'Nấm ảo giác' chứa tiền chất ma túy xuất hiện tại Việt Nam

Khi ăn nấm, người dùng sẽ bị ảo giác, buồn nôn; giá mỗi miếng nhỏ chừng 500.000 đồng.
Loại nấm có chứa tiền chất ma túy được đóng túi đưa về Việt Nam. Ảnh: Bảo Ngọc

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47, Công an Hải Phòng) thời gian qua đã bắt giữ một số vụ mua bán, vận chuyển “nấm thần” (còn gọi là nấm ảo giác, nấm ma thuật, nấm thức thần) vào Việt Nam.

Các mẫu được xét nghiệm tại Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cho thấy nấm này có chứa psilocybine và psilocine, chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội, thuộc danh mục 1 được quy định trong Nghị định 73/2018.

Loài nấm này có tên khoa học là Psilocybe pelliculosa, mọc phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới như Bắc Mỹ, Mexico, Nam Mỹ, bán đảo Scandinavia và vài vùng ở châu Á. 

Trong thành phần của nấm có một hoạt chất gây ảo giác mạnh là psilocybin. Người sử dụng sẽ bị ảo giác và các trạng thái thức thần khác, thậm chí buồn nôn, nôn và nôn khan... Mỗi cây nấm được cắt ra làm 2-3 phần, chân nấm dài có thể được cắt nhiều phần hơn. Mỗi miếng nhỏ (hàng loại 1) có giá khoảng 500.000 đồng.

Mỗi nhánh nấm được bán với giá 300.000 - 500.000đồng. Ảnh:Bảo Ngọc

Theo thượng tá Bùi Đức Thiêm (Phó phòng 5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an), trước đây các loại thực vật chứa chất ma túy này chưa được quy định trong danh mục cấm nên khó khăn trong việc xử lý. Hiện Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi đã cho phép xử lý việc mua bán lá cây côca, lá khát, lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa, nấm... có chứa chất ma túy như các loại ma túy khác.

Trước đó, ngày 25/7, Bộ Công an cho biết Viện Khoa học hình sự và các Phân viện khoa học hình sự tại TP HCM, Đà Nẵng cũng phát hiện hai tiền chất ma túymới có tên N-Ethylpentylone trong các mẫu viên nén màu hồng và 5FR-MDMB-PICA trong mẫu thảo mộc khô cắt nhỏ. Các loại tiền chất này có tác dụng kích thích mạnh thần kinh trung ương tương tự chất cathinone trong lá Khát - chất ma túy cực độc, nằm trong danh mục các chất tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và trong đời sống xã hội.

Đọc thêm