Mùa Vu lan và “vấn nạn” phóng sinh

(PLVN) - Những con chim bị cắt cánh, bị thương, bị bỏ đói chờ phóng sinh, những con rùa núi bị thả xuống nước, những con cá bị đổ xuống ao tù nước đọng... Đó là thảm cảnh của nhiều loài động vật trước “vấn nạn” phóng sinh mỗi mùa Vu lan.
Những chú chim kiệt sức trước khi được phóng sinh. (Ảnh: Tú Linh)

Mỗi dịp rằm tháng bảy, nhiều người lại “đua” nhau đốt vàng mã và lạm dụng phóng sinh. Tại các chợ Hà Nội những ngày này thường bày bán la liệt các loại chim như: bồ câu, khuyên, chào mào, chích chòe, sáo, vẹt, yểng… Phần lớn đây là chim bẫy được ở các cánh rừng từ khắp nơi như: Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Ninh Bình, Thanh Hóa… được dồn về Hà Nội chờ người mua phóng sinh.

Một người đàn ông bán chim phóng sinh khoe: “Những ngày này, trung bình cửa hàng tôi bán hàng trăm con chim các loại, chủ yếu như bồ câu, chim én, chim sẻ giá từ 50 - 100 nghìn đồng/con tùy loại. Nhưng có nhiều người chơi sang mua hẳn khướu bạc má, họa mi, cu gáy có giá khoảng 500 - 700 nghìn đồng/con”.

Ở những phiên chợ chim nhộn nhịp này, dường như ít người đến thưởng chim và cũng ít nghe tiếng chim hót, chỉ thấy những tiếng đập cánh xao xác, khô khốc vào nan lồng. Người bán cắm cúi cắt cánh chim, để khi chim được phóng sinh không thể bay xa hoặc không cất nổi cánh. Sau khi nghi lễ phóng sinh hoàn tất, những người này có thể lại bắt những con chim đó nhốt vào lồng để... bán tiếp cho người khác. Qua nhiều lần mua đi bán lại, có con chim bị thương, nằm thoi thóp, hoặc chết đói, chết khát rồi bị quăng ra đường.

Không ít người chuộng phóng sinh rùa vì cho rằng sẽ được trường sinh, nhưng loài này rất khó sống khi không ở trong điều kiện thích hợp. Nhiều loài rùa núi lại bị phóng sinh xuống ao chùa và chết sau vài ngày. Đặc biệt, nhiều loài trong đó được xếp vào nhóm loài đặc biệt nguy cấp và được pháp luật bảo vệ.

Cứ như vậy, chim, rùa, cá, ốc và rất nhiều động vật khác đã bị hành hạ khi biến thành “công cụ” cho lễ phóng sinh.

Vậy phóng sinh như thế nào cho đúng? Theo giáo lý nhà Phật, khi gặp con vật đang bị nạn, như: cá bị mắc cạn, rùa, chim chuẩn bị đem đi giết để làm thực phẩm... mọi người thương xót, mang lòng từ bi cứu các con vật, giúp chúng trở về nơi nó sinh tồn. Mọi người cần nắm rõ môi trường cũng như điều kiện sống của chúng để bảo đảm rằng sau khi phóng sinh, những con vật này có thể tiếp tục sống lâu dài. Khi thực hiện phóng sinh, cần thao tác nhanh gọn rồi thả loài được phóng sinh đi ngay, tránh để chúng bị tù túng, ngột ngạt, gây cảm giác sợ hãi.

Sư thầy Thích Trí Thịnh - Phó Trưởng Ban Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng nhắn nhủ: “Khi bàn về nghĩa bóng, phóng sinh là phóng thích những cái tâm ô uế như cái tâm tham, cái tâm đố kị, cái tâm hơn thua, cái tâm thù hận... ra khỏi con người mình để mình được tự do. Tự nhiên cuộc sống sẽ trở nên bình yên, an lạc. Còn mình để những cái tâm đó trong lòng thì những người gần mình cũng sinh ra thù hận, tạo ra cho họ sự thù hận. Ý nghĩa sâu xa của việc phóng sinh trong đạo Phật là như vậy, chứ không phải là mua nhiều rùa, chim, con cá rồi đem đi phóng sinh”.