Mua bán kinh doanh thuốc lá điện tử: Xử lý nghiêm để răn đe

(PLVN) - Mặc dù thuốc lá điện tử chưa được phép lưu hành tại Việt Nam nhưng điều đáng lo ngại là sản phẩm này hiện có thể mua bán một cách dễ dàng trên thị trường.
Ảnh minh họa. (Ảnh: tuyengiao.vn)

Những năm gần đây, tại Việt Nam xuất hiện nhiều sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDs), thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco Product - HTPs) và shisha. Các sản phẩm này hiện chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, tuy nhiên việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng internet. Chủ yếu các sản phẩm đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, được đưa vào Việt Nam qua đường nhập lậu, xách tay… và bán tràn lan trên các trang mạng xã hội.

Thuốc lá điện tử hấp dẫn giới trẻ bởi thiết kế bắt mắt, nhỏ gọn, thời trang, đóng gói như kẹo, nhiều hương vị, giá rẻ… Ngoài ra, sản phẩm này còn được một số người nổi tiếng quảng cáo và bán qua các trang thương mại điện tử nên càng dễ tiếp cận tới giới trẻ. Nhiều cách quảng cáo che đậy tác hại của thuốc lá điện tử, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng như “Thuốc lá điện tử không hại như thuốc là truyền thống”, “Hút thuốc mà không hại sức khoẻ, ngại gì không thử?”,…

Khác với những lời quảng cáo, thuốc lá điện tử cũng gây nghiện và độc hại như thuốc lá truyền thống. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các sản phẩm thuốc lá đều độc hại với sức khoẻ và đến nay ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử gây nguy hại đối với sức khoẻ cộng đồng tương tự thuốc lá thông thường.

Theo báo cáo của WHO, hiện nay có khoảng 20.000 loại hương liệu được sử dụng trong các sản phẩm thuốc lá điện tử, trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe.

Song song đó, WHO cũng khuyến cáo, thuốc lá làm nóng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Nồng độ một số hóa chất thấp hơn trong thuốc lá điếu thông thường, nhưng nồng độ một số hóa chất khác lại cao hơn và nồng độ hóa chất thấp không đồng nghĩa với giảm nguy cơ sức khỏe. Khói thuốc nung ngoài gây hại cho người hút thì còn gây tác hại cho người xung quanh do hút thuốc thụ động.

Ngoài ra, với việc hầu hết các loại thuốc lá điện tử trên thị trường đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được kiểm định an toàn cháy nổ có thể dẫn đến trường hợp phát nổ. Đã có nhiều trường hợp cho thấy thuốc lá điện tử có thể gây cháy, nổ dẫn đến thương tích cho người dân và khu vực xung quanh. Thuốc lá điện tử gây cháy nổ phần lớn lỗi xảy ra với pin Lithium trong thuốc lá điện tử.

Nhận thấy mối nguy hại và nhằm ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm nói trên, Bộ Y tế vừa có công văn do Thứ trưởng Trần Văn Thuấn ký, gửi UBND các tỉnh/TP, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông về tăng cường truyền thông các tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha; kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Điều tra năm 2019 của WHO cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15 - 17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở độ tuổi 13 - 15 là 3,5%.

Theo Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA), đa phần thuốc lá điện tử có chứa nicotine - chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư. Sử dụng nicotine quá liều gây ngộ độc. Nghiện nicotine là một trong những nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, đột quỵ.

Nicotine trong thuốc lá điện tử gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, vì não bộ của trẻ đang trong giai đoạn phát triển. Nicotine cũng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi trong thai kì. Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh trong não khiến người dùng ở nhóm tuổi trẻ dễ bị nghiện nicotine hơn, vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai.

Đọc thêm