Năm 2020 sẽ có khoảng 20.000 luật sư

 “Phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và nhu cầu của xã hội…” là một trong những quan điểm và định hướng của Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt ngày 5/7.

“Phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và nhu cầu của xã hội…” là một trong những quan điểm và định hướng của Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt ngày 5/7.

Lễ khai giảng lớp đào tạo luật sư.

Phát triển nghề luật sư ngang tầm khu vực và thế giới

Mục tiêu tổng quát được Chiến lược xác định là: Phát triển đội ngũ luật sư đến năm 2020 có từ 18.000 đến 20.000 luật sư, hành nghề chuyên sâu theo lĩnh vực pháp luật; nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, chất lượng hoạt động hành nghề luật sư, vị trí, vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng, từng bước phát triển, mở rộng thị trường dịch vụ pháp lý, tạo nền tảng để phát triển nghề luật sư Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, Chiến lược đặt mục tiêu phát triển các tổ chức hành nghề luật sư hoạt động chuyên môn hóa theo lĩnh vực pháp luật, chú trọng phát triển các tổ chức hành nghề luật sư có quy mô lớn, chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế, có khả năng cạnh tranh với các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài. Đồng thời, đổi mới công tác quản lý về luật sư và hành nghề luật sư trên cơ sở thực hiện có hiệu quả nguyên tắc quản lý nhà nước kết hợp với phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp luật sư, đề cao trách nhiệm của luật sư cũng như bảo đảm cơ chế để các luật sư thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ trong hoạt động hành nghề. Mặt khác, phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong tổ chức xã hội, nghề nghiệp của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư.

Nhiều giải pháp thực hiện

Để đạt được các mục tiêu trên, Chiến lược xây dựng nhiều giải pháp thực hiện, trong đó có giải pháp hoàn thiện pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho tổ chức và hoạt động luật sư; tăng cường hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của công dân, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về vị trí, vai trò của luật sư nhằm thu hút nguồn lực tham gia hoạt động hành nghề luật sư. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ luật sư; tăng cường tính chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề của luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư; tăng cường vai trò đào tạo, bồi dưỡng của tổ chức xã hội, nghề nghiệp của luật sư.

Chiến lược cũng đề cập tới giải pháp tăng cường vai trò tự quản của tổ chức xã hội, nghề nghiệp luật sư trong công tác quản lý luật sư và hành nghề luật sư, đảm bảo tuân thủ pháp luật, tuân theo quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. Xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển hoạt động hành nghề luật sư nhằm nâng cao chất lượng hoạt động hành nghề của luật sư; đảm bảo luật sư thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm trong hoạt động hành nghề. Tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm về tổ chức, hoạt động và hành nghề luật sư theo hướng tiếp thu, học hỏi có chọn học để phát triển phù hợp với các điều kiện hiện nay ở Việt Nam.

Từng bước khắc phục hạn chế, yếu kém

Trong thời gian qua, đội ngũ luật sư nước ta đã có sự phát triển nhanh chóng về số lượng, chất lượng cũng như tính chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện cả nước đã thành lập 62 Đoàn Luật sư/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với hơn 6.250 luật sư và hơn 3.000 người tập sự hành nghề luật sư, hoạt động trong gần 2.750 tổ chức hành nghề luật sư, trong đó có khoảng 10 tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu về kinh doanh, thương mại đầu tư có yếu tố nước ngoài.

Chất lượng của đội ngũ luật sư ở nước ta đang từng bước được nâng cao, bước đầu đáp ứng yêu cầu chuyên nghiệp hóa; số lượng vụ việc, khách hàng của luật sư nhiều hơn, đa dạng hơn; phạm vi hoạt động hành nghề của luật sư ngày càng được mở rộng, tỷ lệ khách hàng ở ngoài nước có xu hướng tăng nhanh….

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tổ chức và hoạt động của luật sư ở nước ta cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém. Số lượng luật sư hiện có so với dân số còn rất thấp và có sự phát triển mất cân đối lớn giữa khu vực thành thị - nông thôn, miền núi – đồng bằng, trung du và vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó, chất lượng của đội ngũ luật sư cũng còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế…. 

Việc xây dựng Chiến lược Phát triển nghề luật sư đến năm 2020 được đánh giá là một trong những bước thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và cải cách tư pháp trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư ở nước ta đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, thông thạo ngoại ngữ, giỏi kỹ năng hành nghề luật sư, có trình độ ngang tầm với các luật sư trong khu vực và quốc tế…

Quyết định Phê duyệt Chiến lược đã có hiệu lực thi hành kể ngày Thủ tướng ký ban hành và Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và Liên đoàn Luật sư Việt Nam xây dựng lộ trình và kế hoạch tổng thể triển khai Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020; xây dựng Kế hoạch triển khai Chiến lược trong từng giai đoạn, huy động các nguồn lực về tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật trong việc triển khai Chiến lược.

Hồng Thúy

Đọc thêm