Bỗng dưng bị thu hồi đất

(PLO) - Mảnh đất đã sử dụng mấy chục năm trời, bỗng dưng bị thu hồi. Chủ nhà ở tuổi gần đất xa trời ngậm ngùi vì quy định kỳ lạ của chính quyền.
 
Bỗng dưng bị thu hồi đất

 Cấp thế nào là đúng mục đích?

Ông Nguyễn Văn Năm (94 tuổi), ngụ tại ấp 4, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM, tham gia cách mạng từ những năm 1945, địa bàn hoạt động giữa Tân Kiên, Bình Chánh và Phước Lý, Cần Giuộc, Long An. Thấy ông muốn ăn chay niệm Phật, nên năm 1971, bà  Huỳnh (người cô họ) cho ông khối tài sản là một khu đất khoảng 5.000 m2 để làm am thờ tự (giấy tay bà Huỳnh cho lập năm 1974). 
Ông Năm cũng tự coi mình là tu sĩ tu tại gia, rồi dần cơi nới, mở rộng am thành hình dạng tựa như một ngôi chùa, đặt tên Pháp Tịnh để tạo vỏ bọc hoạt động cho cách mạng. 
Sau giải phóng, do nhu cầu công tác ở Phòng nông nghiệp huyện Cần Giuộc nên ông có nhờ người bà con chú bác là ông Hai Phiến ở trông nhà đất, nhang khói dùm, ông thì đi đi về về. 
Đến năm 1984 khi có đợt kê khai đất, nhưng do giao thông, liên lạc khó khăn nên ông Hai Phiến thay ông đứng ra đăng ký kê khai giùm. Năm 1988 khi ông nghỉ công tác trở về, ông Hai Phiến đã giao toàn bộ nhà, đất lại cho ông. Năm 1992, tiếp tục có đợt kê khai làm giấy đất, ông thật thà kê khai đây là đất “chùa Pháp Tịnh”. 
 UBND huyện Bình Chánh sau khi xem xét hồ sơ, xác định đúng là đất của cá nhân ông, có làm nghĩa vụ thuế với Nhà nước; ông chỉ tu tại gia theo tín ngưỡng riêng, không phải đất tôn giáo; Ông chưa từng hiến đất làm cơ sở tôn giáo, trong Danh mục của Thành hội Phật giáo TP.HCM ấn hành năm 1993 cũng không có tên “chùa Pháp Tịnh”. 
Nên tháng 7/1993, chính quyền cấp “sổ đỏ” cho ông với hơn 600 m2 đất thổ cư và gần 300 m2 đất ao. Cũng từ đây, ông Năm yên tâm ở dưỡng già . Mãi đến thời gian gần đây, khi giữa ông và một vị tu sĩ xảy ra tranh chấp về tài sản trong thì bỗng nhiên ngày 21/05/2012, UBND huyện ra Quyết định số 2484/QĐ-UBND thu hồi, hủy bỏ GCNQSDĐ số 848/QSDĐ/1993 đã cấp cho ông với lý do “cấp không đúng mục đích sử dụng, không đúng đối tượng”!? 
Áp dụng “chế tài ngược”?
Quá bức xúc trước sự việc, ông Năm bất đắc dĩ vác đơn đi kiện UBND huyện đòi lại tài sản, với nhiều chứng cứ chứng minh đây là nhà, đất mà ông đã có được từ trước giải phóng, đã sử dụng liên tục, ổn định, lâu dài từ năm 1971 đến nay. 
Nêu quan điểm về vụ việc, Luật sư Phan Hồng Việt, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng việc chính quyền cấp GCNQSDĐ cho ông là đúng đối tượng; hậu duệ của bà Huỳnh, ông Hai Phiến đều ra chính quyền xác nhận nhà, đất này của ông, trong gia tộc  không ai tranh chấp, khiếu nại gì hết. 
Vậy UBND huyện thu hồi dựa trên những căn cứ nào? Theo Luật sư Việt, pháp luật đất đai qua các thời kỳ không thấy có quy định Nhà nước được thu hồi đất trong trường hợp Nhà nước “cấp không đúng mục đích sử dụng”, nên việc UBND huyện nại lý do này để thu hồi đất của ông Năm là không đúng. 
Còn theo Luật Đất đai năm 1987, Nhà nước được quyền thu hồi đất trong trường hợp “đất giao không đúng thẩm quyền”, đến Luật Đất đai năm 1993 mới quy định thêm trường hợp người sử dụng “sử dụng đất không đúng mục đích được giao”, và mãi đến Luật Đất đai năm 2003 mới quy định thêm trường hợp “đất giao không đúng đối tượng”. 
Trường hợp của ông Năm đã được cấp giấy chứng nhận vào tháng 7/1993, UBND huyện vẫn khẳng định việc cấp GCNQSDĐ cho ông là đúng thẩm quyền. Nhưng nay lại áp dụng Luật Đất đai năm 1993 (có hiệu lực từ ngày 15/10/1993) và Luật Đất đai năm 2003 (có hiệu lực từ ngày 1/07/2004) để “chế tài ngược” lại, tức “hồi tố” để thu hồi đất với lý do như trên.. 
Đó là chưa kể GCNQSDĐ thì cấp cho cá nhân ông, nay lại thu hồi của “hộ ông Năm” (sau khi vợ ông mất, đến năm 2010 ông và các đồng thừa kế đã làm thủ tục ra công chứng tặng cho, thỏa thuận phân chia di sản là toàn bộ quyền sử dụng đất này cho một người con của ông). Từ đây cũng đặt ra vấn đề trách nhiệm của UBND huyện trong việc “cấp sai” này thế nào… - Luật sư Việt phân tích.
Thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền cần cân nhắc, thận trọng xem xét lại vụ việc để có hướng giải quyết thấu tình đạt lý đối với công dân cũng là người có công. Bởi việc thu hồi tài sản là đất mà không bảo đảm căn cứ pháp lý cũng như việc “hồi tố” bất lợi cho công dân là chưa phù hợp pháp luật, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người sử dụng tài sản hợp pháp. 

Đọc thêm