Miền thơ ấu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng đi học, chiều vừa chăn bò, cắt cỏ. Nếu không cắt cỏ thì phải vơ lá. Thôi thì đủ các loại lá, lá tre, lá vải, gốc cây ngô, dây bù lào già (cây bí đỏ)… để về làm củi đun.
Ảnh minh họa. (Nguồn: B.T)
Ảnh minh họa. (Nguồn: B.T)

1. Năm tôi mười tuổi, học lớp bốn. Nhà tôi được Hợp tác xã giao cho nuôi một con bò cái. Nó dữ vô cùng. Khi dắt, nếu không cẩn thận sẽ bị nó húc. Tuy vậy, nó thuộc loại “biết bắt nạt”, “mềm nắn, rắn buông” nghĩa là khi nó giương mắt lấy đà để húc, cứ cầm chặt dây thừng và dùng roi quất phủ đầu thì nó sẽ không dám. Còn nếu bỏ chạy, nó sẽ đuổi tới cùng. Khi đẻ con, nó lại càng dữ. Tôi học ở trường làng, thời này đang là hệ 10 năm.

Sáng đi học, chiều vừa chăn bò, cắt cỏ. Nếu không cắt cỏ thì phải vơ lá. Thôi thì đủ các loại lá, lá tre, lá vải, gốc cây ngô, dây bù lào già (cây bí đỏ)… để về làm củi đun. Người thì thấp, bé, quang gánh thì dài, đi cứ lệt bệt, nhất là khi leo dốc triền đê. Nhiều khi vướng cỏ vấp ngã, người một nơi, quang gánh một nẻo, bao nhiêu lá, công sức nhặt nhạnh cả một buổi chiều bay hết. Tức muốn khóc, chỉ ước một ngày nào đó nếu có phải đi chăn bò, thì chỉ chăn bò thôi để được đọc sách cho sướng.

Trong lũ con nít chăn bò thuở ấy, chỉ có tôi là phải làm hai việc cùng lúc. Vốn láu cá, tôi dụ các bạn trông bò giùm mình, để còn nhặt lá, cắt cỏ. Bù lại tôi sẽ kể chuyện cho các bạn nghe khi nào xong việc. Ai ngờ chiêu đó quá hiệu quả, các bạn không những trông giùm bò mà còn vơ lá giúp. Ở nông thôn nên làm gì có sách, báo, phim ảnh. Cả làng chỉ duy nhất có nhà o Minh ở ngõ Đồng đặt báo Tiền phong. Sách truyện thì vô cùng hiếm. Cả làng không có ti vi, chỉ có vài cái đài (radio) để nghe tin tức. Tối thứ Bảy hàng tuần lúc 20 giờ, mọi người trong thôn tập trung tại nhà chú Khanh Ơn để nghe “câu chuyện cảnh giác” được phát thanh. Tôi được trời phú cho nết ham đọc sách, cái gì vào tay là tôi ngấu nghiến đọc. Chỉ vì ham đọc mà bao nhiêu lần làm cháy nồi cám lợn. Bao nhiêu lần bị chị gái bẹo tai cái tội đọc sách quên việc, mẹ tôi biết cái nết ham đọc ấy nhưng bà không la mắng bao giờ. Và như một sự tương đồng, bên phía nhà nội, có chú con bà o cũng suốt ngày chỉ có đọc sách. Chú tên là Mạch - Nguyễn Tử Mạch. Đến chơi nhà chú thì không thể về được vì sách quá nhiều. Ba gian nhà, không có gì ngoài sách. Đã thế trên gác là con thuyền trống dùng trong mùa lũ cũng được chú tận dụng đựng sách. Hôm nào xuống chơi, chú cũng bảo cháu thích đọc cuốn nào thì lấy. Tôi như kẻ ăn mày, gặp được đại tiệc, thôi thì tay ôm, tay xách và rồi lỉnh ra một góc, ngấu nghiến, say mê quên cả ăn, uống, mặc kệ thời gian. Thi thoảng chú lại đưa cho nắm ngô răng ngựa đã được rang chín (loại ngô dùng để nuôi lợn bây giờ). Con nít nên đâu biết gì, cứ ăn hết lại xin chú, đâu biết rằng khẩu phần ăn cả ngày của chú là một lon sữa bò ngô răng ngựa rang lên ăn thay cơm.

