“Cách đây hơn 1 năm, gia đình phát hiện Linh ngáo đá. Em trai tôi cầm cần câu kéo lên kéo xuống ở tường nhà, mọi người hỏi thì nó nói đang câu rắn. Sau đó, đã 12h đêm, Linh lại trèo lên mái nhà đi qua đi lại khiến ai nấy đều khiếp sợ. Gia đình mệt mỏi nên từng gửi Linh lên trại tâm thần 3 lần, cứ tỉnh táo là bác sĩ cho về nhà.
Vào tháng 10/2016, gia đình gửi Linh vào nhà một người thân ở vùng xa xôi, hẻo lánh thuộc tỉnh Bình Phước, mong nó cai nghiện được cũng như được thư thái tinh thần. Thế nhưng ở đó được chừng 1 tháng, Linh bỏ đi bộ 60km khiến người nhà lo lắng, tìm kiếm hết sức vất vả. Cách đây 1 tháng, gia đình bất lực, xích chân Linh lại rồi khóa vào cột nhà, thi thoảng mới cho ra đường nhưng phải mang xích theo”.
Khoảng 11h ngày 4/1/2017, Linh cầm theo hai chai xăng xông vào trụ sở công an phường Phú Hậu gây rối và rượt đuổi một số cán bộ chiến sĩ công an. Anh ta ngang ngược lấy ghế đem ra sân ngồi rồi tẩm xăng lên người, đồng thời la hét inh ỏi. Ngay sau đó, lực lượng cảnh sát 113 phối hợp với công an phường đã tiến hành bắt giữ đối tượng này. Đến 12h trưa, người nhà của Linh gọi taxi để đưa anh ta lên bệnh viện Tâm thần Huế.
Một người chứng kiến sự việc kể lại: “Tôi đang ngồi uống cà phê với bạn thì bị Linh tới dùng dao rượt. Dù chân tôi đang bị gút nặng, di chuyển khó khăn nhưng vẫn cố chạy thoát thân. Một lúc sau, Linh ăn trộm xăng của một quán tạp hóa cạnh đường (3 chai, đổ giữa đường 1 chai - PV) rồi vào trụ sở công an quậy phá.
Lúc này, người hiếu kỳ cũng như các tiểu thương chợ đầu mối Bãi Dâu (phường Phú Hậu) tới xem rất đông, áo quần của Linh rách tả tơi, miệng chửi bậy. Có lẽ bị thần kinh điên loạn mới làm mấy điều này vì anh ta sống trong gia đình vui vẻ, đầm ấm, cha mẹ làm ăn lương thiện”.
Nhiều người khác cũng cũng nhận định Linh bị tâm thần kèm với ngáo đá nên mới làm liều. Tuy nhiên một số người khác lại cho rằng nam thanh niên này từng bị công an phường bắt xe nên tức giận nên mới tới đây để “trả thù”.
Trao đổi với PLVN, Trung tá Hoàng Ngọc Năm (Trưởng Công an phường Phú Hậu) cho biết: “Nghe tin người dân báo ở địa bàn có người gây rối trật tự nên công an chúng tôi liền đến hiện trường để làm việc. Đến nơi, thấy đối tượng này bị tâm thần, có dấu hiệu ngáo đá, rất hung dữ nên các chiến sĩ đã can thiệp, giải tán.
Sau đó, lúc chúng tôi chuẩn bị hết giờ làm việc buổi sáng thì Linh bất ngờ mang theo 2 chai xăng xông vào trụ sở. Tôi phải điện công an 113 xin trợ giúp. Khi đã bị khống chế, đối tượng này vẫn liên tục chửi bới, hò hét gây mất trật tự. Sự việc này chưa từng xảy ra trên địa bàn. Còn chuyện chúng tôi bắt xe máy của Linh khiến anh ta tức giận trả thù là hoàn toàn không có”.
Theo người nhà của đối tượng. Đêm 3/1, Linh ăn trộm tiền của chị gái chừng 500 nghìn rồi bỏ đi không ai hay biết. Sáng ra, anh ta về nhà không chào hỏi ai mà lục lọi khắp nơi, la hét inh ỏi. Sau đó Linh ra nhà bà nội lấy một con dao tới quán cà phê đòi chém khách ở đây. Công an đến, Linh vác xẻng rượt đuổi. Chưa dừng lại ở đó, Linh lấy 2,5 lít xăng của quầy bán tạp hóa mang tới đồn công an rồi gây rối.
Khi được đưa lên bệnh viện tâm thần Huế, Linh vẫn chưa tỉnh táo. Chỉ đến khi cơn “phê pha” đã qua, Linh mới biết mình vừa làm một việc tày trời. Một ngày sau sự việc xảy ra, tinh thần Linh đã tạm ổn định nhưng thi thoảng anh la hét rồi vẫn rơi vào ảo giác. Có mặt ở bệnh viện, bố mẹ của Linh mặt mày ỉu xìu như bánh đa nhúng nước. Mỗi người ngồi riêng rẽ một góc nhưng có chung tâm trạng buồn rầu. Người bố nhìn con trai nằm ở giường bệnh, ánh mắt xót xa. Người mẹ hai mắt đỏ hoe, đôi vai sụm xuống.
Linh nói: “Mẹ. Con không phải bị điên. Cho con về đi”. Người mẹ khe khẽ hỏi: “Con phải nằm viện, gắng uống thuốc vào, chứ về nhà là bị bắt đó”. Bà xoa đầu con trai hỏi: “Vì sao con lại ra đồn công an rồi đổ xăng lên người định tự thiêu vậy? Không thương mẹ à?”. Linh ngẩn ngơ đáp: “Con không biết vì sao lại làm thế cả”.
Mới đây, trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống ma túy và cai nghiện ma túy, báo cáo cho thấy cả nước có 210.751 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 10.617 người so với năm 2015.
Trong 3 năm 2014-2016, cả nước tổ chức cai nghiện cho 66.552 lượt học viên. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, công tác cai nghiện thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức, việc quản lý người nghiện, người sử dụng ma túy tổng hợp, đặc biệt đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện “ngáo đá” (hành vi loạn thần, hoang tưởng) chưa có giải pháp hiệu quả.
Tham dự chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy là một vấn đề bức xúc của xã hội, gây hậu quả nghiêm trọng, vì vậy, cả hệ thống chính trị, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội phải kiên quyết đấu tranh, phòng chống và đẩy lùi, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, để đem lại hạnh phúc, chất lượng giống nòi.
Trước việc xảy ra một số vụ trọng án do "ngáo đá" thời gian qua, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải nắm danh sách đối tượng "ngáo đá", không để nguy hiểm cho bà con.
Thủ tướng đề nghị Tòa án nhân dân các cấp xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật để răn de tội phạm ma túy.
Các cơ quan truyền thông báo chí cần có các bài viết, chuyên mục, chuyên trang, video clip để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về vấn đề này.
“Các đồng chí cần thực hiện tốt mảng công tác quan trọng này, chứ không chỉ coi trọng kinh tế. Một gia đình có một người nghiện thì cả nhà đó sẽ nghèo, khổ cực lắm. Chúng ta cần nhận thức rõ điều này để có quyết tâm mạnh mẽ, chứ không phải vì “công to, việc lớn” mà bỏ qua những việc rất cụ thể này”, Thủ tướng bày tỏ.