổi nhưng không có thêm biển báo hướng dẫn làn đường mới.

Tại km1733 +522, mỗi bên đường vẫn có hai làn xe nhưng không có dải phân cách cứng mà được kẻ bằng vạch vôi nét đứt. Phân cách giữa hai làn mỗi bên là vạch vôi nét liền. Làn bên trái rộng 3,5m; làn bên phải rộng 1,9m.

Theo hệ thống vạch đường thì làn bên trái dành cho xe cơ giới, gồm cả xe máy; làn bên phải dành cho xe thô sơ. Xe máy được lấn vạch vôi đi vào làn xe thô sơ khi cần thiết và phải ưu tiên cho xe thô sơ. Hệ thống đường bộ cũng không cho người đi bộ đi lên làn đường dành cho xe thô sơ.

Quỳnh nói rằng do vẫn tuân thủ biển báo hướng dẫn ở Km1730+300 nên cho xe lưu thông vào làn đường bên phải (tức làn dành cho xe thô sơ) như thói quen, không hề hay biết hiệu lệnh của vạch kẻ đường.

Phân làn kiểu kỳ cục

Trong hồ sơ vụ án, cơ quan điều tra cho rằng anh Quang đi bộ sát mép lề phải làn dành cho xe thô sơ. Tuy nhiên, lời khai của anh Quang và anh Dương thì cho thấy anh này đi cách mép lề phải 40cm. Còn biên bản vẽ hiện trường cho thấy xe máy va chạm với anh Quang cách mép lề phải 1,2m. Như vậy, anh Quang có thật sự đi sát mép lề phải hay không?.

Việc cáo buộc Quỳnh không làm chủ tốc độ có khiên cưỡng hay không khi Quỳnh chỉ lưu thông với tốc độ 40km/h. Và trong các biên bản lời khai, Quỳnh khẳng định nhìn rõ đường và không thấy có người phía trước.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông - nơi cơ quan chức năng cáo buộc Quỳnh vi phạm luật giao thông.

Lời khai của anh Quang và anh Dương nói rằng đang lưu thông dưới lề đất thì gặp vũng nước, liền đi lên làn đường nhựa (làn dành cho xe thô sơ) để tránh. Cơ quan điều tra chưa làm rõ việc né vũng nước có đột ngột hay không, có khiến người chạy xe máy không xử lý kịp hay không?

Đối với tài xế ô tô, cơ quan điều tra nói rằng không có lỗi vì chị Thư ngã ra đường bất ngờ. Tuy nhiên, theo Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn Luật sư TP HCM, người bảo vệ quyền lợi cho chị Thư) nói: “Theo hồ sơ, đỉnh đầu chị Thư chỉ ló ra ngoài vạch vôi 30cm. Việc xe ô tô có lấn vạch vôi, vi phạm luật giao thông hay không cũng chưa được làm rõ.

Xe ô tô có lấn vạch vôi hay không phải tính từ mép ngoài cùng của gương chiếu hậu chứ không phải tính từ mép ngoài cùng của bánh xe. Theo tôi được biết, xe khách có gương chiếu hậu lồi ra ngoài, cách bánh xe chừng 30cm. Như vậy, nếu xe hơi đi đúng sẽ không cán lên đầu chị Thư. Để làm rõ nghi vấn trên, công an cần thực nghiệm hiện trường, đo lại cho đúng thực tế”.

Một số người dân sống tại khu vực xảy ra vụ tai nạn cũng phản ứng với kết luận Quỳnh đi sai làn đường. “Người ta không cắm biển báo phân làn. Trước giờ chúng tôi vẫn chạy xe máy vào làn đường mà giờ họ nói là “chỉ dành cho xe thô sơ”.

Còn làn bên trong, xe du lịch, xe tải chạy ầm ầm, ai dám đi ra? Người đi bộ trước giờ không có đường đi, hoặc là đi xuống làn đất, hoặc là đi sát mép, nhưng cũng rất nguy hiểm. Chúng tôi ở đây còn không rõ việc phân làn đường kỳ cục này, nói gì người ở xa tới. Truy tố cháu Quỳnh là không hợp lý”, một người dân có nhà ngay hiện trường vụ án nói.

