Ít người biết rằng có thể nhìn nhận hiện tượng này ở góc độ của cộng đồng LGBT (song tính, đồng tính và chuyển giới) khi họ chọn tôn giáo như một phương thức khác để sống với thế giới của mình.
Bị tín ngưỡng chối bỏ và sống nhờ tôn giáo
Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XII đã thông qua Bộ luật Dân sự năm 2015, trong đó có Điều 37 thuộc nhóm quyền nhân thân cho phép chuyển đổi giới tính. Đây được xem là một bước tiến lớn trong việc công nhận, bảo vệ quyền lợi cho những người chuyển giới ở Việt Nam vì họ sẽ được xác định lại họ tên, thụ hưởng các quyền nhân thân giống như các công dân bình thường khác theo giới tính mà họ đã chuyển đổi.
Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tiễn là một khoảng cách khá xa, việc chuyển đổi giới tính ở Việt Nam bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các yếu tố khác nhau mà tín ngưỡng và tôn giáo là một trong những yếu tố quan trọng.
Trong bài tham luận “Một số yếu tố ảnh hưởng đến việc chuyển đổi giới ở Việt Nam hiện nay” trình bày tại hội thảo khoa học “Góp ý Luật Chuyển đổi giới tính” diễn ra mới đây, hai Thạc sĩ luật Bế Hoài Anh và Đặng Quang Huy - Khoa Pháp luật Dân sự, ĐH Luật Hà Nội cho biết, từ thời xa xưa, để duy trì và phát triển sự sống, ở những vùng sinh sống bằng nghề nông cần có mùa màng tốt tươi và con người được sinh sôi nảy nở.
Những trí tuệ sắc sảo thì tìm các quy luật khoa học để giải thích hiện thực và họ xây dựng nên triết lý âm dương. Còn những trí tuệ bình dân thì nhìn thấy ở thực tiễn đó sức mạnh siêu nhiên mà họ sùng bái như thần thánh và xây dựng nên tín ngưỡng phồn thực (phồn: nhiều; thực: nảy nở). Tín ngưỡng phồn thực mang tính phổ quát rộng lớn trong kho tàng tín ngưỡng độc đáo của văn hóa dân gian Việt Nam.
Trong tín ngưỡng phồn thực, việc giao phối giữa nam và nữ nhằm phát triển giống nòi rất được coi trọng nên những mối quan hệ giữa những người cùng giới tính được coi là trái tự nhiên, ngược lại với niềm tin của tín ngưỡng này.
Từ góc độ tôn giáo, theo Thạc sĩ luật Bế Hoài Anh và Đặng Quang Huy, các hệ thống tôn giáo khác nhau về bản chất nhưng đều coi gia đình là nơi bị chi phối mạnh mẽ nhất. Quan niệm này đã tác động đối với người dân khi xem xét, nhìn nhận hay đánh giá về giới tính và bản dạng giới (bản dạng giới là cảm nhận nội tâm sâu sắc và những trải nghiệm về giới của một người mà có thể không tương ứng với giới tính khi sinh ra, bao gồm nhận thức cá nhân về cơ thể và những thể hiện về giới, bao gồm phục trang, lời nói và điệu bộ.
Những người có bản dạng giới không trùng với giới tính khi sinh ra thường được gọi là người chuyển giới - PV). Ví dụ, do chịu ảnh hưởng bởi Nho giáo, ở nhiều nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, người chồng là trụ cột, quyết định đến cuộc sống gia đình còn người vợ phải phục tùng, chung thủy với chồng, sinh con để nối dõi tông đường. Do đó, những gia đình kiểu khác biệt giữa nam với nam, nữ với nữ mà không thể sinh con không được chấp nhận.
Ngoài ra, rất nhiều tôn giáo đưa ra quan điểm về một thế giới chỉ có nam và nữ mà không thừa nhận sự đa dạng về bản dạng giới và xu hướng tính dục (chỉ sự bị hấp dẫn về mặt tình cảm hoặc về mặt tình dục bởi người khác giới tính hoặc người cùng giới tính với mình hoặc cả hai một cách lâu dài - PV).
Ví dụ, thế kỷ XIX, Thiên Chúa giáo đã có những định kiến nhất định đối với vấn đề có liên quan đến đồng tính luyến ái, trong đó có vấn đề chuyển đổi giới tính. Trong Hồi giáo, chuyển đổi giới tính được xem là bất hợp pháp và thậm chí một số quốc gia còn quy định hình phạt cho người chuyển đổi giới tính.
Đối với Phật giáo, Đức Phật cho phép sự chuyển đổi giới tính hợp pháp, đảm bảo các quyền lợi về nhân thân cũng như trách nhiệm của cá thể này trong những mối quan hệ tương ứng, thể hiện sự tôn trọng và bình đẳng đối với người chuyển giới…
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, theo Thạc sĩ luật Bế Hoài Anh và Đặng Quang Huy, một số người chuyển giới lại chọn tôn giáo như một phương thức khác để sống với thế giới của mình. Đó là hiện tượng lên đồng.
