Nan giải câu chuyện lao động trẻ em

(PLVN) - Việt Nam có khoảng 2.800 làng nghề, trong đó có những làng nghề thủ công truyền thống có lịch sử hàng trăm năm. Làng nghề không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà cả giá trị lịch sử văn hóa nên giữ nghề, truyền nghề là vấn đề rất quan trọng. Nhưng cũng từ đây đặt ra vấn đề nan giải với trẻ em ở làng nghề, bởi phần lớn các em được truyền nghề, lao động nghề từ rất sớm, trong khi pháp luật nghiêm cấm việc lạm dụng lao động trẻ em…
Ở làng nghề trẻ em được truyền nghề, lao động nghề từ rất sớm. Ảnh minh họa.
Ở làng nghề trẻ em được truyền nghề, lao động nghề từ rất sớm. Ảnh minh họa.

Chuyện ở một làng nghề 

Năm 2013, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã thực hiện dự án Phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em ở làng nghề truyền thống chế tác gỗ và đá mỹ nghệ ở xã Hiền Giang, huyện Thường Tín, Hà Nội. 

Xã Hiền Giang có ngành nghề chính là nông nghiệp, chế tác gỗ và đá. Theo kết quả từ cuộc khảo sát cơ bản về lao động trẻ em do Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ LĐ-TB&XH thực hiện trong khuôn khổ dự án, cho thấy Hiền Giang có 240 trẻ em từ 5-17 tuổi đang tham gia lao động hoặc có nguy cơ tham gia lao động nặng nhọc và độc hại, chiếm 24,76% tổng dân số từ 5-17 tuổi của xã. 

Theo khảo sát, trên 70% lao động hoặc có nguy cơ tham gia lao động nặng nhọc và độc hại trong số mẫu khảo sát ở nhóm tuổi 15-17; khoảng 25,3% ở nhóm tuổi 12-14; khoảng 4,1% ở nhóm trẻ em 5-11 tuổi.  Hầu hết trẻ em đang tham gia lao động hoặc có nguy cơ tham gia lao động nặng nhọc và độc hại đều đang đi học, chiếm khoảng 85%. 

Bên cạnh đó, lao động trẻ em của xã tập trung vào các công việc chính là làm đồ gỗ mỹ nghệ (48.3%) và đồ đá mỹ nghệ (35.8%) và may thêu (9.6%). Lý do chính các em lao động là do cha mẹ muốn con em mình tham gia hoạt động kinh tế của gia đình và muốn truyền nghề, dạy nghề cho các em (57%); do kinh tế gia đình khó khăn cần giúp đỡ cha mẹ kiếm tiền (34%). Khoảng 2/3 số lao động trẻ em ở xã làm việc cho các hộ gia đình sản xuất kinh doanh dịch vụ, các cơ sở sản xuất kinh doanh có hưởng lương hoặc không hưởng lương. 

Số giờ làm việc bình quân trong ngày của trẻ em lao động vào thời điểm mùa vụ là 6,03 giờ/ngày và vào thời điểm bình thường là 4,08 giờ/ngày. Số ngày làm công việc chính bình quân trong tháng của trẻ em là 21,04 ngày công/tháng.

Tiền công các em nhận được chủ yếu từ các sản phẩm được khoán. Đa số trẻ em tham gia làm việc sau giờ học và vào ban ngày. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 1/5 số lao động trẻ em làm việc cả ban ngày và buổi tối. 

Trên 80% lao động tại các cơ sở sản xuất làm việc trong tư thế gò bó; trên 60% làm việc trong môi trường có nồng độ bụi cao và gần 40% làm việc trong môi trường có độ ồn vượt quá tiêu chuẩn cho phép; khoảng 4% người chưa thành niên phải làm việc với máy móc, phương tiện sản xuất không phù hợp, có nguy cơ gây tai nạn lao động, tiếp xúc với hóa chất độc hại và thậm chí phải vận chuyển, mang vác các vật nặng.

