Công điện số 06 của Bộ LĐ-TB&XH ngày 6/7/2020 về việc đôn đốc hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu theo Chỉ thị số 14- CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng và triển khai kế hoạch tổ chức kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ nhấn mạnh: “Hoàn thành việc sửa thông tin trên bia mộ: đối với những mộ liệt sĩ chưa có đủ các thông tin theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 13 Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 03/6/2014 của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính thì bia mộ chỉ ghi thông tin đã rõ vào dòng tương ứng; đối với những mộ liệt sĩ không có thông tin hoặc đang khắc chữ “Liệt sĩ vô danh” hoặc “Liệt sĩ không xác định được danh tính” thì trên bia mộ ghi “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”.
Nhiều địa phương đã và đang gặp khó khăn về mặt kinh phí trong việc hoàn thành việc sửa nội dung ghi trên bia mộ liệt sĩ. |
Nhấn mạnh thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành việc sửa nội dung ghi trên bia mộ liệt sĩ, không để từ “Liệt sĩ vô danh” nữa, mà sửa lại là “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Theo Bộ trưởng, sửa như vậy sẽ chính xác hơn, vì tất cả liệt sĩ đều có tên, có tuổi, có quê quán, chỉ có điều chưa xác định được danh tính.
Tuy nhiên, để thực hiện, nhiều địa phương đã và đang gặp khó khăn về mặt kinh phí. Đơn cử như tỉnh Quảng Trị, tại buổi sơ kết của ngành lao động, người có công và xã hội, ông Phan Văn Linh - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị cho biết tỉnh hiện có 20.000 bia mộ liệt sĩ đang đề “không có thông tin”, “chưa biết tên”. Riêng bia mộ ghi “vô danh” có 6.000 mộ. Với số lượng lớn và không có kinh phí, tỉnh không thể hoàn thành điều chỉnh thông tin bia mộ đúng tiến độ như yêu cầu của Bộ LĐ-TB&XH.
Giải đáp về nguồn kinh phí, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo sử dụng chủ yếu từ nguồn kinh phí địa phương để tu sửa các bia mộ “Liệt sĩ vô danh”. Bên cạnh đó là sử dụng kinh phí của Bộ đã hỗ trợ trong 2020, trường hợp thiếu sẽ báo cáo để có phương án xử lý.