“Nữ Bí thư Đảng ủy dám nghĩ, dám làm” là cái tên người dân ở xã Việt Thành gọi chị Lụa. Với sự chủ động quyết tâm dám nghĩ, dám làm cùng việc phát huy tinh thần tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, chị Lụa đã bàn với cấp ủy, cùng UBND xã mạnh dạn quy hoạch xã thành 3 vùng phát triển kinh tế tập trung dựa trên thế mạnh từng vùng.
Với sự cần cù của người dân trong xã và qua nắm bắt thị trường, đến nay diện tích cây dâu toàn xã là 108ha, các tổ hợp tác được quan tâm vay vốn ưu đãi, đất sản xuất đã phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, hàng năm thu được hơn 22 tỷ đồng từ việc bán tơ tằm.
Không những thế, qua vận động, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã đã tự nguyện hiến trên 57.000m2 đất để làm sân thể thao, nhà văn hóa thôn; đóng góp nâng cấp điện chiếu sáng ở 5 trong số 8 thôn, làm mới 11km đường bê tông, mở mới 9,3km đường ra khu sản xuất. Đảng bộ xã Việt Thành nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh, chị Lê Thị Lụa từ năm 2010 đến nay được UBND tỉnh Yên Bái tặng 9 bằng khen cùng nhiều phần thưởng…
Tấm gương chị Lụa thật đúng như câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Và tại triển lãm lần này, câu nói này đã được TS Vũ Mạnh Hà – Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nhắc đến trong bài diễn văn khai mạc triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 7.
TS Vũ Mạnh Hà cho biết, với gần 300 ảnh, tài liệu, triển lãm giới thiệu những tấm gương tiêu biểu của tập thể, cá nhân trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. “Mỗi hình ảnh, mỗi bài viết là một câu chuyện cảm động về các tập thể và những con người bình dị đã vượt lên hoàn cảnh, số phận, dám nghĩ, dám làm, dốc lòng, dốc sức vì lợi ích cộng đồng, vì sự bình yên và phồn vinh của đất nước”, TS Vũ Mạnh Hà nhấn mạnh.