Vậy mà không hiểu bằng cách nào, tôi cũng nhét hết vào đầu mình các loại sách của chú. Từ cổ tích tới tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết võ hiệp, sách phong thủy, sách dạy bói toán, tới các loại sách ngôn tình như Người vợ câm (tôi không còn nhớ tác giả chỉ nhớ đó là sách ngôn tình của Hồng Kông - Trung Quốc), đến những tác phẩm như Ruồi trâu, Thép đã tôi thế đấy, Trà hoa nữ, Chiếc lều của bác Tôm, Nanh trắng, Tiếng chim hót trong bụi mận gai (sau này được dịch thành Những con chim ẩn mình chờ chết), Đồi gió hú, Trăm năm cô đơn, Chiến tranh và hòa bình, Những người khốn khổ, Sông đông êm đềm, Chuyện thường ngày ở huyện… nhiều, nhiều lắm. Thậm chí ngay cả Kinh dịch do nhà văn Ngô Tất Tố dịch và chú thích tôi cũng đọc. Đọc mà không hiểu gì, thậm chí rất đau đầu nhưng vẫn cứ đọc, vì thấy lạ và tò mò, con nít mà.

Thấy tôi đọc một cách bừa bãi, không theo lề lối trật tự nào nên chú yêu cầu tôi đọc các tác phẩm của các nhà văn Việt Nam, từ nhà văn Tô Hoài, nhà văn Nguyễn Thi, nhà văn Nam Cao, nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn Ngô Tất Tố, nhà văn Nguyên Hồng, nhà văn Anh Đức, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà văn Vũ Trọng Phụng, nhà văn Vũ Bằng... nhiều lắm.

Dần dần, tôi đã hiểu vì sao chú đưa ra các quy tắc khi đọc sách: từ tư thế ngồi đọc, không được gấp sách, không được vẽ bậy vào sách, không được làm rách, làm quăn mép sách.

Tuy không hiểu hết những điều chú nói, cũng chưa thấy hết vẻ diễm lệ trong từng con chữ của nhiều tác phẩm, nhưng khi đọc Thương nhớ mười hai, tôi chắc chắn khi viết nó, nhà văn Vũ Bằng đã thổn thức, nâng niu, thậm chí là tôn thờ với từng ký ức nơi ông đã sinh ra nhưng lại phải dời xa...

Sau này có nhà văn Nguyễn Quang Lập quê ở Quảng Bình có nhiều tác phẩm tài hoa ở nhiều thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết và tùy bút. Nhưng tôi vẫn thích nhất các tùy bút của ông. Những ai sinh ra ở miền Bắc đều không lạ gì với mưa phùn, gió bấc. Thậm chí còn rất ghét và sợ mưa phùn. Nhưng qua ngòi bút của nhà văn trong tùy bút Thương nhớ mưa phùn thì tôi đồ rằng sự ghét đó đã thành yêu mất rồi. Tuy viết về một hiện tượng thiên nhiên mà ông nâng niu, nhiệt huyết và nâng nó lên thành nỗi nhớ. Và nỗi nhớ này nó nhưng nhức như nhớ người tình trong xa cách. Cái hay, cái đẹp của nhà văn Vũ Bằng và Nguyễn Quang Lập khác với nhiều người. Vì cũng là nỗi nhớ nhưng trong nỗi nhớ ở Thương nhớ mười hai hay Thương nhớ mưa phùn nó hoang hoải, nó trầm lắng, thậm chí có nhiều chỗ nỗi nhớ đó là sự khắc khoải, quặn đau. Sự nhớ đó không lời nào nói hết vì nó luôn âm ỉ trong tiềm thức.

Để rồi khi bắt gặp Thương nhớ vỉa hè của ông thì tôi lại càng kinh ngạc. Kinh ngạc vì những gì ông dành cho vùng đất nơi ông từng dừng chân trong cuộc mưu sinh với độ ngắn dài về thời gian không nhiều lắm. Vậy mà dưới con mắt và ngòi bút của ông, nó không còn là cái vỉa hè hàng ngày chúng sinh đi qua và dẫm, đạp. Với ông, nó đã là tri kỷ. Xuyên suốt tùy bút Thương nhớ vỉa hè, ông như đang tự tình, thổn thức, với người tri kỷ sau bao năm cách xa.