Lý giải việc sử dụng lao động trẻ em, những người chủ cơ sở sản xuất cho biết đó không những là kế sinh nhai mà còn để giữ truyền thống của tổ tiên. Mặc dù máy móc, phương tiện sản xuất đã được cải thiện, hiện đại hóa, nhưng tay nghề của người thợ vẫn là vấn đề quyết định chất lượng sản phẩm. Độ tuổi tốt nhất để đào tạo nghề khoảng 13- 15 tuổi. 

Sau một thời gian thực hiện dự án, người dân xã Hiền Giang, từ phụ huynh, các em cho tới các chủ cơ sở sản xuất đã có được nhận thức về lao động trẻ em. “Bây giờ chúng tôi chỉ cho con phụ giúp gia đình sau khi học xong, không ép con làm và không ép con phải hoàn thành chỉ tiêu, năng suất. Bọn trẻ được nghỉ ngơi khi cần. Mỗi ngày chỉ làm 2-3h thôi” – một phụ huynh ở xã Hiền Giang cho biết. 

“Trong hè, có một số cháu học lớp 10 gia đình muốn đi làm để biết nghề, tôi chỉ đồng ý cho làm từ 1 - 2h/ngày. Một số trẻ muốn làm nhiều hơn, tôi can: Chúng mày ngồi làm lâu rồi sau này không lớn được đâu” - chị Lê Thị Sơn, Cơ sở gỗ mỹ nghệ xã Hiền Giang, Thường Tín, Hà Nội nói.  

Với các em là người trong cuộc thì sao? “Khi được tham gia dự án chúng em cũng mới hiểu về lao động trẻ em, trước kia vẫn đi làm nghĩ rằng lao động kiếm tiền phụ giúp gia đình là tốt mà không nghĩ nếu chưa đủ tuổi đã đi lao động sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập” – là ý kiến của các trẻ em trong nhóm thảo luận... 

Vấn đề nhạy cảm, khó xử lý

Nhưng không phải câu chuyện làng nghề nào ở Việt Nam cũng như câu chuyện ở Hiền Giang. Vì thế, kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em của Bộ LĐ-TB&XH năm 2019 cho thấy tại Việt Nam hiện có 1,75 triệu lao động trẻ em, tập trung trong khu vực kinh tế phi chính thức với khoảng 1,7 triệu trẻ em, trong đó 34% làm việc kéo dài trên 42 giờ/tuần.

Việt Nam hiện có 1,75 triệu lao động trẻ em tập trung chủ yếu trong khu vực kinh tế phi chính thức. Ảnh minh họa.
 Việt Nam hiện có 1,75 triệu lao động trẻ em tập trung chủ yếu trong khu vực kinh tế phi chính thức. Ảnh minh họa.

Tình trạng lao động trẻ em nhiều năm qua trở thành vấn nạn nhức nhối dư luận. Theo thống kê, tỉ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam đang ở mức cao so với khu vực và trên thế giới.

Ở góc độ pháp luật, Bộ luật Lao động quy định, không được sử dụng lao động là người dưới 13 tuổi làm việc ở các làng nghề, chỉ được sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi làm các việc nhẹ theo danh mục do Bộ LĐ-TB&XH quy định, bao gồm các nghề truyền thống và nghề thủ công mỹ nghệ.

Đối với các công việc này, các em phải được cha mẹ hoặc người đại diện cho phép và không được làm việc quá 4 giờ mỗi ngày và 20 giờ mỗi tuần, không được làm thêm giờ, làm việc ban đêm, không được ảnh hưởng đến công việc học tập của các em. 