Muốn đi bộ, phải… đi lên trời

Theo Ban An toàn giao thông Bình Thuận, đoạn đường quốc lộ 1A đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận do Cục Quản lý đường bộ 4 quản lý giám sát kiểm tra việc cắm biển hiệu, kẻ vạch. Cục Quản lý đường bộ lại giao lại cho các công ty đầu tư.

Trả lời PV, Phòng kỹ thuật Chi nhánh BOT 319 Sông Phan thuộc Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng, nơi đầu tư tuyến đường qua Km1733 và 1730, cho biết nhà đầu tư “làm đúng theo hồ sơ thiết kế do các cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Hồ sơ thiết kế cho thấy tại Km1733 + 522 dù có sự thay đổi làn đường nhưng hồ sơ không có biển báo nên nhà đầu tư không cắm.

“Nếu cơ quan thẩm quyền thấy cần có biển báo hướng dẫn làn xe, chúng tôi sẽ xem xét bổ sung. Còn hiện nay, do trong hồ sơ thiết kế không có nên chúng tôi không cắm. Người tham gia giao thông phải nhìn vạch kẻ đường để thực hiện lưu thông”, quan điểm đơn vị này cho rằng tại Km1733 + 522, làn bên phải dành cho xe thô sơ và người đi bộ được đi, vì không còn đường nào khác cho người đi bộ.

Trái ngược quan điểm trên, đại diện Ban An toàn giao thông Bình Thuận cho rằng: “Đoạn km1733 người đi bộ không có làn đường riêng. Trên toàn tỉnh Bình Thuận, người đi bộ phải đi trên vỉa hè, đi vào lề đất chứ không được đi trên đường QL1. Tuy nhiên, hiện nay một số đường không có vỉa hè, lề đất để cho người đi bộ”. Nói như vậy, người đi bộ chỉ còn có cách đi… lên trời.

Đại diện Ban An toàn giao thông Bình Thuận cho biết thêm: “Tốc độ di chuyển trên đường bộ có 1 làn xe cơ giới và không có dải phân cách cứng của các loại xe ô tô là từ 50 – 80 km/h tùy theo khu vực. Đối với xe máy là không quá 40km/h. Ngoài ra, biển báo hướng dẫn làn đường phải phù hợp với vạch kẻ đường. Nghĩa rằng nếu làn đường thay đổi thì phải có biển báo đi cùng để cảnh báo. Theo đó, ở Km1733 không có biển báo hướng dẫn là thiếu sót”. 

Vụ tai nạn xảy ra là điều không ai mong muốn. Và từ những phân tích trên cho thấy có lỗi hỗn hợp từ nhiều phía chứ không phải lỗi riêng Quỳnh. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng lại đổ lỗi hoàn toàn cho Quỳnh. Theo Quỳnh, anh bị oan khi bị khởi tố, bị tuyên án tù, phải bỏ học giữa chừng, hiện đang cùng mẹ thuê nhà trọ tại quận 2, TP HCM ở và làm thuê. Quỳnh cho rằng cơ quan tố tụng cần xem xét lại bản án, tuyên đúng người, đúng tội. Và cơ quan chức năng cần xem xét chỉnh sửa lại biển báo đoạn đường, để không còn những vụ việc tương tự xảy ra.

Một số người dân sống tại khu vực xảy ra vụ tai nạn cũng phản ứng với kết luận Quỳnh đi sai làn đường. “Người ta không cắm biển báo phân làn. Trước giờ chúng tôi vẫn chạy xe máy vào làn đường mà giờ họ nói là “chỉ dành cho xe thô sơ”. Còn làn bên trong, xe du lịch, xe tải chạy ầm ầm, ai dám đi ra? Người đi bộ trước giờ không có đường đi, hoặc là đi xuống làn đất, hoặc là đi sát mép, nhưng cũng rất nguy hiểm. Chúng tôi ở đây còn không rõ việc phân làn đường kỳ cục này, nói gì người ở xa tới.

Đọc thêm