Có những cuốn chú cũng đi mượn của người khác nên hai chú cháu phải chia nhau ra để đọc. Tôi nhớ mãi khi đọc cuốn Tâm hồn cao thượng sau này được Hoàng Thiếu Sơn dịch thành Những tấm lòng cao cả. Bạn của chú chỉ cho mượn chưa tới một buổi chiều. Cuốn sách khoảng hơn 400 trang, tôi không nhớ rõ mấy giờ khi chú đọc xong, chỉ nhớ vào lúc sắp ăn cơm tối người bạn của chú tới đòi sách cũng là lúc tôi dừng lại ở những chữ cuối cùng của cuốn sách. Đó là những lời chia tay giữa thầy giáo với phụ huynh và các học trò. Không biết do phải đọc nhanh hay số phận của từng nhân vật quá sắc nét nên tôi từng ám ảnh mất một thời gian.

Mùa lũ năm đó, chú không còn say mê đọc và viết. Thay vào đó chú tranh thủ sửa mái nhà bếp bị dột cho bà o. Chú đảo ngói cho ngôi nhà trên, rảnh rỗi chú sửa lại bờ rào và nhiều việc khác. Tôi cũng không để ý mà còn thấy thích, vì khi không có chú ở bên tôi tha hồ đọc theo ý thích. Tháng sau chú lên đường nhập ngũ. Trước khi đi, chú dặn tôi hãy đọc và học thật giỏi, số sách này giờ đây đã là của tôi. Ba, bốn tháng đầu còn nhận được thư chú. Mỗi khi nhận thư, tôi sẽ là người đọc cho bà o nghe. Cuối thư chú nói rằng, chú là phóng viên chiến trường. Với bút danh Tử Mạch. Trong thư chú kể về các vùng quê đất nước mà chú đã đi qua. Chiến tranh quá khốc liệt, đã tàn phá, hủy diệt cả sự sống.

Chú mong muốn tôi ngoài đọc sách hãy cố gắng học tốt để sau này xây dựng quê hương.

Và rồi có tin đồn chú đã mất. Cứ thế vài tháng sau thì chính thức có tin báo tử. Chú hy sinh ở trận đánh năm 1972.

2. Mới đó đã hơn 50 năm, không biết ở nơi của chú có nhiều sách không? Chú đã gặp được bà o chưa nhỉ? Với tôi, chú như một người bạn, một “bách khoa toàn thư” cho các câu hỏi không đầu, không cuối. Và không biết vì sao, sau ngày chú mất, tôi sợ đọc sách. Cầm cuốn sách nào tôi cũng nhìn thấy khuôn mặt của chú. Trang sách nào cũng là chú. Tôi cứ ngơ ngẩn vào ra quanh nhà, không tin rằng chú đã mất. Trong trí óc non nớt của tôi, chú chỉ đi lạc ở đâu một thời gian thôi, rồi chú sẽ về. Nên tôi sợ và rất ghét những tiếng khóc của mọi người khi truy điệu chú.

Nỗi sợ len vào giấc ngủ, nhiều đêm la hét ướt đẫm mồ hôi, mẹ tôi sợ rằng con mình chơi nghịch bãi sông, bờ đê mới bị “quấy quả” nên cấm tiệt việc đi chơi. Tôi như con gà rù, cứ ngơ ngác, mất hồn. Chị gái thương quá lại đi tìm sách hay về nhử, nhưng không hiệu quả.

Trẻ con mà, buồn đấy nhưng cũng nhanh quên. Mãi tới vài năm sau tôi mới hiểu được vì sao nhân loại ví chiến tranh là cái cối xay thịt khổng lồ. Và cũng hiểu, ai cũng căm ghét chiến tranh. Chiến tranh là mất mát, đau thương, là chia cắt.

Chiều nào cũng vậy, sau khi giúp tôi cắt được gánh cỏ hoặc vơ được gánh lá, tụi con nít lại tập trung nghe tôi kể chuyện. Nhờ có kho truyện của chú Mạch, hơn nữa có chút láu cá, nên cứ tới chỗ cao trào là tôi dừng lại, cũng bắt chước phong cách kiếm hiệp, tôi nhại giọng: muốn biết sự việc, hồi sau sẽ rõ. Ấm ức vì đang hay nhưng bị dừng lại song lũ bạn đành chịu, chờ vào chiều mai nghe tiếp.

