Vì sao Gia Lai không đạt kế hoạch phát triển luật sư?

(PLVN) - Thực hiện tinh thần Nghị quyết 49 ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Luật sư (LS) và đáp ứng nhu cầu tham gia đầy đủ những vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng các cấp; ngày 30/8/2011, Đoàn LS tỉnh Gia Lai đã họp bàn, thống nhất đặt ra mục tiêu kế hoạch là phấn đấu phát triển đội ngũ LS của tỉnh đến năm 2020 có từ 100 LS trở lên.


Các luật sư Đoàn Luật sư Gia Lai tham gia tố tụng tại TAND tỉnh
Các luật sư Đoàn Luật sư Gia Lai tham gia tố tụng tại TAND tỉnh

Cụ thể, giai đoạn 2011-2015 phát triển mới 40 LS; giai đoạn 2016-2020 phát triển thêm 43 LS. Tuy vậy, từ năm 2011 đến nay, Đoàn LS tỉnh Gia Lai mới chỉ phát triển được 22 LS, nâng tổng số LS trong toàn tỉnh này lên 39 thành viên. Đây là con số rất khiêm tốn đối với một tỉnh có dân số gần 1,5 triệu người như tỉnh Gia Lai. Vậy, vì sao nhiều năm liền không đạt kế hoạch phát triển LS?

Thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh Gia Lai và Liên đoàn LS Việt Nam đã quan tâm hỗ trợ cho Đoàn LS tỉnh này như học tập, bồi dưỡng, nghiên cứu chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nghiệp vụ hành nghề... Các cơ quan tiến hành tố tụng trong tỉnh cũng đã phối hợp với Đoàn LS tỉnh thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhờ vậy mà các thành viên trong Đoàn LS tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ, không để xảy ra những vi phạm pháp luật và quy tắc đạo đức nghề LS. 

Từ đầu năm 2019 đến nay, các thành viên trong Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai đã tham gia tố tụng khoảng 80 vụ án hình sự; 30 vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, kinh doanh thương mại, hành chính; 30 vụ việc tư vấn pháp luật; 20 vụ việc đại diện ngoài tố tụng; hàng trăm vụ việc trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp lý miễn phí cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số... Hầu hết các vụ án hình sự đều do các cơ quan tiến hành tố tụng trong tỉnh yêu cầu LS tham gia bào chữa, rất ít số vụ do đương sự mời LS.

Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do thiếu thông tin, thiếu thù lao và có cả từ công tác xét xử chưa thật sự tuân thủ nghiêm minh các quy định của pháp luật; thậm chí vi phạm tố tụng, làm LS và các đương sự bất bình.

Một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch phát triển LS không đạt kết quả tốt trong nhiều năm qua là thu nhập của LS. Đến nay, hầu hết các thành viên trong Đoàn LS tỉnh Gia Lai đều có mức sống trung bình, còn phải đi thuê văn phòng để hành nghề. Nhiều LS học hành chính quy, tốt nghiệp cử nhân luật loại khá giỏi, có thâm niên hơn 15 năm trong nghề, nhưng thu nhập vẫn thấp nên đành phải xin rút khỏi Đoàn Luật sư tỉnh để chuyển sang lĩnh vực khác hoạt động.

Luật sư Tống Đức Ngũ -Đoàn LS tỉnh Gia Lai chia sẻ: “Mùa màng thất bát, giá cả các mặt hàng nông sản xuống quá thấp làm đời sống của bà con nói chung, của các thân chủ nói riêng lâm vào cảnh khó khăn. Thực tế này đã làm khó, thậm chí có tình trạng nợ đọng tiền trả thù lao của LS. Nhiều năm nay, Văn phòng LS Hà Trung do LS Tống Đức Ngũ làm chủ phải phân công người đi đòi nợ tiền thù lao, tiền cung cấp các dịch vụ pháp lý. Tuy vậy, đến nay, rất nhiều thân chủ vẫn chưa có khả năng trả nợ hơn trăm triệu đồng...”.

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Hoàng Ngọc Xuân - Phó Chủ nhiệm Thường trực Đoàn LS tỉnh Gia Lai cho biết: “Do thiếu việc làm, khó khăn về kinh tế nên nhiều LS, nhất là những LS trẻ đã làm đơn xin rút khỏi Đoàn đi làm công chứng viên hoặc chuyển đi hành nghề ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng... Trước thực trạng này, Đoàn Luật sư tỉnh đã chủ động vận động, tạo mọi điều kiện cho các thành viên hành nghề, nhưng số lượng LS vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra...”. 

Đọc thêm