Miễn thi đại học cho thí sinh là người dân tộc thiểu số

Thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển) tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ, nếu học 3 năm cuối cấp và tốt nghiệp trung học phổ thông tại các huyện này, thì hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) xem xét, quyết định xét tuyển cho vào học.

Thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển) tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ, nếu học 3 năm cuối cấp và tốt nghiệp trung học phổ thông tại các huyện này, thì hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) xem xét, quyết định xét tuyển cho vào học.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Đây là điểm mới nhất vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định trong Quy chế mới về tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2012. Theo quy định, những thí sinh này sau khi nhập học, được học bổ sung kiến thức 1 năm học trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do hiệu trưởng các trường quy định. Các thí sinh dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tại 62 huyện nghèo của cả nước vẫn có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định này nhằm thực hiện Chương hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo của Chính phủ. Thay đổi về đối tượng ưu tiên trong thi ĐH, CĐ 2012 cũng để tạo điều kiện để các thí sinh vùng dân tộc thiểu số có cơ hội học tập lớn hơn.

Bên cạnh đó, Bộ cũng quy định, kỳ thi tuyển sinh năm nay sẽ không áp dụng điểm b, điểm c Khoản 1 Điều 33 của Quy chế tuyển sinh hiện hành.

Cụ thể, điểm b, c Khoản 1, Điều 33 quy định: “b/ Đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1 điểm nhưng không quá 1,5 điểm để số thí sinh trúng tuyển là người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ cần thiết; c/ Các trường dành chỉ tiêu tuyển sinh để đào tạo theo địa chỉ sử dụng và các trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 nhưng không quá 1,0 điểm để tuyển đủ chỉ tiêu đã được giao”.

 Như vậy, theo quy định mới của Bộ, mùa tuyển sinh năm nay, các thí sinh khu vực dân tộc thiểu số cũng như các trường đào tạo theo vùng sẽ không được hưởng ưu đãi về mức chênh lệch điểm số giữa các nhóm đối tượng. Mức chênh lệch chung sẽ là 1 điểm giữa hai đối tượng kế tiếp và 0,5 điểm giữa hai khu vực kế tiếp.

Ưu tiên theo khu vực

Khu vực 1 (KV1) gồm các địa phương thuộc miền núi, vùng cao, vùng sâu, hải đảo, trong đó có các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ.

Khu vực 2 - nông thôn (KV2-NT): Gồm các địa phương không thuộc KV1, KV2, KV3.     Khu vực 2 (KV2): còn lại là các thành phố trực thuộc tỉnh (không trực thuộc Trung ương); các thị xã; các huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc Trung ương

 Khu vực 3 (KV3) gồm: Các quận nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương.

Hiện điểm ưu tiên cho các KV này là 0,5 điểm. Như vậy, KV1 được ưu tiên 1,5 điểm, KV2 nông thôn được ưu tiên 1 điểm và KV2 là 0,5 điểm. Thí sinh thuộc KV3 không thuộc diện hưởng ưu tiên khu vực.

Theo quy chế tuyển sinh, khi thí sinh tham dự kì thi ĐH, CĐ thì sẽ được cộng hai điểm cộng ưu tiên gồm ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực. Thí sinh sẽ được cộng tối đa là 3,5 điểm ưu tiên. Khi tham gia xét tuyển NV2, NV3, thí sinh vẫn được cộng điểm ưu tiên (đối tượng và khu vực).

Các thí sinh học liên tục và tốt nghiệp trung học tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu trong 3 năm học trung học có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu mỗi năm học một trường hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào, hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Quy định này áp dụng cho tất cả thí sinh, kể cả thí sinh đã tốt nghiệp từ trước năm thi tuyển sinh.

Cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số, được ưu tiên 2 điểm

Mức chênh lệch điểm ưu tiên theo nhóm đối tượng là 1 điểm. Hiện nay, nhóm ưu tiên cao nhất được 2 điểm (điểm trúng tuyển thấp hơn so với học sinh KV3 là 2 điểm), đó là nhóm ưu tiên 1 (UT1) gồm các đối tượng: công dân Việt Nam có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số; công nhân trực tiếp sản xuất đã làm việc liên tục 5 năm trở lên trong đó có ít nhất 2 năm là chiến sĩ thi đua được cấp tỉnh trở lên công nhận và cấp bằng khen; thương binh, bệnh binh, người có “Giấy chứng nhận người được hưởng chính sách như thương binh”; con liệt sĩ ; con thương binh mất sức lao động 81% trở lên...

Nhóm ưu tiên 2 (cộng 1 điểm) gồm các đối tượng như: thanh niên xung phong tập trung được cử đi học; con thương binh mất sức lao động dưới 81%; con bệnh binh mất sức lao động dưới 81%; Y tá, dược tá, hộ lý, kỹ thuật viên, y sĩ, dược sĩ trung cấp đã công tác đủ 3 năm trở lên thi vào các ngành y, dược...

Người có nhiều diện ưu tiên theo đối tượng chỉ được hưởng một diện ưu tiên cao nhất.

Đông Quang