Nghe chuyện chán rủ nhau bắt u, đánh trận. Cũng chia ra quân ta, quân địch. Lấy lá chuối, lá dừa làm cờ, làm mũ, súng tiểu liên làm bằng bẹ chuối. Chơi chán rủ nhau ra sông tắm. Lạ thật, ngày nào cũng chơi mấy trò đó mà không thấy chán.

Hôm nọ về quê, rảo bước trên đê, nhìn ngắm một hồi. Làng xóm có nhiều thay đổi, nhiều biệt thự, nhà cao tầng khoe sắc. Chỉ tiếc người sinh sôi, phát triển nhưng đất lại cứ lặng im, nên dọc triền đê xưa là các vườn trái cây xanh tốt nay đã không còn. Bạn cũ chăn bò phiêu bạt mọi nơi…

Làng tôi nằm ngay ven sông Chu, thuộc vùng trung du, thuần nông. Con sông Chu bình thường hiền lắm nhưng vào mùa lũ thì thật kinh hoàng. Nó gầm réo liên tục, bọt tung đục ngầu, xối xả. Để giữ làng, con đê đã được hình thành không biết tự thuở nào. Người lớn thất thần vì sợ lũ. Trẻ con nào biết gì đâu, lại rất thích vì mưa lũ thì không phải đi chăn bò, không phải đi vơ lá. Lại còn tha hồ đi bắt dế. Nước dâng cao, bao nhiêu dế ở bãi sông lóp ngóp chui lên hết, tha hồ bắt. Dế mẹ, dế con, dế vợ, dế chồng, dế ông, dế bà, dế cha, dế cháu, dế trũi, dế ma, dế cỏ, dế chọi… thôi thì đủ họ hàng nhà dế, ngộp nước nên lũ lượt chui lên. Tranh nhau đậu trên các ngọn cỏ may hay gốc tre, gốc vải. Lũ con nít tụi tôi mỗi đứa mang theo một cái trọng (giỏ đan bằng tre) tha hồ bắt. Nói vậy thôi, giữa ranh giới sinh tồn, bọn dế cũng chống chọi ra phết. Nhiều đứa bị những con dế trũi to khỏe cắn chảy cả máu tay.

Dế đem về được người lớn làm thịt. Vứt đầu, bỏ ruột, ướp gia vị vào (thời nghèo khó nói vậy cho sang thật ra chỉ có chút muối, mỳ chính) rồi phi hành tỏi rang lên. Lạ thật, lũ dế này chả ăn gì ngoài cỏ, tụi nó chỉ ăn cỏ gấu thôi. Vậy mà không hiểu sao thịt tụi nó lại béo, bùi và thơm điếc mũi. Lạ thế.

Mẹ tôi xuất thân con gái cụ đồ, nên “kho” chuyện của bà chưa bao giờ cạn. Đặc biệt, bà lẩy Kiều hay có tiếng. Em gái tôi rất thích nghe mẹ kể những câu chuyện cổ tích, khi mắt đã bắt đầu ríu lại vì buồn ngủ, bao giờ em cũng hỏi: mẹ ơi, bao giờ Bụt tới nhà mình? Và lúc nào câu trả lời của mẹ cũng là: con cứ ngủ đi rồi Bụt sẽ tới. Ôi chao, thế là con bé ngủ và có lẽ trong giấc mơ em đã từng gặp Bụt, vì thi thoảng tôi lại bắt gặp nụ cười vô thức trong giấc ngủ của em.

Tôi lớn hơn em nên biết, đó là thế giới cổ tích của tuổi thần tiên. Tôi, bạn hay bất kỳ cô bé, cậu bé nào trên thế giới đều có vương quốc cổ tích của riêng mình. Thế giới ấy đến với tuổi thơ chúng ta thông qua lời kể, lời ru của bà, của mẹ. Và cứ thế mầm thiện được gieo trồng, nuôi dưỡng trong mỗi chúng ta.

Cha mẹ tôi và bà o cũng đã đi xa về miền mây trắng, không biết họ có gặp được người em, người con của mình chưa nhỉ?

Nói theo nhà Phật, nếu có kiếp sau tôi vẫn xin được làm con của cha mẹ, để được nghe Kiều, hay trốn sau cánh cửa đọc trộm sách. Và được cùng chú tháng ngày “ngao du“trên từng trang sách…