Tài sản 15 tỷ… bán 2 tỷ?
Hồ sơ vụ án thể hiện: Năm 2007 - Cty VFC có ký hợp đồng tín dụng với Cty CNTT Trường Xuân, khoản cho vay là 100 tỷ đồng, nằm trong gói tiền vay 600 triệu USD mà Tập đoàn Vinashin được vay từ nước ngoài. Tập đoàn Vinashin đã bảo lãnh cho khoản vay và Cty CP Trường Xuân phải sử dụng tài sản là bến cá Thịnh Lâm để đảm bảo cho khoản vay này.
Khi ông Hoàng Văn Tuyển - Chủ tịch Cty CNTT Trường Xuân sử dụng vốn vay từ Cty VFC không đúng nên đã bị Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Nam Định khởi tố về tội tham ô tài sản.
Việc phạm tội của ông Tuyển (nếu có) không liên quan đến việc Cty CP Trường Xuân thế chấp tài sản để đảm bảo trả nợ cho Công ty VFC, thế nhưng ngày 23/12/2011, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nam Định đã có buổi làm việc với Cty VFC, ông Hoàng Văn Tuyển và một người không liên quan đến vụ việc là ông Nguyễn Tiến Dũng, trú tại Hà Nội.
Trong buổi làm việc này, Cơ quan ANĐT lập biên bản về việc Cty VFC đồng ý để ông Hoàng Văn Tuyển bán cảng cá Thịnh Lâm cho ông Nguyễn Tiến Dũng để lấy tiền trả nợ cho Cty VFC.
Do tài sản của Cty CP Trường Xuân đang thế chấp để đảm bảo trả nợ vay cho Cty VFC nên việc Cty VFC đồng ý cho bán tài sản để thu hồi nợ là điều không bình thường.
Điều đáng nói hơn, cảng cá Thịnh Lâm là tài sản có giá trị rất lớn của Cty CP Trường Xuân, đang được thế chấp đảm bảo cho khoản nợ 15 tỷ đồng của Cty CNTT Trường Xuân đối với Cty VFC. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà Cty VFC lại đồng ý để ông Hoàng Văn Tuyển bán với giá chỉ có hơn 2 tỷ đồng (?).
Ai được lợi?
Trong biên bản làm việc ngày 23/12/2011, Cơ quan ANĐT Nam Định đã ký biên bản với nội dung “chấp nhận” cho các bên liên quan được bán cảng cá Thịnh Lâm để trả nợ cho Cty VFC. Sau khi sự việc mua bán trên được thực hiện, ngày 29/2/2012 Cơ quan ANĐT Nam Định đã có buổi làm việc với Cty VFC và thống nhất chuyển hơn 2 tỷ đồng mà các bị can đã nộp để “khắc phục hậu quả”. Số tiền còn lại từ việc bán cảng cá thì Cty VFC đã không nhận được như mục đích ban đầu của việc bán tài sản này là “trả nợ cho VFC”.
Sự việc có nhiều khuất tất thể hiện trong chính các văn bản do Cơ quan ANĐT lập. Khi “vận động” Cty VFC cho ông Tuyển bán cảng cá thì lý do bán cảng cá là để trả nợ. Nhưng khi số tiền này được chuyển trả cho Cty VFC thì đã biến thành tiền “khắc phục hậu quả”.
Trong vụ việc này, ai là người được lợi? Rõ ràng không phải là Cty VFC hay ông Hoàng Văn Tuyển, vì việc bán cảng cá rộng 1 hecta được đầu tư cả chục tỷ đồng với một cái giá rất rẻ là hơn 2 tỷ đồng. Người được lợi duy nhất là người mua tài sản trong lúc người bán ở thế “khốn cùng”.
Một chi tiết nếu được làm rõ thì sẽ giải đáp được nhiều nghi vấn xung quanh thương vụ bán cảng cá Thịnh Lâm, đó là “thân phận” của người mua tài sản. Ai đã chắp nối để ông Nguyễn Tiến Dũng (trú tại Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) biết và được phép mua tài sản này? Chỉ biết là sau khi mua cảng cá, ngày 4/1/2012 ông Dũng đã đăng ký thành lập Cty CP Bến cá Thịnh Lâm và hiện nay đang là chủ tài sản vốn được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay của Cty CNTT Trường Xuân.
Theo một luật sư tham gia vụ án này thì những chi tiết liên quan đến việc bán cảng cá Thịnh Lâm cho thấy có sự lạm quyền của Cơ quan điều tra (CQĐT). Vì, cảng cá Thịnh Lâm là tài sản của doanh nghiệp, không phải là tang vật hay vật chứng của vụ án.
Do vậy, CQĐT không được can thiệp mà chỉ có Tòa án mới có quyền quyết định khi xét xử phần trách nhiệm dân sự của bị đơn dân sự trong vụ án hoặc trách nhiệm của bị cáo. Việc “đánh tháo” tài sản như trên là một sai phạm nghiêm trọng nên cần phải được điều tra làm rõ và xử lý nghiêm khắc.