Mẹ Mùi 90 tuổi, 41 năm đi tìm tấm bằng tổ quốc ghi công cho con

(PLVN) - Mẹ mùi đã khóc hết nước mắt, nay mẹ đã bước sang tuổi 90 vẫn đi tìm công lý cho con trai Trần Đình Thi chiến đấu và đã hi sinh ở chiến trường nhưng vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ.
Thân nhân gia đình quân nhân Trần Đình Thi trao đổi với phóng viên. Ảnh: Xuân Hồng
Thân nhân gia đình quân nhân Trần Đình Thi trao đổi với phóng viên. Ảnh: Xuân Hồng

Báo Pháp luật Việt Nam nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Mùi (90 tuổi, xóm Chăn Nuôi, xã Vạn Thọ, Đại Từ, Thái Nguyên) là mẹ đẻ của quân nhân Trần Đình Thi phản ánh, con trai là Trần Đình Thi (SN 1959, xã Vạn Thọ, Đại Từ), hy sinh ngày 27/2/1979 với giấy báo tử là tử sĩ.

Nhiều năm qua gia đình cụ Mùi đã làm đơn đề nghị và được các cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thầm quyền xem xét công nhận Liệt sĩ đối với quân nhân Trần Đình Thi nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ.

 

Theo phản ánh của bà Mùi và tập thể thành viên Hội đồng ngũ 13/5 huyện Đại Từ, ông Trần Đình Thi tham gia cách mạng, nhập ngũ 5/1978, đơn vị C4, D2, Hà Quảng, Cao Bằng. Quân nhân Thi hy sinh vào ngày 17/2/1979, được an táng tại xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng.

Đáng chú ý, trong phần mộ của đồng chí Thi ghi rõ “Liệt sỹ Trần Đình Thi”. Tuy nhiên, 41 năm qua, quân nhân Trần Đình Thi không được công nhận liệt sĩ; thân nhân đồng chí Thi cũng không được hưởng bất cứ chế độ, chính sách nào.

Nghẹn ngào trong nước mắt bà Tuất (vợ quân nhân Thi) cho biết, chồng tôi tham gia cách mạng, chiến đấu để bảo vệ tổ quốc, nhân dân. Khi biết tin chồng tôi hy sinh, bố mẹ chồng, tôi và toàn người thân trong gia đình đã rất đau buồn. Mẹ chồng tôi thương tiếc, xót xa người con trai của mình cũng đã khóc hết nước mắt, héo mòn từng ngày.

Chồng tôi hy sinh khi còn rất trẻ, bao hoài bão, kế hoạch về cuộc sống, tương lai của hai vợ chồng cũng chưa kịp thực hiện bất cứ việc gì. Nhận tin chồng mất, tôi bàng hoàng, suy sụp, khủng hoảng suốt quãng thời gian dài.

Nhưng bao nỗi đau đớn, xót xa vì thương con của mẹ tôi, thương chồng của tôi còn sâu đậm, hằn vết, giằng xé, dày vò gấp bội lần khi gia đình nhận được Giấy báo tử sỹ số 201/BT (ngày 30/10/1979) do Trung tá Đàm Tựu, Phó Chỉ huy trưởng, Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng ký với nội dung "Quân nhân Trần Đình Thi đã hy sinh ngày 27/2/1979".

Tôi nhớ, lúc nhận được giấy báo tử sĩ của chồng tôi là tử sĩ, không phải là Liệt sỹ, cả gia đình tôi đã sốc, bao sự thương nhớ, đau đớn dâng lên gấp bội. Từ đó cho đến nay, chưa bao giờ chúng tôi vơi bớt đi sự đau đớn, mất mát”, bà Tuất nghẹn ngào nói.

Cũng từ đó, bố chồng tôi và gia đình tôi đã rất nhiều  lần làm đơn gửi cầu cứu các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ và đảm bảo sự công bằng cho chồng tôi. Anh hy sinh lúc chiến đấu, được công nhận Liệt sỹ không phải tử sĩ.

