Mờ ám một vụ mua bán nợ tại MHB Lào Cai

(PLVN) - Hơn 10 năm trước, doanh nghiệp tư nhân Hậu Giang (Cty Hậu Giang) do ông Trần Văn Hậu (60 tuổi, ngụ phường Duyên Hải, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) làm chủ; được Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) Lào Cai duyệt cho vay 20 tỷ đầu tư xây dựng dự án sản xuất, kinh doanh dược liệu.
Ông Hậu cho hay công sức tâm huyết cả đời gom góp vào Cty Hậu Giang “trôi sông đổ bể” sau khi vay vốn MHVB.
Ông Hậu cho hay công sức tâm huyết cả đời gom góp vào Cty Hậu Giang “trôi sông đổ bể” sau khi vay vốn MHVB.

Khi giải ngân được 18 tỷ đồng thì MHB bất ngờ dừng lại, yêu cầu Cty Hậu Giang phải trả bớt nợ thì mới xem xét cho vay tiếp. Cty Hậu Giang đã phải bán một phần tài sản được gần 6 tỷ để trả nợ, nhưng không được MHB tiếp tục cho vay thêm nữa.

Số nợ 12 tỷ, Cty Hậu Giang nhiều lần đề nghị MHB cho giãn nợ, khoanh nợ, miễn giảm lãi, tiếp tục được vay trong hạn mức đã ký, điều chỉnh sản xuất, kinh doanh cho phù hợp thời kỳ khủng hoảng kinh tế năm 2010; nhưng không được MHB chấp nhận, dù giá trị tài sản bảo đảm của Cty Hậu Giang là 30 tỷ đồng. Cho rằng bị MHB “lật kèo”, không có vốn sản xuất, Cty Hậu Giang còn lâm vào cảnh lao đao vì “lãi mẹ đẻ lãi con”.

MHB Lào Cai sau đó bán khoản nợ của Cty Hậu Giang cho Cty Quản lý nợ VAMC. VAMC lại bán cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Sapa (Hợp đồng số 1763/2017/ĐN-VAMC-BIDV ngày 20/10/2017) với giá 6,9 tỷ. 

Tiếp đó, BIDV Sa Pa bán khoản nợ này cho Cty Tân Trà Việt (Lào Cai) với giá 12 tỷ (hợp đồng số 01/2017/HĐ-MHB ngày 2/11/2017).

Toàn bộ những chuyện bán mua khoản nợ của mình, Cty Hậu Giang không hề hay biết, chỉ khi Tân Trà Việt đề nghị Cty Hậu Giang mua lại khoản nợ với giá 18 tỷ (sau đó ngã giá xuống còn 9 tỷ) thì Cty Hậu Giang mới vỡ lẽ, đi tìm hiểu và phát hiện ra nhiều điểm bất minh.  

Cty Hậu Giang cho rằng bị đưa vào diện nợ xấu, rồi bị mua bán nợ, trong khi vẫn đang sản xuất, đang trả nợ, nên không chấp nhận đề nghị nêu trên. Tân Trà Việt khởi kiện, đòi Cty Hậu Giang trả gần 41 tỷ (tổng số nợ với MHB).

Ngày 20/11/2018, TAND TP Lào Cai đưa vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng và hợp đồng mua bán nợ” ra xét xử, tuyên bố Hợp đồng mua bán nợ giữa Chi nhánh BIDV Sa Pa với Tân Trà Việt là vô hiệu. 

Lý do Tân Trà Việt không đáp ứng điều kiện kinh doanh mua bán nợ, không có quy chế quản lý nội bộ về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, theo Điều 4 và 5 Nghị định 69/2016/NĐ-CP.

Nửa năm sau, TAND tỉnh Lào Cai xử phúc thẩm, lại tuyên Hợp đồng mua bán nợ này đã có hiệu lực.

Cty Hậu Giang đã có đơn đề nghị giám đốc thẩm và vụ án đang được TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét. Trong khi vụ việc đang chờ xem xét, tháng 6 vừa qua, cơ quan chức năng Lào Cai đã ra quyết định cưỡng chế kê biên toàn bộ tài sản của Cty Hậu Giang.

Ông Hậu cho hay: “Đặc biệt có dấu hiệu bất thường ở việc giá trị tài sản thực tế của Cty chúng tôi có giá trị khoảng 20 tỷ nhưng chỉ được định giá hơn 9 tỷ đồng để đưa ra bán đấu giá (ngày 14/8), đã gây thiệt hại không nhỏ cho DN”. 

Ông Hậu nói: “Từ một DN đang ổn định xây dựng sản xuất, bỗng dưng ngã vào vòng xoáy nợ nần vì những quyết định bất hợp lý của ngân hàng MHB, sau đó trở thành món nợ bị mua bán có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có dấu hiệu có sự tiếp tay của cơ quan chức năng; đã đẩy chúng tôi tới con đường cùng. Xuyên suốt cả quá trình đó còn lộ diện nhiều điểm bất thường, khiến chúng tôi có quyền đặt ra câu hỏi liệu có mối quan hệ ngầm nào đang bắt tay chi phối o ép chúng tôi phải rơi vào đường cùng, xóa sổ?”. 

Đọc thêm