Đà Nẵng lại sục sôi sau tin đồn trúng hàng chục kilogam vàng

(PLO) - Một tháng nay, các bãi vàng nằm dọc khu vực miền Trung và Tây Nguyên đang nóng trở lại. Đặc biệt sau khi xuất hiện tin đồn một nhóm làm vàng quê ở xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đã trúng nguyên một vỉa vàng ròng trong khi đang khai thác vàng trái phép ở bãi vàng Khe Đương.
Đà Nẵng lại sục sôi sau tin đồn trúng hàng chục kilogam vàng
Giấc mơ tìm vận may từ lòng đất
Lần theo lời đồn có người trúng đậm vàng ở bãi Khe Đương (thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), dân làm vàng từ nhiều địa phương không hẹn mà cùng nhau đánh đường tìm về hướng Khe Đương để “đánh cược với trời” và chờ đợi tìm vận may từ trong lòng đất. Một cán bộ trong Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Hòa Vang cho biết: Không biết thực hư thế nào, nhưng tin đồn nhóm thợ trúng vàng cứ từng ngày được truyền đi trong giới làm vàng mỗi lúc một ly kỳ hơn. Bãi vàng Khe Đương nơi Công ty Trường Sơn (có trụ sở tại Hà Nội) được cấp phép khai thác vàng từ năm 2009 và đã hết giấy phép khai thác hồi đầu năm 2014, suốt một thời gian qua tưởng chừng đã yên ắng, nay sục sôi trở lại.
Chúng tôi đánh đường tìm đến bãi Khe Đương để tận mục sở thị cảnh đào bới tan hoang ở những cánh rừng thuộc Tiểu khu 27, 29 của vùng rừng Hòa Bắc. Suốt dọc con đường rất nhiều khúc quanh, đá núi ghồ ghề, lởm chởm. Nhiều cành cây bị dân làm vàng chặt phá để sử dụng vào việc dựng lán trại trú thân, thậm chí có những điểm lửa thổi cơm vẫn còn ngùn ngụt cháy…
Máy đào được chủ bãi vàng đưa vào rừng để bạt núi.
Máy đào được chủ bãi vàng đưa vào rừng để bạt núi. 
Khoát một vòng tay về phía cánh rừng, Trung tá Nguyễn Văn Tăng – Phó trưởng Công an huyện Hòa Vang cho biết: “Dân làm vàng có một đặc tính, cứ hễ nghe đồn ở đâu trúng vàng là xúm tụm lại để bới đào, kiếm tìm. Vàng có hay không chưa biết, nhưng tình trạng lộn xộn, gây mất an ninh trật tự ở vùng núi rừng này là điều có thật. Mỗi khi như thế, chúng tôi lại thành lập đoàn liên ngành để đến kiểm tra, đẩy đuổi, tuy nhiên, một thực tế đang tồn tại là khi khuất bóng đoàn kiểm tra thì vàng tặc lại tái diễn sự lộng hành…”.
Ở khu vực bãi vàng Khe Đương này, dân săn vàng chủ yếu  tận dụng những hầm vàng do Công ty Trường Sơn khai thác trước đây còn dang dở họ đánh mìn, đào bới rồi sàng đãi hòng tìm chút lộc trời. Nhiều đậu nậu săn vàng cho biết: Vốn liếng đầu tư cho công việc này là không hề nhỏ, có những nhóm đã nhiều tháng qua nhọc công tìm kiếm nhưng vàng đối với họ vẫn chỉ là một giấc mơ xa vời. Nhiều người lỡ phóng lao đành phải theo lao, nhưng cũng không ít người “ngã ngựa” đành phải từ giã rừng xanh, từ giã giấc mơ vàng…
Một nhóm thợ vàng đang làm việc ở bãi Khe Đương cho biết, ở nơi rừng thiêng nước độc này vẫn có quy luật riêng của nó. Tại bãi vàng dù lớn hay bé đều có các cai, còn gọi “đại bàng”. Để tồn tại, các “đại bàng” thường thiết lập một hệ thống “ra đa” cảnh giới. Vì vậy, thông tin từ bãi này, bãi khác, thông tin các đoàn kiểm tra được thường xuyên cập nhật để họ thay đổi phương thức làm ăn và đối phó với chính quyền sở tại…
Công an huyện Hòa Vang đẩy đuổi vàng tặc.
Công an huyện Hòa Vang đẩy đuổi vàng tặc. 
Xác xơ thân phận phu vàng
Nguyễn N., một phu vàng có thâm niên ở bãi vàng Khe Đương kể: Anh cùng những người bạn quê ở huyện Hòa Vang có nhiều năm sống bằng nghề tìm vàng ở đây. Ngày ra đi với thân phận của một kẻ tọ mọ (phu) thì hơn mười năm sau vẫn vậy, có khác chăng là ngày mới vào rừng các anh là những chàng thanh niên lực lưỡng, còn bây giờ là những xác thân cỗi cằn với nhiều thứ bệnh tật trong người. 