Sự đau đớn chồng chất đau đớn khi con trai hy sinh nhưng không được công nhận chính đáng, bố tôi càng lao tâm, khổ tứ đơn thư, kiến nghị đến cơ quan chức năng để đi tìm công lý, công bằng cho sự hy sinh của con trai. Vì thế, sức khỏe, tinh thần ông suy sụp nhanh, bố chồng đã mất hơn chục năm nay, mẹ chồng tôi đã gần 90 tuổi, già yếu nhưng hàng giờ, hàng ngày vẫn mỏi mòn chờ đợi, ngóng chờ việc con trai được công nhận là liệt sĩ.

Dường như sự nỗ lực của gia đình quân nhân Trần Đình Thi đi vào bế tắc, khi đơn thư kiến nghị gửi đi, chỉ nhận lại được phúc đáp: Quân nhân Trần Đình Thi là tử sĩ vì hy sinh bị địch bắn khi lùi lại phía sau.

Mộ quân nhân Trần Đình Thi tại xã Trường Hà,huyện Hà Quảng
 Mộ quân nhân Trần Đình Thi tại xã Trường Hà,huyện Hà Quảng

Thế nhưng, đông đảo đồng chí, đồng đội của quân nhân Trần Đình Thi đã vô tình biết thông tin phần mộ ghi Liệt sĩ tại nghĩa trang Hà Quảng nhưng thực tế quân nhân Thi chưa được công nhận là Liệt sĩ và gia đình không được hưởng chế độ liệt sĩ.

Cựu chiến binh Triệu Quang Vinh, (cùng đơn vị với quân nhân Thi) bức xúc cho biết: Tháng 2/1979 chiến tranh biên giới xảy ra tôi và anh Thi cùng đơn vị chiến đấu, lúc chiến sự nổ ra anh Thi chiến đấu anh dung hi sinh. Đến tháng 3/1979, tôi được đơn vị giao nhiệm vụ quy tập, chôn cất liệt sĩ toàn huyện Hà Quảng. Tôi nhớ như in, trong khi quy tập, phát hiện xác đồng chí Trần Đình Thi tại xã Trường Hà nằm sấp. Chúng tôi đã ghi chép cẩn thận rồi giao cho bộ phận tiếp nhận đưa về nghĩa trang chôn cất và gắn bia mộ cho đồng chí”.

Cựu chiến binh Phạm Văn Đoàn (61 tuổi, xã Yên Lãng, Đại Từ, Thái Nguyên) là người cùng đơn vị chiến đấu với quân nhân Trần Đình Thi cho biết, những lần viếng thăm  mộ đồng đội tại Nghĩa trang Hà Quảng (Cao Bằng), tôi luôn ở lại phần mộ của đồng chí Thi lâu hơn, bởi đây là người đồng đội cùng nhập ngũ, một đơn vị lại là đồng hương thân thiết với tôi. Khi biết thông tin, đồng chí Thi chưa được công nhận liệt sĩ, chúng tôi những người đồng đội, cùng tham gia chiến đấu, cùng đơn vị với đồng chí Thi đã cùng gia đình Thi đi tìm công lý, công bằng cho đồng đội đã hy sinh.

Từ đơn thư, kiến nghị của người thân và đồng đội của quân nhân Trần Đình Thi gửi cơ quan chức năng về việc làm rõ trường hợp hy sinh và đề nghị công nhận liệt sĩ đối với quân nhân Thi, các cơ quan chức năng liên quan đã vào cuộc, làm rõ, giải quyết chế độ đối với quân nhân Trần Đình Thi.

