Lo lắng chồng thất vọng
Cứ đến mùa mưa bão, 61 hộ dân với gần 400 nhân khẩu ở khu tập thể (KTT) H36, phường Xuân La, quận Tây Hồ phải đôn đáo sơ tán. Nhà dột, tường bong tróc và ẩm mốc, trần nhà cứ chực ụp xuống đầu luôn là nỗi ám ảnh đối với người dân.
Khuôn mặt đầy lo lắng, anh Nguyễn Văn Hùng, đại diện các hộ dân cho biết, từ năm 2004, một dự án tái định cư và kinh doanh đã được hình thành, đến nay vẫn chỉ “nằm trên giấy”. Người dân đã làm đơn đề nghị lên các cơ quan chức năng rất nhiều lần. Dân chúng tôi xem chương trình thời tiết, thấy có dấu hiệu mưa lớn là phải gói ghém đồ đạc chuẩn bị tư thế… chạy (sơ tán)!”.
Qua tìm hiểu, KTT H36 có tuổi đời không quá lớn, nhưng đã “già trước tuổi” do chất lượng công trình. Biết như vậy nên ngay từ năm 2005, UBND thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo về việc thực hiện dự án xây dựng khu tái định cư.
Theo lãnh đạo UBND quận Tây Hồ, Công ty Xây lắp Hóa chất được giao trách nhiệm triển khai dự án, nhưng chuyển nhượng cho Công ty Đầu tư và Xây lắp H36 làm chủ đầu tư. Đằng đẵng suốt 9 năm, Công ty này mới chỉ đàm phán, thỏa thuận với các hộ dân về phương án sắp xếp chỗ ở, và cuối năm 2014 đơn vị này tiến hành xây “chui” 11 căn hộ cấp 4 và đang bị xử lý.
Cả chục năm qua, người viết đã tìm hiểu nhiều chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội, thấu hiểu nỗi trở trăn của những người dân dù biết nhà nguy hiểm vẫn phải ở do không còn lựa chọn. Đến nay, không khó chỉ mặt những khu chung cư đang đứng trước sự mong manh như: KTT C5 Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng), P 16A Thụy Khuê (quận Tây Hồ), KTT Văn Chương (quận Đống Đa)…
Ông Trần Duy Hùng, Tổ trưởng tổ dân phố KTT C5 Quỳnh Mai, chỉ cho tôi những mảng tường và trần bong lở, nói: “Ngay giữa thủ đô văn minh mà vẫn còn những khu nhà tồi tàn, cũ nát chẳng khác gì khu ổ chuột. Năm 2005 đã được cải tạo do nghiêng lún, và sau trận lụt lịch sử năm 2008, tầng một của tòa nhà đã bị ngập nước, buộc các hộ dân phải tôn nền cao hơn 1m”.
Đời sống người dân trong các khu tập thể cũ hiện còn đang gặp nhiều khó khăn.
|
Không thể “đắp chiếu” lâu hơn nữa
Trước nhiều vấn đề vướng mắc, chậm triển khai các dự án cải tạo chung cư cũ, các cấp lãnh đạo thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hối thúc các chủ đầu tư và địa phương. Không ít công ty làm chủ đầu tư chậm trễ triển khai dự án đã bị thu hồi nhiệm vụ cải tạo, giao cho công ty khác thực hiện. Song, nhiều dự án “qua tay” đến ba chủ đầu tư mà nay vẫn “án binh bất động”.
Nhận một phần trách nhiệm trong sự chậm trễ triển khai dự án xây lại KTT H36, ông Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết đã chuẩn bị hết các phương án di dời nếu có mưa bão, đồng thời chỉ đạo, xin ý kiến lãnh đạo thành phố Hà Nội, giải quyết dứt điểm giúp người dân KTT H36 được an cư.
Ông Tuấn cũng chỉ rõ: “Trong biên bản bàn giao, chúng tôi làm việc với Công ty Xây lắp hóa chất. Công ty Đầu tư và Xây lắp H36 không có thẩm quyền. Nhưng đơn vị này đã tự ý làm sai tổng mặt bằng được thành phố phê duyệt, không đúng tinh thần chỉ đạo. Trong quá trình làm, họ báo cáo là làm lán tạm. Chính Công ty Xây lắp hóa chất cũng có văn bản gửi về UBND quận khiếu nại về Công ty Đầu tư và Xây lắp H36 mắc sai phạm. Nếu hai bên sớm không sớm thống nhất xử lý, chúng tôi sẽ đề nghị rút dự án”.
Một trong những dự án khiến người dân chịu nhiều nỗi cơ cực, mỏi mòn chờ đợi nhất là KTT C1 Thành Công (quận Ba Đình). Năm 2008, do nhiều trận mưa kéo dài, tòa nhà bị nghiêng lún nghiêm trọng. UBND thành phố Hà Nội đã ra quyết định di dời các hộ gia đình, chuyển về sống tạm tại tòa nhà N06 phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), giao mặt bằng cho Tổng công ty XD công trình giao thông 1 làm chủ đầu tư xây mới.
Dự án dự kiến hoàn thành sau hai năm thi công, 2010. Vậy nhưng, trong quá trình thi công móng công trình, một số người dân nhà C1 đã đến công trường ngăn cản khiến dự án không thể triển khai. Ông Nguyễn Phong Cầm, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, có 76/110 hộ dân đồng thuận, còn lại không đồng ý với hộ số tái đinh cư 1,4 lần và đề nghị được tính hệ số cao gấp đôi như một số dự án khác trên địa bàn quận.
Có cả trăm cách mà các cơ quan cho là đang ngăn cản tiến độ các dự án cũng như chỉ thị của thành phố. Còn người dân thì chỉ có một con đường là chờ đợi và chờ đợi. Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ để các dự án không chỉ “nằm trên giấy” đòi hỏi những nỗ lực của các cơ quan chức năng. Gần một triệu cư dân đang sống trong các chung cư cũ chật chội đang mong mỏi một chính sách đủ mạnh có thể thay đổi toàn bộ cục diện.