Các em có độ tuổi đủ 15 đến dưới 18 tuổi cũng không được làm quá 8 giờ mỗi ngày và 40 giờ mỗi tuần, không được làm các công việc nặng nhọc, độc hại… Người nào sử dụng người dưới 16 tuổi làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục Nhà nước quy định thì bị phạt tiền từ 30 triệu đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo hoặc phạt tù…

Tuy nhiên, theo ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH nhận thức của xã hội về lao động trẻ em ở Việt Nam hiện nay chưa thực sự rõ ràng. Hơn nữa, đây là một vấn đề rất nhạy cảm, khó xử lý bởi nó liên quan đến quan hệ ruột thịt, họ hàng giữa người sử dụng lao động trẻ em là lao động… 

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH: 

“Số lượng lao động trẻ em ở Việt Nam nằm ở mức các nước trung bình tại châu Á - Thái Bình Dương. Số lượng này những năm gần đây đang giảm dần. Vấn đề này Cục Trẻ em và Bộ LĐTB&XH hết sức quan tâm.

Mục tiêu của dự án giảm thiểu và xóa bỏ lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020 đã nhắc đến trách nhiệm các bên liên quan, hướng đến nhận thức, năng lực, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan đến người sử dụng lao động, cộng đồng và trẻ em. 

Để hạn chế lao động trẻ em cần thiết phải tuyên truyền rộng rãi đến người dân các quy định của pháp luật. Đầu tiên là việc vận động gia đình đưa trẻ em đến trường và xác định việc đi học, học nghề là cách tạo thu nhập ổn định và bền vững nhất. Tiếp đó, các cơ quan chức năng tuyên truyền việc sử dụng lao động là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý nghiêm”.

Bà Ninh Thị Hồng – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em:

“Vấn đề lao động trẻ em ở Việt Nam là vấn đề nhạy cảm và kiên trì. Lao động trẻ em ở Việt Nam khác với các nước khác vì chúng ta là nước nông nghiệp nên lao động trẻ em ở làng nghề  thì phải đưa vào nhận thức của gia đình. Không phải nghề nào cũng truyền ngay cho các em từ lúc còn nhỏ, có thể truyền là truyền tính yêu nghề, gieo cho các em nhận thức nghề này rất quý, chứ không phải là bắt các em học nghề luôn khi còn nhỏ tuổi.

Sau đó là nhận thức của cộng đồng dân cư, của chính quyền địa phương đó. Có những nghề các em có thể làm ngay khi 13 tuổi, nhưng cũng có nghề các em phải đủ tuổi, ví dụ như 15 tuổi trở lên có sức khỏe mới làm được. 

Tôi lấy ví dụ như làng Kiêu Kỵ ở Gia Lâm có nghề dát vàng bạc, nghề rất quý, nhưng thanh niên mới làm được vì phải quai búa để dát vàng. Trẻ em nếu phải quai búa sớm thì sẽ bị lệch, gù cột sống, không cao lớn được.

Bên cạnh quy định của luật chúng ra phải đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu rằng đừng vì cái lợi trước mắt  mà cho con em mình lao động sớm quá, ảnh hưởng tương lai của các em. 

Ở làng Kiêu Kỵ tôi đã từng hỏi chủ tịch xã là làng có bao nhiêu thanh niên trúng tuyển phi công, kết quả là không có ai cả vì chiều cao chưa đạt chuẩn.

Những thông tin như thế sẽ đưa dần vào nhận thức của người dân để họ thay đổi suy nghĩ và hiểu rằng, trẻ em tham gia lao động sớm có thể tạo ra lợi ích vật chất cho xã hội, nhưng về lâu dài, lợi ích do lao động trẻ em mang lại không thể bù đắp sự thiệt thòi mà các em phải gánh chịu cũng như hệ lụy đối với gia đình, xã hội. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, trẻ em đi làm xa gia đình bị kẻ xấu lôi kéo làm những việc phi pháp hoặc bị lạm dụng, xâm hại, mua bán”. 

Ông Chang Hee Lee - Giám đốc ILO tại Việt Nam: 

“Mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới khó có thể đạt kết quả như mong muốn nếu không có giải pháp hiệu quả nhằm giảm số lao động trẻ em xuống mức thấp nhất”. 

X.Hoa (thực hiện)

Đọc thêm