Theo tài liệu mà phóng viên khai thác được về việc xem xét công nhận là liệt sĩ cho quân nhân Trần Đình Thi (con trai bà Nguyễn Thị Mùi), trước đây đã được báo tử là tử sĩ nên không đủ điều kiện lập hồ sơ công nhận liệt sĩ. Tuy nhiên, khi nhận được đơn về việc xem xét công nhận liệt sĩ cho quân nhân Thi, Cục Chính trị đã chỉ đạo Phòng Chính sách phối hợp với Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng tổ chức hội thảo cùng các đồng chí là nhân chứng cùng tham gia chiến đấu với quân nhân Thi, đã làm rõ trường hợp hy sinh của quân nhân Trần Đình Thi.

Phóng viên trao đổi với đồng đội cùng chiến đấu với đồng chí Thi
 Phóng viên trao đổi với đồng đội cùng chiến đấu với đồng chí Thi

Theo đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng đã ra Quyết định số 1632/QĐ-BCH ngày 30/5/2018 về việc thu hồi, hủy bỏ giá trị Giấy báo tử sĩ số 201/BT ngày 30/10/1979 đối với quân nhân Trần Đình Thi. Lí do thu hồi, bản tự thuật ngày 20/10/1079 của ông Nông Quốc Thái một mình tự thuật, tự ký, tự kết luận về trường hợp của quân nhân Trần Đình Thi đã chết 27/2/1979 tại Bằng Khẩu, Ngân Sơn, Cao Bằng, với lí do "tự ý bỏ nhiệm vụ về phía sau địch bắn chết" là không đúng bản chất sự việc, không khách quan, trung thực và không có giá trị về mặt pháp lý.

Theo quyết định 1632, Phòng Chính trị (Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng) phối hợp Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên, Sở LĐ-TBXH Thái Nguyên thu hồi, quản lý, lưu trữ theo quy định.

Đến ngày 5/11/2018, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 (Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên) đã ra Giấy báo tử số 20/GBT-BCH chứng nhận Đồng chí Trần Đình Thi, SN năm 1959, nguyên quán xã Vạn Thọ, Đại Từ; nhập ngũ tháng 5/1978; hy sinh 17/2/1979 trong trường hợp "Chiến đấu bị địch bắn chết", thi hài mai tang tại nghĩa trang Hà Quảng, Cao Bằng.

Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên đã hướng dẫn gia đình quân nhân Trần Đình Thi làm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ đối với quân nhân Trần Đình Thi theo Thông tư Liên tịch 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP.

Được biết, ngày 24/4/2019, Cục Chính trị đã có công văn số 581/CCT-CS gửi Cục Chính sách, Tổng Cục Chính trị kèm theo hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với quân nhân Trần Đình Thi. Hiện nay, hồ sơ đang được Cục Chính trị thẩm định, khi nào có Bằng “Tổ quốc ghi công”, Bộ Tư lệnh Quân khu sẽ bàn giao cho Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên để tổ chức truy điệu tại UBND xã và bàn giao hồ sơ về Sở LĐ-TBXH tỉnh Thái Nguyên thực hiện các chế độ.

Mẹ Mùi và vợ đồng chí Thi mỏi mòn chờ đón đồng chí Thi về với quê hương
 Mẹ Mùi và vợ đồng chí Thi mỏi mòn chờ đón đồng chí Thi về với quê hương

Hội Cựu chiến binh Phạm Kiên Cường (ở xã Vạn Thọ) là người cùng đơn vị với quân nhân Trần Đình Thi và gần 60 hội viên của Hội đồng ngũ 13/5 huyện Đại Từ cùng kiến nghị đã hơn 40 năm, đồng đội của chúng tôi là Trần Đình Thi hy sinh trong cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Gia đình đồng chí Thi mòn mỏi đợi chờ mà vẫn chưa được công nhận liệt sĩ. Đến nay, những vướng mắc đã được làm sáng tỏ, tôi không hiểu vì sao, cấp có thẩm quyền chưa công nhận liệt sỹ Thi để mẹ đồng chí Thi nay đã gần 90 tuổi mỏi mòn trước khi “nhắm mắt xuôi tay” được nhìn thấy tấm bằng tổ quốc ghi công con trai cụ.

Đọc thêm