Theo đó, một số người chuyển giới được cho là có căn của một vị Thánh trong Tứ Phủ (Thiên: trời; Địa: Đất; Thoải: nước; Thượng Ngàn: rừng). Tính cách của các vị thánh được cho là ứng với những người có căn của các ngài, nên nếu như một người có căn của các đức ông hoàng, căn các cô thì sẽ nữ tính hoặc nam tính. Đối với họ, chỉ trong thế giới tâm linh đó, họ được tôn trọng, có thể sống đúng với bản dạng giới của mình mong muốn.
Quan niệm về giới tính hiện đại không quá khác với quan niệm của những Phật tử xa xưa
Có thể nói trong số các tôn giáo có đông tín đồ trên thế giới như Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Phật giáo thì Phật giáo có cái nhìn tương đối cởi mở về vấn đề chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, đây cũng là một hành trình đầy gian nan của nhận thức mà trong bài viết “Một góc nhìn về vấn đề chuyển giới trong Phật giáo” của Dustin Hall do Huy An dịch đã phần nào đề cập.
Theo tác giả Dustin Hall, quan niệm về giới tính hiện đại không quá khác với quan niệm của những Phật tử xa xưa. Ví dụ, cả hai phân loại giới tính dựa trên ba đặc điểm: chính yếu (giới tính giải phẫu học), thứ yếu (sự biểu hiện giới tính), và thứ ba (nhận dạng giới tính).
Cả hai bao gồm nam, nữ và những người liên giới tính và cả hai thừa nhận rằng có những giới tính khác ngoài ba loại này. Tuy nhiên, quan niệm về giới tính hiện đại bao gồm ngôn ngữ nói về việc chuyển giới và có một cách hiểu cụ thể về chuyển giới, trong khi những bản kinh Phật giáo không có. Thuật ngữ “chuyển giới” là một khái niệm lệch nhịp với ngôn ngữ và cách hiểu của những học giả Ấn Độ cổ đại.
Nếu nói rằng chuyển giới không tồn tại trong kinh điển Phật giáo là một sai lầm. Có nhiều minh họa trong kinh điển Phật giáo mà chúng cho thấy rằng việc thay đổi giới tính của một người là điều có thể. Nhưng quá trình thực hiện cổ xưa được giải quyết bằng thần lực và lời nguyện hơn là bằng các bác sĩ, tuy nhiên giới tính có thể được chuyển đổi một cách hiệu quả từ người này sang người khác…
Trong những cộng đồng Phật giáo hiện nay, có nơi việc quyết định nhận người xuất gia dựa vào trải nghiệm thực tiễn hơn là dựa vào giáo lý và có khuynh hướng xem vấn đề giới tính không phải là điều đáng bàn đến; nhưng có những cộng đồng khác sử dụng giáo pháp làm căn cứ cho việc chỉ nhận người nam xuất gia thọ giới và cũng bao gồm những người mà họ có thể chứng minh bản thân là người nam.
Bởi vì các Phật tử không có một hệ thống giáo lý rõ ràng liên quan đến việc xử lý những người chuyển giới bên trong Tăng đoàn, những người có thẩm quyền trong Phật giáo không thể giải quyết việc xuất gia cho người chuyển giới như thế nào và cách biện minh cho những quyết định của họ trong từng trường hợp cụ thể ra sao. Cách hiểu hiện đại về chuyển giới thì khác với khái niệm giới tính trong kinh điển, và bản thân kinh điển cũng không nhất quán và không rõ ràng trong việc giải quyết những vấn đề giới tính…
Người chuyển giới vẫn quy y & tu học bình thường
“Tôi 27 tuổi, là người đã chuyển giới tính thành nữ được hai năm nay. Hiện tại tôi đang học lời Phật dạy và ứng dụng thực hành theo. Tôi mong được tham dự lễ quy y Tam bảo, nhưng có lẽ những người như tôi sẽ không được chấp nhận? Nếu không được quy y nữa thì tôi có được xem là Phật tử chân chính không? (tranngocphuong1990@yahoo.com)
“Bạn Ngọc Phương thân mến! Bạn mong muốn được tham dự một lễ quy y chính thức, tự thân bạn đối trước Tam bảo phát nguyện trọn đời quy hướng thì hãy nhanh chóng đến chùa đăng ký để được quy y. Mọi người với mọi hoàn cảnh, giới tính khác nhau (nếu không phạm pháp) đều có thể quy y để trở thành Phật tử, tu học theo Chánh pháp để hoàn thiện mình” (tuvangiacngo@yahoo.com)
(Nguồn: Báo Giác ngộ)