Mục tiêu phụng sự

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một Nhà nước pháp quyền XHCN không thể có với tư duy “cơi nới sân bãi”, đặt lợi ích bộ, ngành cao hơn lợi ích đất nước, loay hoay mãi với “quyền anh, quyền tôi” trong bộ máy nhà nước.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đại hội XIII của Đảng xác định vị trí của nhiệm vụ, nội dung, biện pháp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, thể hiện tư duy mới và những bước phát triển mới về chất so với các kỳ đại hội trước. Về vị trí của nhiệm vụ, Văn kiện xác định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”.

Để đất nước phát triển phải có Nhà nước pháp quyền; hay nói cách khác, đó là yếu tố chen chốt bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước, trước mắt và lâu dài. Do vậy, Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Chiều 14/3, tại Phủ Chủ tịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã có buổi làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học để đánh giá tiến độ, thống nhất phương thức xây dựng dự thảo Đề án. Chủ tịch nước nhấn mạnh đến yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đầy đủ, không né tránh những vấn đề bất cập, tồn tại kéo dài, bất hợp lý hiện nay. “Nếu chúng ta không sửa những bất cập, tồn tại thì chúng ta sẽ tiếp tục thất bại”, Chủ tịch nước khẳng định.

Một Nhà nước pháp quyền XHCN không thể có với tư duy “cơi nới sân bãi”, đặt lợi ích bộ, ngành cao hơn lợi ích đất nước, loay hoay mãi với “quyền anh, quyền tôi” trong bộ máy nhà nước. Chỉ riêng điều này, đã cho thấy trách nhiệm của những người “thiết kế” chính sách, pháp luật chung của đất nước phải có tầm nhìn dài hạn, toàn cục; biết hy sinh “lợi ích nhiệm kỳ”.

Nhấn mạnh đến các mốc thời gian quan trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị cần sớm tổng kết các vấn đề còn nhạy cảm, phức tạp để báo cáo cơ quan có thẩm quyền với tinh thần “vì nước, vì dân” với phương pháp khoa học, đúng đắn và thuyết phục. Kinh nghiệm cho thấy, nếu biết “vì nước, vì dân” thì bớt được rất nhiều “rào cản” nhạy cảm.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh đến “nguyên tắc pháp quyền” trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp của các cơ quan nhà nước và trong xây dựng nền hành chính nhà nước. Nhiều nội dung vĩ mô, phải làm từng bước; tuy nhiên có những nội dung cho thấy, không thể chờ đợi. Ví dụ, cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín đối với nhân dân. Hay nói cách khác, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là quá trình nhận thức, phát triển tư duy của Đảng ta ngày càng hoàn thiện hơn; đồng thời, là một nhiệm vụ quan trọng. Thực hiện hiệu quả là thiết thực góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và ngược lại, góp phần đổi mới hệ thống chính trị, phụng sự lợi ích đất nước.

Đọc thêm