Múa dân tộc ngắc ngoải vì sinh nhiều 'con lai dị hợm'?

(PLO) - “Phải chăng, giờ đây các biên đạo múa sống nhà cao nên khuất non xanh, không dứt nổi sự níu kéo của phố phường để mà dành thời gian viếng thăm điền dã nơi gốc tích của các dân tộc thiểu số nên họ đã “sản sinh” ra những đứa con lai múa đầy dị hợm?”- Nghệ sĩ Khắc Tuế đặt câu hỏi đầy day dứt.
Maya mặc trang phục H’Mông khi biểu diễn một bài hát dân ca Thái khiến khán giả bức xúc.

Câu hỏi trên được đưa ra trong hội thảo “Từ múa dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam đến tác phẩm múa chuyên nghiệp” do Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội. 

Múa dân tộc Thái - mặc trang phục H’Mông

Nghệ sĩ múa Khắc Tuế rất băn khoăn về múa Việt Nam đang đi lệch chuẩn, không trọn vẹn. Múa dân gian đang vắng bóng 53 dân tộc thiểu số anh em, 53 trang sử làm nên nền văn hóa thuần Việt! “Múa Việt Nam bây giờ đang đi theo cái “thế giới phẳng”, theo cơ chế thị trường: dập dìu chứng khoán, nhà tầng thang máy, rượu mạnh quán bar, xe hơi, đường cao tốc. Bây giờ, biên đạo cứ cho múa ra đời tơi tới, hết đoàn này, tỉnh khác. Sáng tác xong nhận tiền rồi cũng là xong luôn. Có người đến nỗi không kịp đếm xem năm qua mình đã cho ra đời bao nhiêu tác phẩm múa. Biên đạo của ta bây giờ ở trong tình trạng “sinh đẻ không kế hoạch”. Họ đẻ nhiều đứa “con lai” mà chả thấy bóng dáng những đứa con… thuần Việt”- nghệ sĩ Khắc Tuế rầu lòng. 

Nghệ sĩ Trần Tấn Thông cùng tâm trạng khi ông thấy những chương trình nghệ thuật biểu diễn hiện nay ở nước ta  xuất hiện nhiều hình tượng nhân vật từ hàng ngàn năm trước: Lạc Long Quân - Âu Cơ, Hai Bà Trưng… nhưng ăn mặc lại rất hiện đại. Hoặc có những điệu múa dân gian khi trình diễn lại quá xa lại với thẩm mỹ trang phục truyền thống của dân tộc đó. Cụ thể, trong chương trình Gala Nhạc Việt số 7 và chương trình Hòa âm ánh sáng liveshow 4, việc ca sĩ Maya và các vũ công vũ đoàn mặc trang phục H’Mông nhưng lại biểu diễn ca khúc dân ca Thái “Inh lả ơi”. Điều này đã làm sai lệch cách nhìn về văn hóa của các dân tộc.

Lại có một tác phẩm múa mà các diễn viên đóng là các cô gái H’Mông mặc váy mỏng tang, tay cầm ô, khá lộng lẫy. Tấm váy mỏng, rộng trùm kín lên đầu các diễn viên khác đã gây phản cảm cho khán giả, đặc biệt là người dân tộc H’mông. Chưa hết, có tác phẩm một cô gái Mường nằm ngửa ưỡn ngực trên thành một chiếc chiêng lớn. Còn diễn viên nam lom khom tay phải ôm chặt núm chiêng và hôn vào núm chiêng. Hình ảnh này phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục của người Việt. 

Đây chỉ 4 trong vô vàn câu chuyện đáng buồn trên các chương trình biểu diễn múa dân tộc hiện nay.

Lai tạp khắc “chết yểu” 

Nhiều ý kiến lo ngại khi thấy sự kết hợp giữa múa dân gian với múa đương đại có nhiều chỗ khập khiễng, tham động tác, đội hình, thậm chí có chỗ kết hợp thô thiển, gợi dục, hay có xu hướng cường điệu hóa, huyền bí hóa. Rất nhiều khán giả không thể nhận ra trang phục này của dân tộc nào, vùng miền nào, thuộc hệ dân tộc nào khi kết hợp với điệu múa dân gian.

Có tác phẩm múa bị lẫn lộn giữa phong tục này với phong tục khác hoặc sử dụng nhạc cụ dân tộc chưa tinh tế, pha trộn nhiều nhạc cụ hiện đại. NSƯT Vũ Lân nhận xét: “Tôi thấy âm nhạc điện tử thống lĩnh đến 80% tác phẩm dự thi múa dân gian, trong đó có những bản nhạc được cắt dán lộ liễu, vụng về như ghi âm lời thầy cúng rồi lắp ghép với các đoạn xập xình. Mà cái kiểu dùng “máy trộn computer” làm âm nhạc cho tác phẩm múa không phải chỉ có ở cuộc thi múa dân tộc mà đang là vấn nạn của ngành múa hiện nay”. 

Nhiều chuyên gia “cây đa, cây đề” ngành múa nhận xét, các biên đạo trẻ hiện nay chưa có trải nghiệm, thực địa để hiểu biết về đặc trưng văn hóa cũng như các tầng văn hóa ẩn chứa trong mỗi vũ điệu. Vì vậy, họ sáng tạo còn khiên cưỡng, nông cạn. Điều này đã biến những tác phẩm múa có quy mô lớn, chất lượng cao thành những tác phẩm chất lượng thấp, giá trị càng thấp hơn. Tuổi thọ của một số tác phẩm múa chuyên nghiệp hàng chục năm qua rất thấp. Đa phần, các tác phẩm “chết yểu” chỉ 1-2 năm sau khi ra đời. 

NSND Lê Huân gợi ý: “Ta có thể phối hợp các dòng múa cổ điển châu Âu, múa đương đại, danceport, hiphop… với múa dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam để tạo ra tác phẩm mang hơi thở thời đại được không? Tôi cho rằng hoàn toàn có thể. Nếu người biên đạo biết chọn lựa, sử dụng cho đúng với tinh thần, tình cảm của dân tộc, đúng với thẩm mỹ dân tộc”. 

Nếu biên đạo múa không hiểu biết sâu rộng về dân tộc, lịch sử, xã hội, phong tục tập quán, văn hóa các dân tộc thiểu số thì sẽ dẫn tới hệ quả tạo ra những tác phẩm kỳ dị, lạc loài, lai căng, kéo lùi ngành múa vốn đã mờ nhạt trong bản đồ nghệ thuật Việt Nam.

Đọc thêm