Vừa nói, anh N. vừa chỉ tay về phía dòng nước ngầu đỏ: “Đời sống ở đây vô cùng khắc nghiệt, suốt ngày phải tiếp xúc với tiếng nổ đến inh tai nhức óc của mìn, rồi bụi đất đá, nguồn nước ô nhiễm. Chưa kể là vì làm vàng theo kiểu bòn mót, tận dụng nên suốt ngày phải chui nhủi trong những hầm vàng rất sâu, có khi đến cả trăm mét trong lòng đất, ẩm thấp, ngột ngạt, thiếu ánh sáng và không khí. Cũng vì vậy mà đã có không ít những phu vàng xấu số đã mãi mãi bỏ mạng lại nơi này”.
Một cửa hầm vàng ở Khe Đương.
Một cửa hầm vàng ở Khe Đương. 
Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Trí - Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên sông Thanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng sông Thanh cho biết: Địa bàn xã Đắc Pring có 28 nghìn héc-ta đất lâm nghiệp, trong đó 23 nghìn héc-ta có rừng với 7 tiểu khu thuộc vùng lõi, Khu Bảo tồn thiên nhiên sông Thanh. Năm 2013, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên sông Thanh và Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng sông Thanh xử lý tình hình khai thác vàng trái phép ở đây không nổi nên đã cầu cứu tỉnh. 
Trong các năm 2012, 2013 và những tháng đầu năm 2014, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh đã cùng với Hạt kiểm lâm tổ chức hàng chục đợt truy quét, đập phá 19 máy xúc, nhiều máy nổ, tháo dỡ nhiều lán trại của bon khai thác vàng trái phép. Tuy nhiên, cứ sau những lần truy quét ấy thì vàng tặc vẫn quay trở lại để phá rừng…
Không riêng gì ở huyện Nam Giang. Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện nay đa số các huyện miền núi đều bị vàng tặc tấn công một cách không thương tiếc. Nhiều cánh rừng ở huyện Đông Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My hiện nay đều đang chịu sự tàn phá của những đội quân khai thác vàng trái phép. Hàng ngày, người dân sinh sống gần với các bãi vàng vẫn chịu cảnh điếc tai nhức óc vì vàng tặc nổ mìn để phá núi, đời sống thường nhật của họ cũng bị ảnh hưởng trầm trọng bởi nguồn nước bị ô nhiễm nặng, đó là chưa kể đến hiện tượng lũ quét, lũ ông đang như chực chờ đổ ụp lên cuộc sống của họ mỗi khi mùa mưa lũ đang đến gần. 
Vạn sự tại nghèo 
Những ngày đầu tháng 8 này, khi Tập đoàn Besra “mẹ” của Công ty vàng Bồng Miêu và Công ty vàng Phước Sơn tuyên bố đóng cửa và để lại những khoản nợ kếch sù, thì chỉ ít ngày sau, những công nhân từng làm việc tại đây đã rủ nhau đi vào rừng để làm…”vàng tặc”. Để tìm kiếm vàng sa khoáng trong lòng đất đổi lấy miếng cơm manh áo mỗi ngày, những “vàng tặc” vốn dĩ trước đó là công nhân hiền lành chất phác đã không ngần ngại đào bới, chặt phá cây rừng, gây nên cảnh tan hoang, đổ nát…
Anh Nguyễn Văn T., trước đây là công nhân của Công ty vàng Bông Miêu cho biết: Không phải những người đi khai thác vàng sa khoáng trái phép trong rừng không biết đến hậu quả khôn lường của việc chặt phá cây rừng và đào xới đất đá. Họ cũng biết sử dụng hóa chất, thậm chí là chất độc Cyanua để làm vàng là một tội ác với những người dân đang sinh sống dọc những dòng sông và vùng hạ lưu…
Tuy nhiên, theo anh T. thì vạn sự tại nghèo mà ra cả. Những người công nhân trước đây chỉ kiếm đủ tiền cho nhu cầu thường nhật, nay công ty đóng cửa chỉ dăm ba ngày khi những giọt mồ hôi nhọc nhằn chưa ráo trên lưng thì gia cảnh của họ đã rơi vào túng bấn. Đói là nỗi ám ảnh thường trực của những gia đình công nhân nghèo, vì lẽ đó mà họ đã ra đi để tìm kiếm cái ăn ngay trên những vùng đất, những cánh rừng của quê hương họ. Biết là sai, nhưng “thôi thì cuộc sống cứ đẩy đưa đến được chừng nào thì hay chừng ấy”.

Đọc thêm